Làm thế nào để giữ được công đức?
Trong công đức có phước đức, trong phước đức thì chưa chắc có công đức. Chúng ta phải trữ công đức, phải tích công bồi đức. Làm thế nào mới có thể giữ được công đức?
Mọi người cũng đều nghe nói qua, nhà Phật có một câu nói:
“Một hạt gạo của thí chủ
Nặng như núi Tu Di
Đời nay không liễu đạo
Mang lông đội sừng trả”.
Lời nói này là thật không phải giả. Bạn có phước báo bao lớn mà có thể hưởng thọ mười phương chúng sanh cúng dường? Làm gì có phước báo lớn đến như vậy? Chỉ có Phật và đại Bồ Tát mới có phước báo này, phàm phu làm gì có phước báo lớn như vậy. Mê hoặc điên đảo!
Phước báo này hưởng không được vài năm, khi chết đều là mơ mơ hồ hồ mà chết. Chết rồi thì đi đến nơi đâu vậy? Chỗ này không cần phải nói, tương lai vẫn là không tránh khỏi phải trả nợ. Cho nên, Phật dạy cho chúng ta phải “trữ công đức”, không phải phước đức.
Trong công đức có phước đức, trong phước đức thì chưa chắc có công đức. Công đức là nói tu công mà có được. Thí dụ chúng ta trì giới có công thì liền được định, định chính là đức; tu định có công, trí tuệ khai, khai huệ là đức. Do đây có thể biết, công là tu nhân, đức là quả báo, tu nhân được quả là đạo lý nhất định. Chúng ta phải trữ công đức, phải tích công bồi đức.
Làm thế nào mới có thể giữ được công đức? Chữ “trữ” này rất quan trọng. Trữ là tồn trữ, lưu kho, công đức của bạn mới có thể tích lũy được.
Trong nhà Phật có một câu nói: “Lửa thiêu rừng công đức”. Công đức rất khó mà tồn trữ, vì sao vậy? Một đám lửa thì cháy sạch. Lửa gì vậy? Lửa sân hận. Khi khởi tức giận, vừa khởi tức giận thì công đức đều hết. Cho nên bạn phải biết, bạn cả đời này tu hành trữ được bao nhiêu công đức, nghĩ lại xem bắt đầu từ lúc nào không khởi tức giận.
Một đóm lửa sân, đốt cháy cả rừng công đức
Nếu như sáng sớm ngày nay khởi lên một cơn giận thì công đức của đời quá khứ và ngay đời này đã tu thảy đều cháy sạch, không còn gì hết.
Người hiện tại nói công đức, có thể nói đều là hữu danh vô thực, tu cái tên của công đức, không tu công đức thật. Trong lòng có cái không được vui thì công đức hết rồi. Cho nên phải biết, thế gian này yêu ma quỷ quái rất nhiều, chúng chỉ sợ bạn tích công bồi đức, cho nên thị hiện ra vô số cảnh giới, vô số nhân duyên, muốn phá hoại đi công đức của bạn.
Thế nhưng bản thân của họ không có năng lực phá hoại công đức của bạn, bất cứ người nào cũng đều không có cách gì phá hoại công đức của bạn, ai có thể phá hoại? Chính mình phá hoại chính mình, họ ở nơi đó thúc đẩy bạn, làm cho bạn khởi tức giận, làm cho bạn khởi tâm sân hận, làm cho bạn rất nghe lời, quả nhiên khởi tức giận, quả nhiên khởi tâm sân hận, đem công đức của chính mình thiêu hết sạch, ma ở nơi đó vỗ tay vui mừng: “Tốt lắm, ngươi đã làm ra việc ngốc như vậy”.
Chúng ta sau khi hiểu rõ được đạo lý này thì nhất định phải đề cao cảnh giác, tất cả thuận cảnh không sanh tâm hoan hỉ, tất cả nghịch cảnh không sanh tâm sân hận, công đức của bạn mới có thể giữ được. Con người này có trí tuệ chân thật.
Phía trước nói hàng ma, Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện cho chúng ta xem “dĩ định huệ lực, hàng phục ma oán”. Nếu bạn không có định, không có huệ thì công đức của bạn không thể giữ được, đó là đạo lý nhất định.
Ở trong cảnh giới thường hay khởi tâm động niệm thì còn có thể được sao? Tâm tùy theo cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, đó là tâm luân hồi. Bạn tạo nghiệp luân hồi thì tương lai sẽ chịu báo luân hồi. Cho nên sau khi chúng ta hiểu rõ, chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày mà rèn luyện. Việc rèn luyện này chính là tu hành.
Ngày trước, sáu căn chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần dễ bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, xem thấy ưa thích thì chúng ta khởi lên tâm hoan hỉ, xem thấy không ưa thích thì chúng ta khởi tâm ghét bỏ, vậy thì sai rồi. Sai lầm thì đem nó tu sửa lại. Tu sửa thế nào vậy? Thuận cảnh không sanh tâm hoan hỉ, nghịch cảnh không sanh tâm áo não, đó gọi là tu hành. Đem cái sai lầm tu sửa lại, đó gọi là tu hành.
Cho nên tu hành không phải mỗi ngày tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật, đó chỉ là hình thức tu hành, mà tu rồi phải chân thật có thể hữu dụng, phải có thể dùng được ở ngay trong đời sống. Đối diện với tất cả mọi người, tất cả mọi vật, tất cả mọi việc thật khởi lên được tác dụng, không còn bị cảnh giới này xoay chuyển, vậy mới gọi là có công phu.
Bạn ở niệm Phật đường niệm Phật, một ngày niệm mười vạn danh hiệu Phật, nếu như đối diện với cảnh giới tâm còn bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, vậy thì như người xưa nói, bạn “đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công”, bạn không có công phu, công phu của bạn là giả không phải là thật.
Công phu phải trải qua được sự khảo nghiệm. Cùng ở với mọi người, dùng lời hiện tại mà nói, khi giao lưu với chúng sanh cũng phải có biểu lộ, nếu như một người đến được cảnh giới này, trên mặt giống như tượng thần điêu khắc vậy thì ở trong xã hội cũng có thể hù chết người.
Cho nên, khi giao lưu với tất cả chúng sanh, biểu hiện cũng có hỉ, nộ, ai, lạc, nhưng là biểu diễn, không phải là thật, bên trong thanh tịnh vô nhiễm, đúng như Vĩnh Gia đã nói: “Phân biệt diệc phi ý” (phân biệt cũng không phải là ý).
Cho nên, ứng dụng ngay trong cuộc sống thường ngày rất là hoạt bát, rất là linh hoạt, hiển thị ra Phật pháp là đáng quý. Sự viên dung của Phật pháp, thọ dụng chân thật của Phật pháp, từng li từng tí đích thực là không có ô nhiễm, chân thật có định có huệ, đây gọi là công phu, đây chính là công đức mà bạn chân thật trữ được.
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 35-36.
HT. Tịnh Không