Lời kinh ngân vọng lúc hoàng hôn

Nền hương thất Phật tại Kỳ Viên tinh xá - Ảnh: Lương Hoàng/BGN

Nền hương thất Phật tại Kỳ Viên tinh xá – Ảnh: Lương Hoàng/BGN

 Chúng tôi đến Kỳ Viên vào lúc cuối ngày, khi những tia nắng chói chang của mùa xuân xứ Ấn bắt đầu dịu đi để sửa soạn cho một hoàng hôn sắp tắt. Dọc đường hành hương, qua những thánh tích gắn liền với dấu chân du hóa của Đức Thế Tôn, Kỳ Viên có lẽ là nơi để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm và kỳ lạ nhất.

 

Jetavana hay Kỳ Viên tinh xá có lẽ là cái tên mà bất cứ người Phật tử nào cũng từng một lần nghe nhắc tới. Jetavana là nơi Đức Thích Ca Mâu Ni đã an cư qua 19 mùa mưa, lâu hơn bất cứ những nơi nào mà Ngài từng đặt bước chân du hóa.

Kỳ Viên tọa lạc ở thành Xá-vệ, gắn liền với câu chuyện về tấm lòng hào sảng và sự sùng kính vô biên của Trưởng giả Cấp Cô Độc đối với Đức Phật. Lòng sùng kính và hào sảng, mong mỏi Chánh pháp được lan truyền đến quê hương mình đã khiến ông dám trải vàng để mua cho kỳ được khu lâm viên hoàng gia của Thái tử Kỳ-bà; để rồi sau rốt cả hai cùng để lại cho đời một huyền thoại nửa như thực nửa như mơ về một “Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên”…

Kỳ Viên cũng là nơi ghi dấu giai thoại Đức Phật hóa độ tướng cướp Angulimāla. Lòng từ mẫn vô biên đã cảm hóa sự tàn độc vô cùng chỉ bằng một câu nói “Ta đã dừng rồi, này Angulimāla! Và ngươi hãy dừng lại!” Khoảnh khắc ấy đã thành thiên thu. Thanh đao đẫm máu rơi xuống, để rồi một tướng cướp trở nên một bậc thánh A-la-hán mang tên Vô Não.

Và với người Phật tử Việt Nam, nơi mà tiếng niệm Phật đã thoát hóa thành một lời chào, một câu cảm thán trước cảnh vui lẫn khổ của đời thường, có lẽ Kỳ Viên khắc sâu hơn hết trong tâm khảm bằng những lời mở đầu cho bộ kinh thuộc nằm lòng vẫn được Tăng chúng trì tụng đều đặn vào mỗi thời công phu chiều trong chốn thiền môn: “Nhứt thời Phật tại Xá-vệ quốc, Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên, dữ đại Tỳ-kheo Tăng, thiên nhị bá ngũ thập nhơn câu,…”

Kỳ Viên bây giờ cũng như vô số thánh tích Phật giáo khác trên khắp Ấn Độ, trải qua dâu biển biến thiên, binh đao khói lửa, chỉ còn là những phế tích. Những phế tích nằm bất động trong quên lãng suốt nhiều năm tháng dài, trước khi được gạt bỏ lớp bụi phủ của thời gian và những người con Phật bốn phương tìm tới. Đứng trước những đá nghiêng gạch đổ, có lẽ hơn đâu hết, người con Phật có cơ hội thể nghiệm rõ hơn hết thế nào là biến hoại vô thường.

Nhưng có những điều dường như chẳng tan đi trước biến hoại vô thường. Đặt chân vào Kỳ Viên, len vào trong tôi là một cảm giác yên bình đến lạ. Những bãi cỏ, bụi cây được chăm chút cắt tỉa gọn gàng. Những nền gạch dẫu đổ nát vẫn sạch sẽ tinh tươm. Trong không gian ấy, chỉ có sự yên bình, không vội vã, ít tiếng động, chẳng ai dám cất tiếng nói cười lao xao.

Nơi cây Bồ-đề mà ngàn năm xưa, Tôn giả A-nan mang về từ Bồ Đề Đạo Tràng trồng xuống để chư Tăng tưởng nhớ đến Đức Phật khi ngài vắng mặt ở đây, những Phật tử Sri Lanka đang cần mẫn quét dọn, rải hoa cúng dường. Hương hoa hồng của quốc đảo này, ngày trước vốn được giới quý tộc Anh hết sức ưa chuộng, sử dụng trong những tiệc trà chiều hoàng gia sang trọng, được những người Phật tử lặn lội mang sang rải kín nền đất quanh gốc đại thọ thiêng liêng.

Hay ở một góc khác, nơi bãi cỏ xanh mướt được quét tước gọn gàng, hàng trăm chư Tăng Thái Lan đang ngồi an nhiên tụng kinh, rồi nối nhau đi về hướng hương thất của Đức Phật. Lời kinh Pāli trầm hùng ngân vang. Hàng trăm lời kinh nối nhau trầm hùng ngân vang.

Chúng tôi lần lượt tới cúi lạy trước hương thất của Đức Phật, áp sát đầu mặt nơi nền gạch thấm lạnh. Chẳng biết năm xưa, đâu là nơi vua Ba-tư-nặc đã đặt đầu mặt sát chân Phật để bày tỏ lòng tôn kính vô biên với đấng Điều Ngự? Đâu là nơi Ngài đã giảng cho nhà vua nghe về việc đừng bao giờ nên coi khinh một đốm lửa nhỏ, một con rắn nhỏ, một Vương tử nhỏ và một thầy tu trẻ tuổi? Con đường nào là nơi mỗi buổi sáng, Đức Phật đã đặt từng bước chân thiền hành tịch tĩnh của mình để rồi dấu chân ấy đã nối tiếp bằng triệu triệu dấu chân khác đem Chánh pháp lan khắp muôn phương?

Giữa Kỳ Viên, lời kinh cứ ngân nga mãi…

Hoàng hôn dần buông xuống đỏ rực phía chân trời. Chẳng hiểu sao hoàng hôn xứ Ấn rực rỡ nhưng cũng đượm buồn. Có phải cái buồn thấm đượm vào kiếp người chia cao rẽ thấp đến nghiệt ngã trên quốc độ này? Hay cái buồn của một chốn đã sản sinh ra những thánh nhân kiệt xuất bậc nhất trong lịch sử loài người nhưng lại chẳng thể mang được bao nhiêu kiếp người cùng khổ ra khỏi định kiến đè chặt xuống suốt mấy mươi thế kỷ qua?

Chiều Kỳ Viên yên ả, buông ánh vàng hắt lên những sắc áo ca-sa đang lặng lẽ lần theo dấu chân xưa của Thế Tôn, âm ba lời kinh tụng vang rền trong không gian mênh mang như gợi lại thuở Ngài còn tại thế. Lời kinh ngân vọng qua những tường gạch đổ nhấp nhô cao thấp, nhưng vẫn còn vẹn màu tươi đỏ với thời gian.

Chúng tôi ngồi bên hương thất của Đức Phật, lặng im trước hoàng hôn, trước Kỳ Viên, có người bỗng rơi nước mắt, và lời kinh bỗng được ai đó khe khẽ ngân lên đâu đây…

“Như thị ngã văn, nhứt thời Phật tại Xá-vệ quốc…”

Bài và ảnh: Lương Hoàng/Báo Giác Ngộ