Lắng tai nghe mà tìm tới với chúng sanh

Trong chúng ta, ai lại chẳng qua đôi lần đi đến tuyệt cùng của cuộc tồn sinh, khi mà mọi dự tính con người trở thành vô nghĩa. Giữa bao nỗi đau thương đeo đẳng, cất lên tiếng kêu giữa chấp chới tử sinh, ai lại không cần lắng nghe hay một cánh tay cứu độ.

 

Lắng tai nghe mà tìm tới với chúng sanh ảnh 1

Năm 15 tuổi, tôi trải qua cơn bệnh ngặt. Khi ấy, sự sống và cái chết tưởng như chỉ còn cách nhau gang tấc. Trong không gian có phần lạnh lẽo của phòng cấp cứu, khi đang phải vô cùng khó nhọc trong việc thở oxy, mắt nhắm nghiền, tâm trí của một đứa trẻ là tôi lúc ấy bỗng hiện lên vô số hình ảnh: những lần đi chơi đến chỗ này chỗ kia hồi nhỏ xíu, cái vườn ở quê nội mà tôi hay trốn ngủ la cà ngoài đó quanh những cái cây, ngọn cỏ với con mắt tò mò, rồi lần đầu tiên bước đến chùa, thấy Phật,…

Giữa những hỗn độn trôi qua ý thức, bỗng bật lên hình ảnh vị thầy già trụ trì ngôi chùa gần nhà tôi. Có một lần, trong khi la cà vào chùa, thầy kéo tôi lại hỏi thăm dăm ba câu, kể chuyện. Tôi chỉ lên tượng Bồ-tát Quán Thế Âm trắng tinh, ngự uy nghi nơi vườn chùa mà khi ấy, tôi còn chưa rõ là ai và hỏi: “Đó là ai vậy ạ?”. Thầy giải thích giản dị cho tôi nghe về Ngài, rồi sau hết, dặn dò: “Bao giờ khốn khổ, con nhớ niệm Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát!”

Bao giờ khốn khổ, nhớ niệm Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát!

Lời dặn ấy bỗng dội về từ tiềm thức, kéo tôi lại giữa những lộn xộn. Tôi lần dò từng chữ, bằng suy nghĩ, kết thành tiếng niệm Bồ-tát. Cứ thế, từng chữ, từng chữ một. Mọi thứ lặng dần đi, tôi chìm dần vào giấc ngủ…

Khi tôi thức giấc, trời đã sập tối, chỉ còn mẹ ngồi cạnh giường bệnh, ống oxy đã được tháo ra. “Bác sĩ bảo, may mà nhà gần cấp cứu kịp, chứ nếu không…” Trong lúc mẹ đang loay hoay sửa soạn đồ đạc, tôi nằm yên và láng máng nhớ lại những gì vừa diễn ra. Nhớ lại vị thầy già, bóng hình áo trắng phảng phất trong giấc mơ và bỗng trên môi tôi mấp máy thật khẽ: Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát…

Hiện thân Bồ-tát

Là vị Bồ-tát được tôn sùng bậc nhất trong Phật giáo Á Đông, Bồ-tát Quán Thế Âm thường mang hiện tướng của một người nữ hiền từ, phúc hậu. Người đời nhớ đến Ngài với hạnh nguyện gói gọn trong bốn chữ “tầm thanh cứu khổ”, nghĩa là lắng nghe tiếng kêu đau thương mà tìm đến cứu độ. Họ cũng có một niềm tin xác quyết rằng hễ có bất cứ nguy nan nào, chỉ cần gọi tên Ngài, tức thì Ngài sẽ có mặt để cứu giúp, và sự linh ứng của Bồ-tát Quán Thế Âm là không thể nghĩ bàn.

Người Việt Nam từ xưa cũng tôn thờ và có niềm tin lớn đối với Bồ-tát Quán Thế Âm. Dân gian gọi Ngài theo cách thân thương và giản dị là Phật Bà, là Mẹ Quán Âm, Mẹ Nam Hải,… Rồi có khi Ngài hiện thân là Phật Bà Diệu Thiện, thác tích ở chốn Hương Sơn, một miền non cao Bắc Việt; có lúc Ngài lại hiện thân trong tích truyện Quan Âm Thị Kính với hạnh nhẫn nhục cao tột được kể lại từ đời này sang đời khác khắp những làng mạc quần tụ quanh vùng châu thổ sông Hồng.

