Lễ chùa đầu năm cầu thoát ế
“Cô nào chồng bỏ chồng chê, muốn cho hết ế thì đi chùa Hà”, ông Phương pha trò rồi chỉ khách đi lễ chùa vào phía trong viết sớ cầu duyên chùa Hà.
Cổng chùa Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đông kìn kịt người vào những ngày đầu năm. Người bán hương hoa, sắp lễ đứng lẫn với dân buôn xe máy cũ vẫy khách qua đường.
“Muốn cho thoát ế thì đi chùa Hà”
Hai chị em Thùy Linh, Hồng Ngọc chạy xe máy gần 30 cây số từ Đông Anh đến chùa Hà trong ngày đầu năm. Vừa dừng xe ở đầu phố chùa Hà, hai chị em đã bị ba, bốn người vây lại: “Bán xe máy à em ơi! Vào đây, anh lấy giá cao… Không bán à? Cầu duyên chứ gì? Vào đây anh nhờ thầy viết sớ cho! Đảm bảo tháng sau ăn hỏi!”.
Linh, 23 tuổi, nghe bạn bè giới thiệu năm nào cũng đến chùa Hà cầu duyên, cầu bình an và may mắn. Cô dừng xe để một anh “cò duyên” dắt vào nhà, rồi ấn cô chị ngồi xuống ghế, khai tên, tuổi, địa chỉ để “thầy” viết sớ cầu duyên.
Thùy Linh khá thạo trong các bước, từ sắp lễ đến trình tự khấn vái. Cô giải thích ở chùa Hà có 13 ban nhưng cô chỉ đặt lễ ở ba ban là ban Tam Thế (thờ Phật), ban Đức Ông và ban Thánh Mẫu. Cầu khấn cũng phải lần lượt từ khấn Phật, khấn đức Thánh Trần (Đức Ông) rồi mới cầu duyên ở ban Thánh Mẫu.
Cả nhóm viết sớ chung một thầy, có một người hướng dẫn chung, hộ bưng lễ, hướng dẫn qua loa rồi ghi lại số điện thoại của cả ba người để làm ông mối. Người đến chùa Hà cầu bình an, lễ Phật thì ít mà cầu duyên thì nhiều. Những ngày đầu năm chen chân không còn chỗ đặt lễ.
Người đến cầu duyên từ các bạn trẻ mười tám đôi mươi cho đến cả những người tóc đã hoa râm. Người cầu trong năm gặp được ý trung nhân. Người cầu cho người yêu ở xa trở về. Người đến chùa thắp hương, đặt lễ lấy can đảm rút điện thoại tỏ tình với người thương ở xa. Cũng có những người đến chùa gặp nhau, mấy hôm sau hẹn nhau đi uống cà phê, xem phim, “tìm hiểu”.
Năm nay, cô em Thùy Linh kéo cô chị đi bằng được. Cô chị đã bước sang tuổi “băm hai”, còn cô em kém gần chục tuổi và đã có mấy anh đeo đuổi mà chưa gật đầu với anh nào. Cô chị ưa nhìn, ăn nói nhẹ nhàng, công việc ổn định nhưng cứ “mãi là người đến sau”. Linh dạy chị xài đủ mấy app hẹn hò Tinder, Bumble… cả năm trời vẫn chưa thấy anh nào đến đón đi chơi.
“Em nói mãi mà chị em không nghe! Cắt duyên âm đi! Đầu năm đi họp lớp, bạn bè chị ấy bế con đến chụp ảnh vui vẻ, còn chị mình thì đi đâu cũng lôi em theo cho đỡ… một mình. Em mong có anh nào “tà lưa” cho nhà em được nhờ!” – Linh cười lém lỉnh, còn cô chị mặt đỏ căng như quả bòng trên bàn thờ ngày Tết.
“Nhanh cái tay lên! Mấy năm rồi mà còn quên à?”, bà Minh ở Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) dúi mâm lễ vào tay “ông con” ngót nghét 30 vẫn chưa chịu lấy vợ.
“Được rồi! Mẹ cứ để con – Thanh Bình, gã trai Hà Nội, cố giữ bình tĩnh – Mẹ ra ban Tam Thế, ban Đức Ông cầu bình an giúp con, còn cầu duyên ở ban Thánh Mẫu thì phải tự con cầu”.
Bà Minh nghi ngờ, không tin cậu con trai lắm. Nhà có ba anh em, hai cô con gái đã yên bề gia thất hết cả, còn ông cậu cả nối dõi tông đường chuẩn bị bước sang tuổi “băm mươi” chưa có mảnh tình nào vắt vai. Ngày đi làm, tối về chơi game online với lũ bạn, vừa nói chuyện vừa cười hô hố.
“Thanh niên trai tráng gì mà nhát như cáy! – bà Minh kể – Học đại học xong chả thấy yêu đương gì. Năm ngoái cậu nó giới thiệu cho mấy em rõ xinh xắn, ngoan ngoãn. Đến khi tôi dẫn nó sang nhà cậu gặp mặt, người ta mới chào một cái mà xấu hổ đỏ cả mặt lên, ấp a ấp úng như gà mắc tóc!”.
