Liệu pháp nào cho sức khỏe tâm thần tuổi trẻ hôm nay?
Ảnh minh họa
Vào tháng 5-2022, tại TP.HCM, một nhóm quý Thầy và cư sĩ, nghệ sĩ và trí thức đã ngồi lại với nhau chia sẻ một số vấn đề trước các vấn nạn về đời sống tâm thần trong tọa đàm “Sinh hoạt Phật giáo trên nền tảng công nghệ số”.
Tại đây, có người đề nghị thiết kế những phần mềm hỗ trợ tâm lý tuổi trẻ hiện nay khi họ lạm dụng mạng quá nhiều nhưng chỉ sống trong thế giới ảo, đến khi gặp chuyện lại không biết ứng xử ra sao, sinh ra tuyệt vọng, trầm cảm và… tự tử.
Tuổi trẻ trước áp lực bên ngoài
Chúng ta nghĩ gì về những vấn đề mà trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam đang đối mặt hôm nay: áp lực học tập, sức khỏe tâm thần, nhất là trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vừa mới tạm thoát khỏi đại dịch Covid-19 mà những ảnh hưởng nặng nề hay dư chấn vẫn còn hằn sâu trong tâm thức mọi người và trong nhiều hoạt động kinh tế xã hội?
Ngay tại một nước phát triển tiên tiến như Mỹ, theo phóng viên Thông tấn xã VN tại New York, hãng tin AP dẫn lời chuyên gia cho rằng ở những khu vực người dân có thu nhập thấp, tình hình khủng hoảng rất nghiêm trọng và thậm chí càng tồi tệ hơn vì các trường học thiếu giáo viên và các chuyên gia tư vấn tâm lý để có thể hỗ trợ kịp thời cho các em.
Tình trạng trẻ em Mỹ mắc chứng lo âu, trầm cảm đã gia tăng từ vài năm nay nhưng những căng thẳng, bất an trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến tình hình thêm trầm trọng. Đặc biệt, khủng hoảng sức khỏe tâm thần xảy ra với những em vốn đã có tâm lý thiếu ổn định lại bị mất hẳn cơ hội nói chuyện, trao đổi với các chuyên gia tâm lý và không được tham gia các hoạt động ở trường để cân bằng lại tâm lý trong thời gian học trực tuyến gần hai năm qua. Đối với những trẻ em sống trong các gia đình có vấn đề như bố mẹ nghiện rượu hay có tính bạo lực, thì việc phải ở nhà học trực tuyến đã khiến các em dường như không có lối thoát.
Số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, đầu năm 2021, số ca trẻ em gái phải cấp cứu vì các vấn đề tâm lý, thậm chí tìm đến tự tử, tăng 51%, trong khi số ca trẻ em trai tăng 4% so với 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.
Ở Việt Nam, trong tọa đàm “Sinh hoạt Phật giáo trên nền tảng công nghệ số” tại Khách sạn Continental trong tháng 5-2022, có người đề nghị thiết kế những phần mềm hỗ trợ tâm lý tuổi trẻ hiện nay khi họ lạm dụng mạng quá nhiều nhưng chỉ sống trong thế giới ảo, đến khi gặp chuyện lại không biết ứng xử ra sao, sinh ra tuyệt vọng, trầm cảm và … tự tử.
Bởi đọc những con số liên quan trên các phương tiện truyền thông, chúng ta không khỏi giật mình. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố hay các tỉnh đều xảy ra không ít vụ tự tử, đa phần trong số đó là những người có tuổi đời rất trẻ. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới – WHO cho thấy tự tử đang là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi từ 15 đến 29, chỉ sau tai nạn giao thông.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tự sát, khoảng 5.000 người trong số này tìm đến cái chết do bệnh lý trầm cảm. Đặc biệt, theo số liệu của một số nghiên cứu, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%, tình trạng tự tử ở thanh thiếu niên 15 – 24 tuổi đã tăng hơn 40% trong thập kỷ qua. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các năm 2020 – 2022, vấn nạn tự tử càng đáng báo động khi tình trạng trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm thần tăng 3 – 5 lần so với bình thường.
