Làm thế nào để chuyển hóa nghiệp đố kỵ?
Nghiệp là tất cả những hành động có tác ý, biểu hiện thường xuyên bằng thân, khẩu, hay ý. Nghiệp là một năng lực cá biệt được chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác. Nghiệp giữ một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt, cấu tạo, hình thành nên sanh tử luân hối, trong tứ sanh, lục đạo và tâm tánh con người.
Theo Lão Tử có dạy: “Gieo suy nghĩ, gặt lời nói. Gieo lời nói gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận”. Đây chính là “nghiệp”.
Đức Phật cũng đã dạy “Tất cả đều do tâm tạo”, trong sự báo ứng của nghiệp, tâm là yếu tố tối quan trọng. Tất cả những việc làm, lời nói và tư tưởng đều do tâm ảnh hưởng. Nên khi không điều phục được tâm, tức nhiên không thể kềm chế được tư tưởng lời nói và việc làm. Do vậy, trong Phật giáo các khóa tu thiền, tụng kinh, trì chú, niệm Phật…cũng không ngoài mục đích, giúp cho tâm được an tịnh.
Trong cõi trần gian, người nghèo nàn khốn khổ nhiều hơn người giàu sang, sung sướng, là do quá “chấp ngã” luôn nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ, bắt mọi người phải lệ thuộc và phục vụ cho mình, tha hồ thụ hưởng, nghĩ mình là nhất, nên không muốn ai hơn mình. Từ đó hằng suy nghỉ xem thường, không tôn trọng và chấp nhận những điều hay, tốt, đẹp, thành tựu của người khác, để phải thốt ra những lời nói mạ lỵ, không hay, những hành động không đẹp, có khi đến những suy nghĩ, lời nói và hành động hảm hại người, gây nợ nần, tội ác.
Một “tuyên ngôn” về giáo lý nghiệp được trích dẫn nhiều nhất là: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” (Tăng chi bộ kinh, chương Năm, phẩm VI, kinh số 57 :Như vậy nghiệp đều do ta tạo ra và tự thọ nhận lấy, chứ không ai ban phước giáng họa cho ta cả.
Trong các nghiệp ác, do ta tạo nên, theo người viết, nghiệp “đố kỵ” là nặng tội nhất, vì “đố kỵ” khiến cho thân, khẩu, ý đều phạm phải lỗi lầm. Đố kỵ là tâm lượng hẹp hòi, bực bội, khó chịu, ganh ghét với những cái hay, cái đẹp, cái tốt, cái thành tựu của người, trong lòng khi thấy người khác phát triển hơn mình, liền sinh ra cảm giác ghét bỏ, thích chỉ trích để hạ uy tín người giỏi, người làm được việc.
Người sống với lòng đố kỵ, sẽ luôn luôn chẳng thể nào cảm thấy hạnh phúc, mà chỉ khiến cuộc sống càng rơi vào bế tắc, nó tàn phá, hủy hoại tâm ta một cách khốc liệt, nó làm cho ta luôn cảm thấy dằn vặt đau khổ khi thấy thành quả tốt đẹp của người khác. Bởi vậy nên nhà văn Pháp Balzac đã từng nói: “Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho ta đau khổ gấp nhiều lần”.. Lòng đố kỵ chẳng những làm ta đau khổ, mà còn giết chết nhân cách, nhân phẩm, đánh mất đi sự tôn trọng và niềm kiêu hãnh của bản thân.
Lòng đố kỵ khiến cho ta nhận định sự việc bằng con mắt tà kiến và thiên kiến, không còn chánh kiến, nó che mờ trí tuệ và lương tri của ta, từ đó suy nghĩ, lời nói và thái độ hành vi ứng xử và hành xử của ta trở nên lệch lạc, nguy hiểm cho chính bản thân ta và toàn xã hội, hơn thế nữa còn chiêu cảm lấy nghiệp ác.!
Trong cuộc sống, những người hay đố kỵ phải chịu nhiều quả báo. Trước mắt là bực bội, khó chịu, khổ đau, rồi lao tâm nhọc trí, tìm cách chỉ trích, hảm hại người hơn mình. Nhân quả rất nghiêm minh, suy nghĩ, lời nói và hành động như thế nào, hiện tại và tương lai phải trả quả báo tương ưng, gánh chịu những thất bại và cô đơn, bị thân quyến, người đời xa lánh. Và quả báo nặng hơn nữa là bị đọa ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Thê thảm nhất theo như lời dạy của Ngài Tuyên Hóa giảng, là có thể đọa vào loài quỷ đói, hoặc nặng hơn nữa là đọa thành loài súc sanh như dòi, bọ, nằm trong đống phân tanh hôi, mọi người đều ghê tởm, nhưng vẫn đói…
Mình không có khả năng làm được việc thiện việc ích, nhưng biết tùy hỷ trước những việc ấy, hay những cái hay, cái đẹp, cái giỏi cái thành tựu của người, sẽ sanh ra phước báu, cũng như người thực hiện. Còn trái lại nếu sanh tâm đố kỵ, thì người làm thiện được phước, còn mình phải chịu tội lỗi khổ đau là do đây!
Biết rằng trên thế gian này, lòng đố kỵ tiềm ẩn trong tất cả, khi Phật còn tại thế, dầu Ngài đã thành Phật rồi, nhưng vẫn bị những lục sư ngoại đạo “đố kỵ” vu hảm. Hay theo như bài viết của Hòa Thượng thái Hòa “…Mình tin Phật thì sẽ đụng chạm đến người tin ma. Mà giữa đời này ma nhiều hơn Phật chứ, cho nên chỉ tin Phật thôi là đã đụng chạm nhiều lắm rồi!…” Từ đây gây nhiều oan trái.
Nói tóm lại, tâm đố kỵ là do “bản ngã” quá lớn, để bảo vệ bản năng “sinh tồn” và “hưởng thụ” đó, sanh ra tánh “ích kỷ” để rồi tâm đố kỵ phát triển, không những ganh ghét với những người hơn mình, mà đôi lúc lại mừng vui, cho những hư hại, khốn khổ của kẻ khác, gây ra nhiều tội lỗi rất đáng sợ. Nhưng “Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm, Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm, Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm, Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong”
Vì vậy, tự thân người viết đã luôn quay về tâm, chiêm nghiệm và thực hành câu: “Tu là quá trình quán chiếu nội tâm, làm triệt tiêu bản ngã và chuyển hóa nghiệp lực của mình” và “Càng tu lâu chừng nào, càng thấy mình không là gì cả, đấy mới chính thực là tu” vì “chân không diệu hữu”. Đức Phật đã bỏ tất cả, để rồi được tất cả. Chúng ta là đệ tử của Ngài, phải theo bước chân của Ngài, thường xuyên quán chiếu, xét soi những nghiệp lực sai lầm của thân, miệng, ý, hằng lạy Phật sám hối, lợi ích trước mắt giản gân cốt, lưu thông máu huyết, thân được khỏe, tâm được an, hạ bản ngã, tiêu trừ được nghiệp chướng, “tự thấy mình nhỏ thôi, việc tu còn kém cõi” để dễ gần gũi mọi người mà lo học hỏi, phấn đấu vươn lên.
Luôn hành trì và rải tâm từ qua việc sống hài hòa, biết lắng nghe, thương yêu mọi người một cách chân thành, lúc nào cũng nghĩ đến tìm cách giúp đỡ và mong mọi người hơn mình, lấy đó làm niềm vui trong cuộc sống. Mở lòng yêu thương, mong mọi người thành công, từ trong suy nghĩ cho đến lời nói và việc làm. Đặc biệt tự thân người viết đã học hỏi và thực hành, không những hạnh tùy hỷ mà còn tán thán, tuyên dương trước sự tài, gỏi, thành đạt của người, ngay cả những người oán của mình, cũng thường mang an vui, lợi ích đến cho nhiều người, nên sống rất thoải mái, tuy không tài giỏi hơn ai, lại nghèo, nhưng nhân quả tương ưng, cũng có được tài sản an lạc, không thiếu thốn gì, lại gặp được nhiều may mắn và gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, về tinh thần, được thảnh thơi, thanh thản trong tâm hồn và chia sẻ được những phước báu đến với mọi người.
Hành trì thường xuyên hạnh “tùy hỷ” được vậy thì tâm “đố kỵ” tan biến, tự thân an vui và mọi người cũng an vui. Đó là những nguyên tắc để diệt trừ và “chuyển hóa nghiệp đố kỵ”.
Thích Viên Thành