Ở những ngôi chùa xưa xứ Bắc, có những tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm được thể hiện dưới dạng nghìn mắt nghìn tay, là tuyệt tác của những nghệ nhân Việt Nam để lại cho đời. Nghìn con mắt để nhìn thấu hết thế gian, nghìn đôi tay để cứu vớt được mọi kiếp người thống khổ. Ngài ngự ở đó, giữa thâm nghiêm, u tịch chốn tùng lâm, nhưng vẫn nghe được tiếng kêu cầu khắp chốn.

Người dân Việt còn gọi Ngài bằng Mẹ – Mẹ Quan Âm. Một đời người, không gì thân thương bằng mẹ, không ai dành cho ta bằng hết tình thương yêu bằng mẹ, cũng không ai dám hy sinh tất cả cho con mình như mẹ. Con ở đâu thì mẹ ở đó. Dành cho Bồ-tát Quán Thế Âm tiếng gọi Mẹ đầy thân thương, chừng ấy cũng đủ rõ vị trí đặc biệt đến thế nào của Ngài trong lòng người.

Nghe hết mọi lời thế gian

Trong tất cả mọi hạnh nguyện, lắng nghe có lẽ là điều khó nhất. Con người chúng ta có thể nói rất nhiều, làm rất nhiều và rất dễ nhưng biết lắng nghe và chịu lắng nghe đôi khi là việc rất khó. Càng khó hơn nữa là việc lắng nghe người đã và đang chịu nhiều đau khổ, bởi lắng nghe họ thôi mà không cần phán xét, đánh giá cũng đã đồng nghĩa với việc chia sớt được phần nào nỗi khổ, sự thương đau mà họ đang mang gánh trên mình.

Đối với những người ấy, đôi khi, được lắng nghe đã là cả một sự an ủi lớn lao rồi. Nhưng không phải lúc nào người ta cũng có đủ dũng cảm để chia sẻ câu chuyện của mình với người xung quanh, và cũng không phải lúc nào, người ta cũng có thể tìm được người lắng nghe mình và đủ khả năng đưa mình ra khỏi những khổ đau đang vây bủa. Những lúc như vậy, nhiều người có xu hướng tìm tới với sự cầu nguyện, giãi bày trước những bậc siêu trần.

Chắc chắn rằng vô số người con Phật, lẫn không theo tôn giáo nào, từng ít nhất một lần trong đời, tìm tới Bồ-tát Quán Thế Âm, vị Bồ-tát đại diện cho hạnh nguyện lắng nghe, với niềm tin rằng Ngài có thể nghe được mình, giúp được mình. Trước sân mỗi ngôi chùa luôn tôn trí một thánh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm lộ thiên, ở đó, sớm chiều lúc nào cũng nghi ngút khói hương, người vào ra lễ bái.

Trước Ngài, con người giãi bày đủ thứ chuyện lớn nhỏ, buồn vui. Họ tin rằng với khả năng lắng nghe và tâm từ bi rộng lớn, Ngài có thể nghe và dung chứa được mọi nỗi thương đau của thế gian này. Trong kinh Phổ môn, Bồ-tát Quán Thế Âm là hiện thân của tình thương lớn, khả năng lắng nghe vô hạn, sự ứng hiện diệu kỳ. Hạnh nguyện ấy còn được gói gọn trong lời tán dương của Đại sư Thiên Thai Trí Giả: “Tầm thanh cứu khổ ư tứ sinh/ Thuyết pháp độ thoát ư lục đạo” (Lắng tai nghe mà tìm tới với chúng sanh/ Đem pháp nhiệm trừ khổ đau cho muôn loại – Thiền sư Nhất Hạnh dịch).

Người đời đặt trọn tâm thành nơi Bồ-tát Quán Thế Âm, mong mỏi Ngài lắng nghe thương đau của mình và của đời. Người ta truyền tụng về sự linh ứng tuyệt vời từng được thể hiện qua vô số câu chuyện thật, với niềm tin bất diệt nơi Ngài. Nhưng hơn hết cả, Ngài ở giữa chúng ta, bằng những đôi tai biết nghe, tâm từ bi không thành kiến, không phán xét hay phản ứng.

Khi niềm tin vào khả năng cứu độ và chữa lành của sự lắng nghe được nuôi dưỡng, Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ thị hiện mỗi giây phút, nơi chốn trong thế gian này.