Theo Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, bà Rana Flowers, mỗi người đều cần có một cơ thể khỏe mạnh cả tâm thần và thể chất. Tuy nhiên các vấn đề về sức khỏe tâm thần vẫn còn bị kỳ thị và hiểu lầm do đó đã tạo ra một “đại dịch” thầm lặng. Trẻ em và thanh thiếu niên chưa đủ mạnh mẽ để lên tiếng nói ra sự thật với bạn bè, người thân, gia đình. Vì thế, cần khuyến khích trẻ em chia sẻ, nói ra vấn đề của bản thân với người khác để nhận được sự giúp đỡ, tìm đến nhà chuyên môn hỗ trợ các em.
Kỳ vọng và áp lực lớn từ gia đình và nhà trường về việc học tập tốt, về các chuẩn mực xã hội và sự tăng tiếp xúc với internet là những yếu tố nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe tâm thần, dẫn đến tình trạng cô lập, lo lắng, buồn phiền, trầm cảm.
Ở Mỹ, những tranh luận về việc học tập cảm xúc xã hội đang diễn ra vì năm học mới này đánh dấu tình trạng “bình thường mới” như trước đại dịch. Một số trường không còn yêu cầu đeo khẩu trang nữa, hệ thống trường học dùng ngân sách liên bang để tuyển dụng các chuyên gia sức khỏe tâm thần hay mở rộng những lớp học về cảm xúc xã hội (social – emotional learning) hay SEL.
Chúng ta đã làm gì bảo vệ sức khỏe tâm thần cho tuổi trẻ?
Vai trò của cha mẹ
Nếu cha mẹ quan tâm tới con cái và cùng con chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống, trẻ được hướng dẫn tháo gỡ các vấn đề gặp phải, sẽ không mắc phải tâm lý bi quan hay cực đoan. Ngoài ra, nếu kết nối truyền thông giữa cha mẹ với con cái có trục trặc, không được thường xuyên mà điều này trong thực tế thường gặp thì xã hội cần mở ra những cánh cửa khác cho trẻ có thể trao đổi về những vấn đề của mình.
Thực tế là bố mẹ dành nhiều thời gian làm bạn với điện thoại hơn là trò chuyện với con. Bà Rana Flowers cho rằng, bố mẹ nên bỏ điện thoại xuống và dành nhiều thời gian giao tiếp với con hơn. Trẻ em mong muốn được người lớn lắng nghe mình thay vì yêu cầu trẻ phải làm thế nào.
Trường học
Bà Rana Flowers cũng cho rằng, chính phủ các nước cần cân nhắc các kế hoạch, chiến lược về sức khỏe tâm thần dành cho trẻ em và thanh thiếu niên; đầu tư vào các dịch vụ để hỗ trợ trẻ em. Trường học cần có dịch vụ tư vấn, chương trình học có ưu tiên liên quan đến sức khỏe tâm thần dành cho trẻ nhỏ. Thêm vào đó là cần có những cán bộ công tác xã hội tại cộng đồng có kỹ năng để có thể xác định trẻ em có nguy cơ, chuyển các em đến dịch vụ phù hợp nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần cho các em.
Ở Mỹ, gần đây học sinh một số trường tiểu học cho học sinh dùng laptop để kiểm tra cảm xúc trước mỗi buổi học (emotional check-in). Một giọng nói cất lên trong laptop “Thật vui khi gặp bạn. Hôm nay bạn thấy thế nào?”. Học sinh chọn một biểu tượng (emoji) để diễn tả tâm trạng: Vui/Buồn/Lo âu/Giận dữ/Chán nản/Bình yên/Ngớ ngẩn/ Mệt mỏi… Tùy vào câu trả lời, các em sẽ nhận thêm các câu hỏi: “Bạn ăn sáng chưa? Ai làm bạn tổn thương? Có ai ức hiếp bạn không? Gia đình bạn ổn không?…
Hệ thống sẽ báo cho giáo viên biết học sinh nào đang gặp vấn đề trong học tập hay cuộc sống. Công cụ này có tên là “Closegap” mà người sáng tạo ra nó, Rachel Miller nói việc sử dụng công nghệ này bùng nổ vì dịch Covid và đã có 3.600 trường ở Mỹ áp dụng.
Dù có phụ huynh phản đối vì cho rằng việc này biện minh cho sự can thiệp sâu vào đời sống cảm xúc học sinh nhưng các nhà giáo dục nói rằng nó giúp thầy cô hỗ trợ học sinh đối phó với áp lực và cảm xúc tiêu cực, không chỉ trong lớp mà trong đời sống.
