Lắng nghe sâu là sự hiến tặng yêu thương chân thành

Bạn có khi nào lắng nghe một ai đó thật sâu chưa? Lắng nghe sâu có nghĩa là trong khi mình lắng nghe người đó nói mình chỉ lắng nghe thôi. Mình lắng nghe người đó mà không có bất kì thành kiến nào.

 

Mình lắng nghe người đó mà không có bất kì phán xét nào cả. Nếu bạn có khả năng lắng nghe như vậy bạn sẻ khám phá ra được rằng bạn có khả năng nghe luôn được những gì người kia không nói ra.

Với tôi lắng nghe như vậy là một phương pháp thiết lập truyền thông và kết nối yêu thương.

Trong mỗi chúng ta ai cũng mong muốn những điều mình chia sẻ, những điều mình nói ra được người khác lắng nghe, tôn trọng. Vì chúng ta muốn điều đó thì tại sao mình lại không hiến tặng điều này cho những người xung quanh.

Thỉnh thoảng trong cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm suôi gió, có những lúc ta gặp khó khăn Trắc trở. Có những lúc ta phải đối diện với những nghịch cảnh của cuộc đời. Những lúc ấy ta thật sự cần lắm những người bạn có khả năng lắng nghe. Ta muốn đến với người đó, xin người đó lời khuyên, lời chỉ bảo. Ta kể hết cho người đó nghe những điều ta đang còn vướng mắc trong lòng.

“Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”

442494644_782843200616068_5015163962303117375_n

Đôi khi người bạn đó chẳng cho ta lời khuyên gì cả, tuy vậy người bạn đó của ta thật sự có mặt đó trọn vẹn. Người bạn đó lắng nghe những gì ta nói một cách chân thành, yêu thương. Người bạn đó nhìn ta với đôi mắt từ ái và một nụ cười nhẹ trên môi. Chỉ cần vậy thôi mà bao nỗi khổ trong ta được tan biến. Và ta biết rằng chỉ cần ta thật sự lắng nghe với tất cả sự chú tâm của mình thì đã làm cho người kia vơi bớt rất nhiều khổ đau rồi.

Có thể vì việc lắng nghe sâu quan trọng hơn nói nên thượng đế đã ban cho loài người có hai cái ta và chỉ có một cái miệng.

Trong khi lắng nghe người kia nói đồng thời mình cũng lắng nghe luôn những tiếng nói thì thầm đến đi trong tâm thức của mình. Lắng nghe người kia và lắng nghe chính mình sẻ cho mình rất nhiều cơ hội để phát triển tuệ giác và mở ra những cánh cửa của yêu thương.

Vì khi mình thực tập lắng nghe như vậy mình sẻ có cơ hội hiểu được chính mình nhiều hơn và cũng hiểu được người kia nhiều hơn. Mà hiểu biết cũng chính là trí tuệ, là nền tảng của yêu thương. Mình hiểu người kia càng sâu thì sẽ thương người ấy càng nhiều. Mình không những thương những tài năng, ưu điểm của người đó mà mình còn thương luôn được những khó khăn, vướng mắc của người đó, mình thương luôn được những khuyết điểm của người đó.

Mình biết rằng những khó khăn mà người ấy gây ra cho những người xung quanh, thật ra người ấy không muốn. Nhưng vì người đó có quá nhiều hiểu lầm về nhau chưa được tháo gỡ, vì đời sống bé thơ của người đó có quá nhiều đau khổ hoặc vì người đó sống trong quyền lực và tiền bạc rồi Huân tập những tập khí mới “ta nói mọi người phải nghe, vì ta có tiền và có quyền”.

Quyền lực cao bao nhiêu, tiền tài nhiều bao nhiêu khi ta không biết được ta là ai, khi ta không điều khiển được những cảm xúc của chính mình, khi ta không biết rằng ở sân khấu cuộc đời này ta chỉ là những người diễn viên mà lương của chúng ta nhận được chính là ba nghiệp (ý nghiệp, khẩu nghiệp, thân nghiệp) mà mình đang tạo tác hằng ngày.

Cho đi yêu thương sẻ nhận được yêu thương. Lắng nghe sâu là một hình thức hiến tặng sự yêu thương chân thành nhất. Nếu bạn làm được những điều này là bạn đang thực tập theo hạnh của một vị bồ tát rất nổi tiếng trong đạo Phật. Vị bồ tát đó là bồ tát Quán Thế Âm.

“Lạy đức Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi.”

Pháp Nhật