Bị mẹ “bóc phốt” ngay tại sân chùa, Bình chỉ cười trừ: “Nghề tài xế như con thì có ma nó thèm! Mà mẹ đừng sốt ruột quá! Cái duyên nó đến là mẹ có con dâu ngay!”. Nói xong, anh chàng giở điện thoại nhắm mắt học thuộc bài khấn đã kỳ công “search” đâu đó trên mạng.
Bà Mai cho hay đang ở thời nhà cửa ổn định, bố mẹ còn khỏe, cậu cả nhà bà mà lấy vợ sinh con thì bà sẽ trông nom cháu chu đáo. Nghề nghiệp của Bình còn vất vả, bà biết con trai bà vẫn còn lo mang thêm gánh nặng cho gia đình nếu cậu cưới vợ. Thế nhưng cả nhà vẫn mong đầu năm đến chùa Hà cầu duyên, cuối năm đến chùa tạ lễ, mà ngay năm nay chứ không phải “cuối năm nào chưa biết”.
“Chị ơi, anh yêu em!”
Mồ hôi lấm tấm trên trán cậu thanh niên Mạc Trường Giang (quê Hải Phòng) vì hồi hộp. Hôm nay là tròn 5 năm Giang quen cô bạn gái cùng trường. Giang tốt nghiệp Học viện Báo chí, đang làm cho một công ty truyền thông.
Giang kể cô bạn cùng trường học trước cậu hai khóa. Cả hai gặp nhau khi cùng làm chung trong một nhóm sản xuất chương trình truyền hình. Họ cùng ở tổ viết kịch bản, ngồi chung xe theo đoàn đi quay phim khắp các tỉnh Tây Bắc rồi thân nhau lúc nào chẳng hay.
“Hôm ấy em đưa chị về, à không, em ấy về. Qua cổng chùa Hà thì xe máy bị thủng săm, dắt bộ. Các anh buôn xe cứ xúm vào hỏi mua, em ấy sợ bám chặt vào tay em…”, Giang mơ màng ôn lại kỷ niệm.
Và hôm ấy là cái hôm cậu đưa bạn về rất muộn, đến phòng trọ mới biết đúng ngày sinh nhật của cô ấy. Người yêu cô và các bạn đã bày tiệc ngọt đợi sẵn. Hôm ấy Giang cũng ở lại góp vui, ôm ghi ta hát bài Tuổi hồng thơ ngây mùi mẫn rồi thất thểu ra về.
Hết dự án, cô bạn đi làm cho một đài truyền hình ở Hà Nội. Giang tiếp tục đi học, đi làm nhưng lúc nào cũng nhớ nhung người bạn, người chị học lớp trên.
Năm ngoái, Giang tình cờ gặp lại người cậu vẫn thầm thương trộm nhớ. Cô bạn vẫn làm ở đài truyền hình, còn anh bạn trai ngày trước đã đi du học và lập gia đình. Năm nay Giang lên Hà Nội sớm, đến chùa Hà cầu duyên. Đặt lễ khấn vái xong, cậu ngồi ghế đá ở góc khuôn viên chùa, mặt đầy quyết tâm.
Giang nhấc điện thoại, bấm số rồi lại run tay tắt máy, bỏ cặp kính cận ra lau. Mồ hôi hột đầm đìa. Khi nắng chiều vàng như mật làm đôi tai cậu căng mọng lên, Giang vừa run vừa dõng dạc: “A lô! Chị ơi, em yêu chị!…”. Khói hương chùa lãng đãng mờ bay như hiện ra gương mặt “chị”, à không, “em yêu”.
Cầu giữ gia đạo vợ chồng ấm êm
Ở TP.HCM hiện nay cũng có rất nhiều người đầu năm đi lễ chùa cầu duyên, thậm chí có người cất công đi xa tận các chùa ở Bình Dương, An Giang, Tây Ninh, Bình Thuận vì nghe đồn “hay cầu được như ý”. Nhiều bạn trẻ còn thuê xe chung đi cả nhóm để nhờ Bà, nhờ Ông, nhờ Phật xem đường duyên số mai này. Nhưng cũng có nhiều người lớn tuổi, thậm chí có gia đình rồi cũng đi để mong thoát khỏi cảnh “chống ề” hay gìn giữ gia đạo vợ chồng.
Cô Hoàng Thị Hà Thủy, 56 tuổi, ở quận Bình Tân (TP.HCM), trước đây thì đi chùa Bà Đen (Tây Ninh) với chồng, nay đi có cả cô con gái đã tuổi gần 30 còn độc thân. “Vợ chồng tôi thì cầu gia đình hạnh phúc, vợ chồng ấm êm. Còn con bé cầu… lấy được chồng như ý”, bà Thủy cười kể.