Dan Domenech, Giám đốc điều hành Hiệp hội Giám sát học đường nói rằng “Sau cùng chúng tôi bắt đầu nhận ra trường học không chỉ dạy học sinh đọc, viết và toán học. Cũng như một học sinh đói thì không thể học, học sinh mà tâm trạng rối loạn không thể tập trung học tập được”. Ngay ở Mỹ, người ta cũng cho rằng họ chưa đáp ứng đủ việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho học sinh khi có đến 44% học sinh, theo CDC, là “cảm thấy buồn và tuyệt vọng” trong đại dịch.
Dù chính quyền Biden đã công bố khoản chi 500 triệu USD phát triển dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần trong trường học. Số tiền này là chi thêm ngoài khoản chi của tiểu bang và liên bang cho đại dịch. Tuy vậy họ vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng “giáo viên khải đạo” hay chuyên viên tư vấn (counselors), có trường chỉ có 1 giáo viên cho 500 học sinh! Theo khuyến cáo là một giáo viên cho 250 học sinh nhưng chỉ có hai tiểu bang New Hamshire và Vermont đáp ứng.
Một vài trường dùng ngân sách tạo ra “góc nghỉ ngơi” trong mỗi phòng học để học sinh bày tỏ âu lo và băn khoăn. Có trường xây dựng “Phòng điều chỉnh” (Reset Room) hay phòng để học sinh nói chuyện với nhà tư vấn tâm lý. Ở Houston, giáo viên dạy học sinh bài học về Chánh niệm. Học sinh có thể dùng ngón tay diễn tả tâm trạng: một ngón là tổn thương nghiêm trọng, năm ngón là hạnh phúc… Cũng ở Houston người ta xây dựng những “Phòng Thư giãn” và dữ liệu chứng minh số lượng học sinh khủng hoảng giảm 62% năm ngoái. Và họ tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Ở California, người ta tạo những “Không gian bình yên” nơi trang trí khác hẳn lớp học và chuyên gia tư vấn gặp gỡ họ sinh hay sinh viên, giúp họ điều chỉnh hành vi. Giám đốc một trung tâm hỗ trợ nói “Nếu họ tái tập trung và sau một thời khắc nghỉ ngơi, họ sẽ vào lớp trở lại và học tốt hơn, ghi nhớ sâu hơn”.
Ở Việt Nam vẫn chưa có các cơ sở tư vấn tâm lý trẻ vị thành niên tại các trường học hoặc ở từng khu vực, cộng đồng dân cư. Miền Nam trước đây có chức danh “giáo sư khải đạo” là các vị mà học sinh gặp trình bày những bức xúc hay khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta cũng không có các hình thức tư vấn trực tuyến với mục đích ngăn ngừa tự sát cho trẻ vị thành niên, người trẻ tuổi. Đã có những cái chết vì người trẻ không tìm thấy lối thoát trong cuộc sống, bơ vơ giữa gió bão của cuộc đời, khi tâm hồn hụt hẫng một tình yêu, đánh mất niềm tin vào người lớn, vào xã hội… Để rồi khi họ chết, người lớn lại cảm thấy bất ngờ đầy đau đớn.
Các yếu tố bảo vệ khác bao gồm môi trường gia đình gắn kết, mạng lưới xã hội và bạn bè tốt, chuyên viên hỗ trợ và có tấm gương để noi theo; gia đình có nền tảng kinh tế – xã hội tốt cũng như sự sẵn có của các dịch vụ cũng giúp giảm nhẹ các gánh nặng lên trẻ em, từ đó giúp giải tỏa những căng thẳng tiềm ẩn.
Ảnh minh họa |
Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ
Daisaku Ikeda là một triết gia, một nhà giáo dục, tác giả “Đức Phật trong ba lô”. Ông đối thoại nhẹ nhàng những vấn đề trong cuộc sống với tất cả mọi điều có thể xảy ra. Ông viết “Bản thân tôi có một niềm tin vô hạn dành cho giới trẻ”. Ông đề cập từ việc học tập đến công việc, đặc biệt nhấn mạnh đến ước mơ và mục tiêu trong cuộc sống, cũng như sự tự tin, lòng dũng cảm và đặc biệt là lòng từ bi, về điểm này ông dựa theo Phật pháp.
