Lấy giới luật, luật pháp Nhà nước làm nền tảng nghiêm khắc trong chấn chỉnh đạo đức người tu sĩ

Với Tăng Ni, Phật tử, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX đang diễn ra là sự kiện quan trọng nhằm hoạch định phương hướng hoạt động cho 5 năm tới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).

 

Trong ý nghĩa ấy, nhiều nhà tu hành bày tỏ những ý nguyện, kỳ vọng để làm cho Phật giáo ổn định, hội nhập và phát triển trong xã hội hiện đại.

Trao đổi với truyền thông, Đại đức Thích Nguyên Chính, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trợ lý Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự; Phó Chánh Văn phòng I Trung ương GHPGVN bày tỏ ý kiến: “Những năm qua, hoạt động hành chính Giáo hội từng bước làm thay đổi diện mạo của Phật giáo nước nhà theo hướng tích cực. Đó là sự thay đổi toàn diện từ việc tu chỉnh Hiến chương qua từng thời kỳ đến việc cải cách và hoàn thiện cơ cấu tổ chức nhân sự, phương thức hoạt động cho đến việc nâng cao chất lượng Phật sự và hiệu quả tu học của Tăng, Ni Phật tử.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Là một tu sĩ trẻ được phân công thực hiện đảm trách một số công việc nhất định tại Văn phòng I Trung ương GHPGVN, bản thân tôi luôn nỗ lực trong tu tập và rèn luyện để đáp ứng được những nội dung công việc được giao phó.

Trước hết trên tinh thần tự nguyện, tự giác cần nghiêm trì thực hành giới luật và tuân thủ nghiêm túc các quy định của Hiến chương, Nội quy Giáo hội và những quy định của pháp luật Nhà nước. Việc giữ gìn giới luật và kỷ cương của GHPGVN là vấn đề then chốt mà mọi thành viên thuộc GHPGVN phải tuân thủ. Có thể nói, điều quan trọng nhất của mỗi tu sĩ nói chung, nhất là tu sĩ trẻ nói riêng là gạn lọc thân tâm, tấn tu Tam vô lậu học”.

Đại đức Thích Minh Phú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.HCM 0 vị tu sĩ chủ trương xây 460 cây cầu ở nông thôn tính từ đầu 2017 đến nay và nhiều chương trình từ thiện ý nghĩa khác đề đạt mong muốn Giáo hội nghiêm khắc trong việc chấn chỉnh đạo đức người tu sĩ.

Theo Đại đức Thích Minh Phú, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 là sự kiện trọng đại để GHPGVN nhìn lại chặng đường 5 năm đã qua và vạch ra những đường hướng phát triển trong tương lai.

“Tôi tin tưởng, mong GHPGVN sẽ lấy giới luật làm nền tảng, nghiêm khắc trong việc chấn chỉnh đạo đức người tu sĩ, vì muốn mạng mạch Phật pháp mãi lưu truyền thì không gì quan trọng hơn việc giữ gìn giới luật” – Đại đức Thích Minh Phú cho biết.

Đại đức Thích Nguyên Toàn – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Giang cho biết, GHPGVN cần phát triển, đào tạo một thế hệ Tăng Ni trẻ, có đạo hạnh, năng lực, có trình độ Phật học biết vận dụng Chính pháp. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội; chú trọng công tác hoằng pháp nơi đồng bào vùng cao, vùng khó khăn.

“Mong muốn của tôi cũng như của Tăng Ni, Phật tử tỉnh Hà Giang là Trung ương Giáo hội cần có chương trình hành động Phật sự phù hợp với văn hóa và đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số. Về lâu dài cần đào tạo đội ngũ hoằng pháp viên biết tiếng dân tộc, có năng lực, am hiểu về Phật pháp; động viên Tăng Ni trẻ tốt nghiệp các trường Phật học, trang bị cho họ đầy đủ về tư cách pháp nhân, pháp lý” – theo Đại đức Thích Nguyên Toàn.

Được biết, trong số 12 mục tiêu chương trình tổng quát trong nhiệm kỳ mới (2022-2027) được thảo luận tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm vụ “Nêu cao kỷ cương, giới luật” được đặt lên hàng đầu. Do đó, một trong những trọng tâm của Đại hội lần này, đó là việc tu chỉnh Hiến chương, nêu cao kỷ cương, giới luật để gìn giữ và tiếp tục đề cao giá trị Phật giáo trong xã hội hiện đại.

Trao đổi với báo chí tại họp báo trước Đại hội, Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, chủ đề của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX là “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển”. “Kỷ cương không chỉ là giáo pháp, giáo lý với Tăng, Ni, Phật tử mà còn bao hàm cả trách nhiệm chấp hành pháp luật Nhà nước”, Hòa thượng Thích Huệ Thông nhấn mạnh.

Cũng theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, Đại hội Phật giáo lần thứ IX sẽ tu chỉnh Hiến chương Giáo hội để đáp ứng theo những thay đổi của pháp luật hiện hành và tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động của tăng ni, phật tử.

“Hiến chương được tu chỉnh sẽ làm rõ các vấn đề về tổ chức tôn giáo trực thuộc, ban quản trị chùa, quyền sở hữu tài sản của Tăng, Ni, người thuộc Giáo hội… Kế hoạch tu chỉnh Hiến chương được đưa ra trong bối cảnh Hiến chương hiện hành tồn tại từ trước khi Luật Tín ngưỡng Tôn giáo có hiệu lực, đồng thời Luật Đất đai mới cũng sắp được ban hành.

Quá trình tu chỉnh Hiến chương, Giáo hội có tham khảo chi tiết với Ban Tôn giáo Chính phủ để đảm bảo vừa phù hợp với giới luật của đạo Phật, vừa phù hợp luật pháp của Nhà nước”, theo Hòa thượng Thích Huệ Thông.

Hồng Minh