Lợi ích của việc quy y Tam bảo
Muốn trở thành một người Phật tử, bước đầu chúng ta cần phải quy y Tam bảo. Ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng được xem như ba chỗ nương tựa vững chắc nhất cho mình.
Khi phát nguyện quy y trước Tam bảo, năng lực thanh tịnh của chư Phật và sự chứng minh trang nghiêm của chư tôn đức hiện tiền sẽ giúp chúng ta tinh tấn giữ trọn lời nguyện. Có những người sống không quen với những phép tắc, giáo pháp của nhà Phật, nghĩa là họ sống một cuộc đời tự do theo bản năng và dục vọng. Nhưng từ khi phát nguyện quy y, họ tự ý thức được mình đã quy y Tam bảo, nên trong cuộc sống thường ngày, họ luôn luôn biết dè dặt, biết cẩn trọng hơn trong từng lời nói, việc làm.
Đời nay, chúng ta được làm người là nhờ đã gieo nhiều nhân lành ở quá khứ. Điều này trong nhà Phật thường nói tới, đó là luật nhân quả. Nghĩa là chúng ta gieo nhân nào sẽ gặt quả đó. Ví dụ, mình gieo nhân xấu chắc chắn sẽ bị quả xấu, gieo nhân tốt sẽ được quả tốt. Cũng như muốn vài năm nữa có cam để ăn, ngay hôm nay, chúng ta phải biết gieo hạt cam. Luật nhân quả Phật dạy rất rõ ràng, không có gì mơ hồ cả. Nếu biết quy y Tam bảo đời này, đời sau chúng ta sẽ không bị đọa vào những đường dữ. Do nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích như vậy, chúng ta nhất định phải quy y, phải nương tựa vào Tam bảo.
Còn một điều quan trọng nữa là, nếu ai biết quy y Tam bảo, biết trở về dưới ánh sáng trí tuệ và từ bi của Phật, Pháp, Tăng thì hiện đời sẽ có cuộc sống hết sức bình yên, ngày sau chắc chắn sẽ tiến dần lên quả vị Chánh giác.
Tại sao ta biết quy y Tam bảo thì cuộc sống đời này được bình yên? Điều này cũng rất dễ hiểu. Ví như trước kia chưa biết quy y Tam bảo, chúng ta cứ mặc sức gây tạo những điều xấu ác. Còn bây giờ biết quy y Tam bảo, chúng ta sẽ không dám liều lĩnh hành động trái phép, không dám làm những việc gây phiền muộn và đau khổ cho người. Đã không gây đau khổ và phiền muộn cho người thì người cũng sẽ không gây đau khổ và phiền muộn lại cho mình. Vậy cho nên, có quy y Tam bảo, cuộc sống của chúng ta sẽ được an vui và thanh thản hơn.
Còn nói quy y Tam bảo ngày sau chắc chắn sẽ tiến lên quả vị Chánh giác là sao? Quả vị Chánh giác tức là quả vị Phật. Người nào muốn hướng đến quả vị Phật không thể không quy y Tam bảo. Vì có quy y Tam bảo, như đã nói ở trước, là nền tảng đầu tiên hết sức căn bản để bước dần lên những nền tảng khác. Có quy y Tam bảo, chúng ta mới thọ trì được Ngũ giới, Bát quan trai giới hay Thập thiện giới, cho đến những giới cao hơn… Thọ giới và giữ giới càng cao, chúng ta sẽ càng đi gần đến quả vị tối thượng, tức là Phật quả. Cho nên, muốn tiến lên quả vị Phật, chúng ta cần phải thọ nhiều giới; muốn thọ nhiều giới, đầu tiên chúng ta phải quy y Tam bảo.
Trong kinh Phật có kể một câu chuyện rất hay. Hồi đó, trong một khu rừng nọ, có một ông tiều phu ngày nào cũng vào rừng đốn củi mang về làng để đổi gạo nuôi thân. Một hôm, ông cũng tiếp tục với công việc cũ, nhưng xui xẻo cho ông, khi đang đốn củi bỗng nghe tiếng hổ gầm, ông hoảng hốt nhìn dáo dác, chợt thấy từ xa có một con hổ đang nhìn mình với bộ mặt thèm thuồng, rất dữ. Không nghi ngờ gì nữa, ông vội leo lên một cây cao để trốn. Thế nhưng con hổ cũng không bỏ cuộc, nó cứ đứng dưới gốc cây, gặm qua gặm lại mãi. Ông tiều phu trong giờ phút đó hoảng kinh tột độ, chẳng biết phải làm gì để thoát thân, bỗng dưng ông la lớn lên: “Nam mô Phật!”. Con hổ nghe tiếng, tự nhiên hoảng sợ, chạy thẳng một mạch vào rừng. Nhờ câu niệm Nam mô Phật lần đó, mà sau này ông đủ duyên xuất gia tu hành và chứng quả A-la-hán.
Chúng ta thấy, ông tiều phu chỉ cần một lần niệm “Nam mô Phật”, mà gieo nhân gặp Phật tu hành và chứng được Thánh quả, huống gì chúng ta đã biết Tam bảo, biết quy y! Thế nên, quy y Tam bảo nghĩa là chúng ta đang gieo nhân lành để sau này gặt được quả lành. Hay nói khác hơn, quy y Tam bảo là chúng ta đang gieo nhân để thành Phật. Vì những lợi ích thiết thực và hết sức căn bản ấy của Tam bảo, cho nên chúng ta cần phải quy y.
Có quy y Tam bảo rồi, bước tiếp theo, chúng ta mới có thể thọ trì Ngũ giới.
Thích Chân Tính