Lợi ích của sự vấp ngã
Một nhà đánh cá thiện nghệ vô cùng buồn khổ vì kỹ năng đánh cá của ba người con quá tầm thường. Ông ta kể khổ với mọi người: “Tôi theo mấy đứa con mới hiểu ra kỹ năng mà tôi truyền dạy cho chúng sao mà tệ hơn so với trẻ con của một người đánh cá bình thường?”
Một người đi đường nghe xong, hỏi: “Vậy bác có trực tiếp cầm tay chỉ việc cho chúng không?”
– Có chứ, tôi rất chú ý, rất kiên nhẫn bày vẽ bọn chúng.
– Bọn chúng vẫn theo bác đi đánh bắt chứ?
– Vâng. Vì muốn chúng ít đi qua con đường vòng, tôi cứ mãi để cho chúng theo tôi làm việc.
– Xem ra đó là lỗi của bác rồi. Người qua đường nói. Bác chỉ truyền thụ kỹ năng mà lại không truyền thụ cho chúng kinh nghiệm của sự thất bại, không dạy kinh nghiệm thất bại sẽ không thành việc lớn.
Cuộc sống không thể thiếu việc học hỏi, như té ngã là việc mà mỗi đứa bé tập đi đều phải trải qua. Không chú ý thì vấp ngã, tốt nhất là không bị thương tổn, càng không nên vì thất ý nhất thời mà một bước nhỏ cũng không dám tiến lên. Tổng giám đốc tập đoàn Kỳ Mỹ Hứa Văn Long nói: “Đã vấp ngã không nên vội đứng dậy, hãy tìm xem chung quanh có gì để nhặt nhạnh rồi hãy đứng lên.” Lời nói này quả là không sai. Tình cảnh thuận lợi hay khó khăn của cuộc sống, đối với một người có trí tuệ mà nói thì đều là những kinh nghiệm quý báu, đều có thể từ đó tích lũy vốn liếng của thành công. Cho nên, cuộc sống dù có những vấp ngã bất ngờ, nhưng chỉ cần mình không vì đó mà không đứng dậy nổi, thì vấp ngã có những ích lợi ngoài ý muốn.
1. Vấp ngã có thể tích lũy kinh nghiệm. Vấp ngã chưa hẳn là việc xấu, trẻ con vấp ngã, cha mẹ thường nói: “Không quan trọng, không sao.” Quá trình trưởng thành của mỗi người giống như tập đi xe đạp, phải té ngã nhiều lần mới có thể biết đi. Cho nên người bị vấp ngã có thể tích lũy kinh nghiệm. Một số người lớn tuổi còn tự hào nói rằng mình rất hay bị vấp ngã, bởi vì ông ta hiểu khi vấp ngã hai tay cần nắm chặt, trước tiên dùng cánh tay chống đất, rồi lần đến một nơi an toàn mới dựa lưng ra sau. Tích lũy nhiều kinh nghiệm vấp ngã, thì không sợ vấp ngã nữa, dù có bị vấp ngã cũng có thể an toàn, không sao cả.
2. Vấp ngã có thể rèn luyện ý chí. Người thành công trong sự nghiệp nhất định phải có nhiều kinh nghiệm về sự vấp ngã. Nhiều việc trên thế gian không phải một bước mà đạt được, tất cả đều phải kinh qua bao nhiêu trắc trở, khó khăn, vấp ngã sau đó mới đứng lại được, nên có điều gọi là “bị đánh gãy răng và chảy máu”, lần sau lại xông lên mới có thể đi đến thành công. Bao nhiêu những nhà khoa học thành danh đều phải trải qua nhiều lần nghiên cứu thất bại mới có thành công, bao nhiêu nhà chính trị cách mạng cũng phải qua nhiều lần thất bại mới thành công, bao nhiêu nhà kinh doanh lập nghiệp cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm thất bại mới có tình hình sáng sủa. Thất bại là mẹ thành công, thành công thuộc về người có ý chí mạnh mẽ và lòng kiên trì đến cùng. Vấp ngã có thể rèn luyện ý chí, đó chẳng phải là nguyên nhân mở đầu cho sự thành công sau này sao?
3. Vấp ngã có thể hiểu được tình người. Người bị vấp ngã, ngoài cái lợi lớn nhất là tăng thêm kinh nghiệm cho cuộc sống, còn có cái lợi nữa là kiểm nghiệm lòng người. Có những người bạn thấy chúng ta vấp ngã thì liền quay mặt bỏ đi, hạng người ấy chỉ có thể cùng chung hưởng giàu sang chứ không cùng chia sẻ hoạn nạn; có những người bạn lúc bình thường qua lại không lấy gì mật thiết, nhưng khi thấy chúng ta vấp ngã, họ thật lòng an ủi, nhiệt tình giúp đỡ, đó mới là những người bạn đồng camcộng khổ. Vì vấp ngã có thể nhận rõ lòng người, nên có thể kết giao được những người bạn chân chính, đó chẳng phải là một cái lợi khác nữa sao? Đến như sau khi vấp ngã, có những người bạn vui sướng trước tai họa của người khác, thậm chí lạnh lùng cười cợt. Những lúc ấy rất cần ý chí của chúng ta – bị loại người ấy bàn chuyện tào lao về những gì thua thiệt của ta, ta lại chuyển lòng bi phẫn thành sức mạnh để đứng lên!
Vấp ngã có thể thu được thành công. Lúc Tô Tần chưa thành công, khi trở về nhà, mọi người trong gia đình không ai thèm để mắt tới, thậm chí đến bữa cơm cũng không có để ăn. Về sau, ông được bộ sách “Thái Công Âm Phù”, dày công đọc tụng nghiên cứu, nhận được tướng ấn của sáu nước, khi ông trở về lại nhà, người chị dâu vội vã nghinh đón. Nghiêm Tử Lăng và Lưu Tú cùng lúc theo đuổi Âm Lệ Hoa, tuy tình yêu và sự nghiệp đều thất bại bởi tay Lưu Tú, nhưng ông đứng đằng sau giúp đỡ, phò trì Lưu Tú làm vua, công lao của mình không nhận lãnh, đời sau người ta ca ngợi ông không thua gì Lưu Tú, đức sáng của Nghiêm Tử Lăng lại càng chói chang hơn trong lòng mọi người.
Người bị vấp ngã tuyệt đối không được nhụt chí, sau khi vấp ngã cần dũng cảm đứng lên, thành công đang còn vẫy tay đón bạn.
Hoà thượng Tinh Vân