Đề cập đến ước mơ và mục tiêu, ông nói với tuổi trẻ rằng đôi khi, những ước mơ dường như không thể trở thành hiện thực. Điều này có thể hiểu được. Thầy Toda từng nói với tôi: “Hoàn toàn chính đáng khi giới trẻ ấp ủ những ước mơ có vẻ như quá lớn. Những điều chúng ta có thể đạt được trong một kiếp người luôn chỉ là một phần nhỏ những gì mà chúng ta mong muốn có được. Bởi vậy, nếu bạn bắt đầu với kỳ vọng quá thấp, rất có thể cuối cùng bạn sẽ không đạt được bất cứ điều gì”. Và quan trọng là tuổi trẻ phải biết mình muốn làm gì trong tương lai.
Mặc dù việc không chắc chắn về tương lai là điều rất tự nhiên, nhưng quan trọng là phải hoàn thành được việc gì đó – bất cứ việc gì. Ý nghĩ đó có vẻ hơi nặng nề. Nhưng như một câu nói cổ xưa: “Hành trình ngàn dặm bắt đầu bằng một bước chân”. Việc khám phá ra mục đích và mơ ước của chúng ta bắt đầu với bước đầu tiên là quyết định đi tìm chúng. Từ đó, chúng ta bước từng bước một – lớn dần qua nỗ lực hàng ngày.
Ngoài ra tuổi trẻ phải khám phá được sứ mệnh của mình trong cuộc sống? Sứ mệnh đó là tuổi trẻ phải ước mơ đóng góp cho việc xây dựng một xã hội phát triển trên cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Đó cũng chính là ước mơ hạnh phúc. Tuổi trẻ phải ý thức được rằng hạnh phúc của chính mình tồn tại khi những người chung quanh cũng hạnh phúc như mình. Từ đây, tuổi trẻ hướng đến hạnh phúc. Hướng đến hạnh phúc là hướng đến sự giải thoát khỏi khổ đau, giải thoát mọi chướng ngại do tham, sân, si gây ra. Từ đây, tuổi trẻ là tuổi hướng thiện, hướng đến việc xây dựng nếp sống an bình cho mình và đóng góp vào sự an bình cho mọi người. Ikeda muốn tuổi trẻ phải tìm một công việc phù hợp.
Một phẩm tính quan trọng nữa là lòng từ bi, hay nói nôm na là sự quan tâm đến người khác khi dường như người ta quá ích kỷ với nhau, ngay cả trong những người trẻ tuổi, họ cũng ít quan tâm đến nhau, mà để ý đến trang phục, cách chưng diện, và những vẻ ngoài hào nhoáng khác. Cách người ta cư xử với người khác, nhất là những người ở vị thế kém may mắn hơn, thể hiện khá rõ tính cách họ. Một cử chỉ yêu thương hay một câu nói đồng cảm có thể để lại ấn tượng không bao giờ phai. Và hành trang ấy cần “lòng từ bi” hay lòng tốt thực sự. Điều hết sức quan trọng là chân thành mong muốn thấy người khác được hạnh phúc. Và đó là điều mà chúng ta nên nỗ lực hướng tới mỗi ngày.
Kết nối yêu thương
Như đã nói ở phần trên, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm con cái. Chúng ta hãy ngồi lại với tuổi trẻ để họ giãi bày nỗi khổ niềm đau của mình và giúp đỡ họ dù chỉ một lời khuyên.
Thiền sư Nhất Hạnh khi còn sinh tiền dạy chúng ta thực tập cởi mở lòng mình, Thầy nói : “Quý vị hãy mời người thân người thương của mình ngồi xuống cùng thực tập. Hãy để họ nói rằng, “Ba ơi/ mẹ ơi/ anh ơi/ em ơi…, con/ em/ anh… đang khổ đây”. Từ đó, nhận ra những tri giác sai lầm của họ, cùng nhau giãi bày, với sự lắng nghe chân thành. Bằng cách đó chúng ta tạo nên mối quan hệ tương tức tương dung và giải tỏa mọi ức chế, phiền muộn, lo âu..
Trong lớp hay trong trường cũng có những buổi giãi bày như thế với thầy cô, bè bạn và tuổi trẻ sẽ nhẹ lòng. Bằng cách đó sức khỏe tâm thần của họ sẽ cải thiện và kết nối với cộng đồng sâu hơn, rộng hơn và bền chặt hơn. Hãy mở lòng ra và nghe sự đồng cảm quanh mình, tuổi trẻ sẽ mạnh dạn bước vào cuộc đời với tin yêu và tràn đầy năng lượng.