Lấy pháp làm chuẩn mực
Người lấy pháp làm chuẩn mực là người lấy lời Phật dạy làm trọng, làm tiêu chuẩn để hành động. Khi làm việc gì, người này luôn xem xét chuyện đó có đúng lời Phật dạy hay không, đúng với chánh pháp hay không, đúng theo luân lý nhân quả hay không.
Còn khen chê của người đời là chuyện của người đời, việc của người lấy pháp làm chuẩn là phải sống và hành theo pháp. Ví như khi chúng ta đi bố thí, có người nói với ta rằng người ta nghèo là nghiệp của người ta, việc ta bố thí là việc ta đang xen vào nghiệp của người ta thì ta sẽ mang tội. Nếu nghe những lời nói đó, chúng ta thối tâm bồ đề, không hành nguyện bố thí nữa, thì ta đang sống theo kiểu lấy đời làm chuẩn. Với một người sống theo pháp, thì mình sẽ tác ý, nghĩ xem vấn đề người ta nói có đúng pháp hay không và chỉ hành trì những việc đúng với chánh pháp. Đúng là cuộc đời một người quá nghèo là nghiệp của họ, nhưng việc giúp đỡ là việc của ta. Nếu như cuộc đời ai cũng cho rằng nghiệp ai người đó chịu, vậy Phật xuất hiện để làm gì, bậc Thánh xuất hiện để làm gì, Phật giảng dạy Phật Pháp để làm gì? Theo luật nhân quả thì nghiệp ai người đó chịu, nhưng may mắn thay đức Phật đã xuất hiện trên thế gian để chỉ cho chúng ta con đường đi đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống và để tự thân ta hành trì mà chuyển hóa nghiệp của chính mình.
Phật không làm cho ta vui, Phật cũng không làm cho ta khổ. Mà Đức Phật chỉ cho ta thấy con đường đến khổ và đến vui. Mà việc chọn đường đi nào là do ta quyết định. Cũng vậy, một người khổ, bệnh, nghèo là do nghiệp của họ. Khi ta giúp đỡ họ là ta có cái duyên để giúp đỡ người đó và thông qua nhân duyên này, ta có thể giúp họ biết đến chánh pháp, để họ có thể từng bước chuyển hóa từ con đường khổ sang vui. Một việc làm mang lại nhiều lợi ích cho chính ta và cho người như thế, ta nên tinh tấn hành trì và không để cho mình bị mắc kẹt lại vào những lời nói khen chê, thị phi của tha nhân.
Người lấy pháp làm chuẩn, nên khéo léo xem xét các vấn đề có đúng pháp hay không và luôn luôn hành trì theo lời Phật dạy. Ví dụ hôm nay mình đi chùa, có người nói xấu mình: “Cái bà đó mà đi chùa cái gì, mặc bộ đồ lam cái gì, đồ đạo đức giả!”. Nếu mình sống theo đời, thì mình sẽ xảy ra tranh cãi với người đó: “Nghĩ sao tui như thế này mà bà bảo tui là đạo đức giả hả?”. Nhưng một người lấy pháp làm chuẩn mực thì biết rằng ai nói cái gì là chuyện của người ta, người ta nói mình đạo đức giả nhưng giả hay thiệt thì chính mình đã tự biết. Nếu vì một lời nói của người đời mà mình không đi chùa, mình từ bỏ con đường đi đến an vui, thì chính mình là người thiệt thòi. Ngay cả những suy nghĩ của mình thì cũng đừng vội tin, mà nên xét lại những suy nghĩ đó có đúng chánh pháp hay không, có đúng lời Phật dạy hay không? Trong một số trường hợp, trình độ của chúng ta chưa đủ để suy tư cho chín chắn, thì ta nên xin tư vấn nơi một vị thầy, nơi sư phụ của ta, vì có những việc ta làm quá sức nó cũng đổ vỡ và có những việc ta làm được mà không làm, thì cũng thiếu sót.
(Trích từ pháp thoại “Ba tiêu chuẩn để hành động”)
ĐĐ. Thích Thiện Tuệ