Lập nguyên tắc sống là xây dựng bản ngã?
Đáp:
Trong chân đế thì không cần lập quy tắc gì cả, vì nó đã vận hành hoàn hảo theo nguyên lý tất yếu của Pháp rồi, chỉ cần thấy ra hay thực chứng thôi. Nhưng trong đời sống tục đế, tất nhiên ai biết lập quy tắc sống, đúng, tốt hơn, sẽ thành công hơn. Vì vậy, có hai trường hợp:
A.
Lập quy tắc sống một cách chủ quan theo ý mình, thì đó là thuận ngã. Lập quy tắc chủ quan theo ý mình, mà thiếu hiểu biết bản chất đời sống, không biết quy luật thiên nhiên, quy luật xã hội, không biết rõ về bản thân, thì chỉ nô lệ vào quy tắc của chính mình đặt ra.
Thí dụ như cố tu luyện khổ hạnh ép xác để mong đạt được lý tưởng giải thoát, hoặc sống khắc kỷ để cầu xin được tha lực ban ơn cứu rỗi, thì vẫn chưa phải là sống đúng, sống tốt hơn.
B.
Lập quy tắc sống theo nguyên lý vận hành của Pháp thì đó là thuận Pháp. Khi biết quan sát công việc, quan sát bản thân, quan sát đời sống, quan sát đồng hồ sinh học, biết mình, biết người, biết hoàn cảnh, thì lập quy tắc sống mới đúng, mới tốt.
Thí dụ một học sinh biết lập thời khóa hàng ngày cho hợp lý, để giảm nỗ lực căng thẳng không cần thiết, thì việc học sẽ hiệu quả hơn. Chính Đức Phật cũng có quy tắc sống mỗi ngày rất nghiêm túc, nhưng rất tự nhiên, hợp với hoàn cảnh của Ngài.
Bác sĩ cho thuốc, người bệnh dùng thuốc, hoặc người làm việc, mà biết thời bệnh học, hay đồng hồ sinh học, thì sẽ lập quy tắc chữa bệnh tốt hơn, làm việc thành công hơn. Thí dụ:
– Từ 1 đến 3 giờ sáng là mật thải chất độc.
– Từ 0 đến 4 giờ sáng, tủy tạo máu thì cần phải ngủ sâu.
– Từ 5 giờ sáng trở đi, huyết áp tăng, tim đập nhanh hơn. Lúc này cortisol được tạo thành trong cơ thể, nó nạp điện cho bộ ắc-quy bên trong của chúng ta, do đó không nên tập thể dục quá mạnh, có thể bị tai biến, nên uống nước để khỏi bị đông máu. Lúc đó, sau khi thức dậy, nên dùng thời gian đó để học bài, sẽ dễ nhớ hơn, hoặc để thời giờ đó đọc sách, sẽ dễ tiếp thu hơn.
– Từ 7 đến 9 giờ sáng, ruột non hấp thu dưỡng chất, nên ăn uống bồi dưỡng, không nên bỏ ăn buổi sáng.
– Từ 8 đến 11 giờ trưa, có nhiều năng lượng, nên làm những việc cần tập trung tâm lực và thể lực.
– Từ 11 đến 13 giờ, nên nghỉ trưa ít nhất nửa tiếng, để hồi phục năng lượng bị tiêu hao trong công việc nặng nhọc buổi sáng.
– Từ 14 đến 16 giờ chiều, nên học hay làm những việc nhẹ nhàng, ít cần tập trung trí lực và thể lực, vì lúc ấy, thân tâm đã mệt nhọc.
– Từ 15 đến 17 giờ, bàng quang hoạt động mạnh, nên cần uống nước để có hiệu quả cao nhất.
– Buổi chiều tối không nên ăn uống nhiều. Và nếu có ăn thì nên ăn trước 18 giờ, vì tối ngủ, cơ thể không cần nhiều calories, mà cần thời gian nghỉ ngơi để thanh lọc.
– Từ 21 đến 23 giờ khuya, hệ miễn dịch đào thải chất độc, nên thư giãn buông xả, vô sự và đi ngủ.
– Từ 23 giờ trở đi, gan bài tiết chất độc nên cần ngủ ngon giấc.
Tuy cần lập quy tắc sống, nhưng luôn thận trọng, chú tâm, quan sát thực tế, để uyển chuyển biến hoá cho phù hợp với những thay đổi thời tiết, thay đổi xã hội, thay đổi điều kiện sống, thay đổi công việc, và cả những thay đổi riêng của chính bản thân nữa, thì mới luôn thích ứng và mới mẻ.
Người đã thông suốt thì NGUYÊN TẮC CAO NHẤT LÀ KHÔNG CẦN NGUYÊN TẮC NHẤT ĐỊNH NÀO CẢ.
Thầy Viên Minh