Lắng nghe với lòng khinh an

Để thực tập lắng nghe sâu, trước tiên ta phải có thời gian để nhìn sâu vào tự thân, nhìn sâu vào người trước mặt mình, để ngôn từ có khả năng chế tác được sự hiểu biết, cảm thông và làm vơi đi nỗi khổ đau của cả hai bên.

 

Gần đây tôi gặp một phụ nữ đến từ Paris. Cô xin tôi hướng dẫn cho cô thực tập trong ngành vận động học (kinesiology). Là một nhà cố vấn sức khỏe, cô muốn biết làm thế nào để có thể thành công nhất trong nghề nghiệp của cô. Tôi nói: “Nếu cô có sự nhẹ nhàng và không gian trong lòng, thì lời nói của cô sẽ chuyên chở được tuệ giác sâu sắc, sẽ đưa tới sự truyền thông đích thực.” Tôi chia sẻ với cô:

Để thực tập lắng nghe sâu, trước tiên ta phải có thời gian để nhìn sâu vào tự thân, nhìn sâu vào người trước mặt mình, để ngôn từ có khả năng chế tác được sự hiểu biết, cảm thông và làm vơi đi nỗi khổ đau của cả hai bên.

Khi nói, tất nhiên, ta chỉ nói những gì ta nghĩ là đúng. Nhưng đôi khi do cách ta nói, người nghe không tiếp nhận được, vì vậy lời nói của ta không có hiệu quả mãnh liệt giúp người kia thấy rõ vấn đề và hiểu thêm tình trạng. Ta nên tự hỏi lại mình: “Tôi có đang nói ‘chỉ để nói’ không, hay tôi nói vì tôi nghĩ rằng lời nói của tôi có thể giúp người kia trị liệu?” Khi ta nói với lòng từ bi, dựa trên nền tảng của yêu thương và tương tức, về mối liên quan mật thiết giữa ta và người kia thì lời nói của ta mới có thể được gọi là lời nói ái ngữ.

lang-nghe 2

Khi ta trả lời liền cho một ai đó, thường thì ta chỉ tung ra những kiến thức mà ta đã học hoặc phản ứng vì cảm xúc. Khi nghe lời chia sẻ hoặc vấn đề của người khác, ta không để thời gian để lắng nghe sâu và nhìn sâu vào những gì người kia nói, ta chỉ phát ra những lời đối đáp, những câu trả lời nhanh lẹ. Điều này không ích lợi gì cả.

Lần tới có ai hỏi mình điều gì thì đừng trả lời ngay. Hãy tiếp nhận câu hỏi hoặc lời chia sẻ và để cho nó thấm vào mình để người kia thấy là họ đang được lắng nghe thật sự. Tất cả chúng ta, đặc biệt là những người có nghề nghiệp giúp đỡ người khác, rèn luyện mình bằng kỹ năng này sẽ mang lại nhiều lợi lạc. Chúng ta phải thực tập làm cho được và làm cho hay. Trước tiên ta phải lắng nghe chính mình, nếu không lắng nghe chính mình sâu sắc thì ta không thể lắng nghe người khác sâu sắc được.

Chúng ta cần vun trồng và nuôi dưỡng con đường tâm linh trong đời sống hằng ngày nếu ta thực sự muốn nhẹ nhàng, thảnh thơi và khinh an. Ta cần phải thực tập để khôi phục lại không gian trong ta. Chỉ khi nào ta có khả năng khơi mở không gian trong lòng thì ta mới có thể thực sự giúp được người khác. Dù ta đi bộ hay đi xe buýt, bất kỳ ở đâu, ta cũng có thể dễ dàng nhận ra những người có không gian trong lòng. Có lẽ chúng ta đã từng gặp những người này rồi, cho dù ta không biết họ là ai, nhưng ta thấy thoải mái với họ, bởi vì họ dễ chịu và thư thái. Họ không có nhiều lịch trình trong đầu.

Nếu mở rộng không gian trong lòng, ta sẽ thấy mọi người muốn đến gần ta, ngay cả những người trước đây đã từng lánh mặt ta như con gái tuổi mới lớn, vợ hay chồng mà mình từng cãi lộn, cha mẹ… Ta không cần phải làm gì cả, không cần phải dạy gì, thậm chí không cần phải nói gì. Nếu ta thực tập cho chính mình, tạo không gian và sự yên tĩnh trong lòng thì người khác sẽ hướng về không gian ấy. Mọi người chung quanh ta sẽ cảm thấy thoải mái khi gần ta vì phẩm chất có mặt của ta.

Đó là đạo đức vô hành. Chúng ta dừng suy nghĩ, đưa tâm về đoàn tụ với thân và có mặt thật sự. Vô hành rất quan trọng. Vô hành không phải thụ động hay trì trệ, nó là một trạng thái cởi mở, sáng tạo và phong phú. Chúng ta chỉ cần ngồi yên, rất tỉnh thức, nhẹ nhàng, và khi người khác đến ngồi với ta, họ cảm thấy nhẹ nhàng khinh an ngay. Cho dù ta không làm gì để giúp, người kia cũng nhận được rất nhiều từ ta.

Có không gian để lắng nghe bằng tâm từ bi là tinh yếu cho một tình bạn chân thật, một tình đồng nghiệp chân thật, một người cha, người mẹ đích thực, một người bạn hôn phối đích thực.

Người đó không cần phải là một chuyên gia tâm lý để lắng nghe giỏi. Thực tế, nhiều nhà tâm lý trị liệu không có khả năng lắng nghe, bởi vì họ có quá nhiều khổ đau. Họ học về tâm lý nhiều năm, biết rất nhiều phương pháp kỹ thuật, nhưng trong tim họ có nhiều khổ đau mà họ không có khả năng trị liệu và chuyển hóa, không có khả năng hiến tặng cho chính họ niềm vui, không có khả năng giải trí để quân bình với những khổ đau mà họ đã nhận vào từ khách hàng. Vì vậy, họ không có không gian để giúp đỡ người khác cho có hiệu quả. Người ta phải trả nhiều tiền cho các nhà tâm lý trị liệu để gặp họ từ tuần này qua tuần khác, hy vọng được trị liệu, nhưng các nhà tâm lý trị liệu không thể giúp được nếu họ không có khả năng lắng nghe chính họ bằng tâm từ bi. Các nhà tâm lý trị liệu cũng là con người, cũng khổ đau như bao người khác. Khả năng lắng nghe người khác trước hết phụ thuộc vào khả năng lắng nghe chính mình bằng tâm từ bi.

Các nhà chuyên nghiệp muốn giúp người khác cần phải có bình an trong lòng thì mới giúp được, nếu không chỉ làm lãng phí thời gian của khách hàng và lấy tiền của họ. Tất cả những gì ta cần trước hết là sự dễ chịu, khinh an, nhẹ nhàng và bình yên trong thân tâm. Bình an này ta có thể chế tác được bằng mỗi bước chân, mỗi hơi thở của ta. Chỉ khi đó chúng ta mới thực sự lắng nghe người khác.

Điều này đòi hỏi một ít thực tập. Mỗi ngày ta dành một ít thời gian cho hơi thở và bước chân, đưa tâm trở về với thân và nhớ rằng ta có một cái thân. Mỗi ngày dành ra một ít thời gian để lắng nghe em bé trong mình, lắng nghe những điều trong lòng đang kêu gào được lắng nghe. Sau đó ta sẽ biết cách lắng nghe người khác.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh