Làm sao thoát khổ?
Chúng ta từng nghe Đức Phật dạy rằng có bốn điều bất biến ở thế gian, đó là gì? Đó chính là hoại diệt, bệnh hoạn, chết và quả báo của nghiệp. Bốn điều này không ai trong chúng ta có thể tránh khỏi. Ai cũng ít nhất một lần sẽ trải qua.
Khi chúng ta hay tin người thân mình qua đời, chúng ta vật vã khóc than, nhưng mà chúng ta nên nhớ muôn pháp không thường còn, người sinh ắt có diệt, sinh tử như thủy triều. Cho nên kính thưa toàn thể quý đạo hữu, quy luật này nó không từ bỏ một ai, không phải chỉ có hiện tại bây giờ mà đã có từ ngàn xưa, từ thời Phật đã có nhiều sự việc xảy ra. Và trong kinh ghi chép lại có một bà mẹ ôm đứa con nhỏ bị chết và bà khóc lóc tìm đến xin Phật và Phật dạy đi tìm một hạt cải của một gia đình nào mà chưa từng có người chết, điều này hoàn toàn không thể được, cuối cùng người mẹ đau khổ đã nhận ra vô thường là quy luật của sự chết bất biến ở thế gian.
Cho nên, chúng ta phải sớm tu là bởi vì trong cuộc sống của chúng ta có bốn điều suy vong mà tất cả chúng ta đây không ai tránh khỏi, nên khi ta hiểu được thấy được thì ta thấy nhàm chán, tìm một lối thoát. Thế nào là bốn sự suy vong trong cuộc đời. Đó là: Lão suy vong, bệnh suy vong, tài sản suy vong, thân tộc suy vong. Thật ra, một người chiêm nghiệm suy tư thì sẽ thấy cuộc đời này rất đơn điệu, rất giả tạo, vui thì ít mà khổ lại nhiều, bởi vì trong cuộc sống của chúng ta bao giờ cũng xảy ra bốn điều này.
Thứ nhất là lão suy vong, không ai ở đời trẻ mãi không già, khi chúng ta còn nhỏ thì sức sống ta còn tràn đầy, khi ta đến tuổi trung niên trên 40 tuổi rồi thì cái già đó nó làm cho suy sụp thân xác. Hiện tượng già làm cho ta mệt mỏi, ăn uống không ngon ngủ không yên, đau nhức làm cho tâm biếng nhác. Một người có khả năng tu tập và định hướng tu tập thì phải thường xuyên nhận định ra vấn đề này. Khi chúng ta nhận thức lão suy vong, chúng ta phải liên tưởng đến điều gì.
Khi lão suy vong thì đi cùng với bệnh tật, cho nên thứ hai là bệnh suy vong. Vậy chúng ta phải làm sao? Chính là, phải cố gắng tinh tấn tu tập lúc trẻ và bản thân luôn suy nghĩ không biết thân này nó bệnh lúc nào nên còn trẻ còn sức khỏe còn khả năng là ta phải tu.
Thứ ba, tại sao ta phải tu, tại vì trong cuộc sống phù du giả hợp này, tài sản vật chất nó chỉ là hư vọng thôi, chúng ta đừng nghĩ rằng ta có tài sản lớn mà ta giữ gìn lâu dài được, chúng ta giàu bằng ai, ở trên thế giới này có những tỷ phú, tài sản của họ chỉ trong một đêm thôi, sáng ngày hôm sau chứng khoán xê dịch thì lúc bấy giờ tài sản họ mất trắng hay một cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi tất cả… Cho nên chúng ta nên hiểu, tài sản quý nhất trong cuộc đời này chính là phước báo, các thiện pháp mà ta có được chứ không phải vàng bạc châu báu v.v… bởi vì những vật chất sẽ suy vi, tất cả trong cuộc sống này đều khổ, ta hiểu được như vậy ta mới không bám vào nó, chạy theo nó, chỉ có phước báo tài sản là nó không mất và theo nghiệp quả làm tư lương đi vào tái sinh – luân hồi. Tài sản nó suy vong cho nên khi ta có tài sản thì ta phải biết dùng tài sản đó để tạo công bồi đức bởi vì khi tài sản hết rồi ta lấy đâu tạo công đức.
Thứ tư, quyến thuộc suy vong, trong cuộc đời này, đây chính là quán trọ, chúng ta đừng nghĩ rằng là ta ở trong cuộc đời này, họ hàng bên nội ngoại đông ta không sợ cô độc nhưng lại quên rằng khi sinh ra chỉ có một mình bước vào bào thai và một mình nằm trong tử cung người mẹ, rồi chúng ta sống trong quán trọ này nhận đây là cha, là mẹ, ông bà cô cậu, anh em v.v… Chúng ta tưởng đâu đó là sự bảo vệ quyến thuộc nhưng mà chúng ta quên rằng cuộc đời là quán trọ chẳng mấy chốc mỗi người lần lượt ra đi, ông bà cha mẹ rồi cũng mất và ngay chính mình khi chết đi cũng không ai đi trọn bên, có chăng đưa đi xa nhất là tới bên phần mộ ngoại trừ nghiệp lực. Như vậy, đây chính là quyến thuộc suy vong. Cho nên, khi bản thân hiểu được bốn điều suy vong này ta cần nên nỗ lực tu tập, phải chọn cho mình một pháp môn để nhất tâm bất loạn.
Đầu tiên, chúng ta phải sợ hãi khi nghĩ đến luân hồi, sợ thân ngũ uẩn này bằng cách ngồi lại và quán xét xem khi ta phải rơi vào ngạ quỷ, địa ngục, a tu la… thì sẽ ra sao? Chúng ta từng tái sanh vào cảnh giới đó và trong tương lai ta sẽ tái sanh vào cảnh giới đó hay không; còn hiện tại ta được cái thân này nhưng phải chịu bốn điều suy vong là già, bệnh, tài sản, quyến thuộc suy vong. Chúng ta có quán sát và có tu tập thì chúng ta mới nhàm chán và lìa bỏ. Thứ hai là có người họ sống trong cuộc đời này rất khổ, thời biết khổ nhưng mê thì vẫn mê, tức là biết cuộc đời là khổ nhưng họ vẫn mê cuộc đời, mê danh mê lợi, tiếng thơm, mê sắc v.v… Sau khi ta quán xét luân hồi rồi ta phải nhàm chán, ta chọn cho mình một pháp môn mà Đức Phật đã dạy, đó là quán Tứ niệm xứ, quán thân tứ đại vốn vô thường và phải quán sát cái thân bất tịnh này như một cái bao mà người ta đựng đủ thứ để từ đó theo dõi tâm của chúng ta. Hành giả quán tâm gắn với hơi thở và phải có chánh niệm, tỉnh giác trong từng sát na. Đồng thời, bản thân mỗi người cũng nên quay về tu tập với nội tâm của mình, tu về thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp thanh tịnh bởi vì:
“Thân trong sạch là xứ Phật,
Miệng trong sạch chính là pháp Phật
Ý trong sạch chính là con Phật
Tâm trong sạch chính là Đức Phật”.
Tóm lại, con người là chủ nhân của mọi nguồn cơn và chịu sự chi phối của duyên sinh, vô thường, khổ đau hay hạnh phúc, có được cuộc sống bình an, một cuộc đời tự do, một thế giới hòa bình, một tương lai rực rỡ… là tùy thuộc vào thái độ sống và tiến trình tu tập của mỗi người. Chỉ có những nỗ lực tu tập, chuyển hóa nội tâm của chính mình cùng với sự cải thiện lối sống gia đình và xã hội hướng đến chân – thiện – mĩ, thì cảnh giới an tịnh sẽ được hiện thực hóa ngay tại thế giới ta bà và thoát khỏi khổ đâu bởi những suy vong bất biến trên. Cho nên, mỗi chúng ta cần chọn một pháp môn phù hợp căn cơ để tu nhằm đạt được tự tại, an vui trong khổ đau của kiếp nhân sinh biến hoại và thoát khỏi sáu nẻo luân hồi.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả: Nguyễn Thị Mai Đào; địa chỉ: Phù Lỗ – Sóc Sơn – Hà Nội.