Làm sao để cầu an cho bản thân và gia đình?
Đáp:
Cầu an cho bản thân và gia đình là một nhu cầu chính đáng, theo quan điểm Phật giáo, là cả quá trình chuyển hóa hướng thượng dựa trên sự vận hành của nhân quả – nghiệp báo. Đức Phật không ban cho chúng ta sự bình an và cũng không trừng phạt một ai. Ngài chỉ dạy cho chúng ta thấy rõ sự vận hành của nhân quả – nghiệp báo để mỗi người tự quyết cuộc sống cho mình.
ể hiểu sự vận hành của nhân quả – nghiệp báo, việc đầu tiên cần biết về tiến trình nhân-duyên-quả. Nhân là nguyên nhân chính ở quá khứ (xa), duyên là các nhân phụ cũng ở quá khứ (xa hoặc gần), quả là những gì đang xảy ra (tốt hoặc xấu) cho bản thân ở hiện tại. Đây là một mô phỏng đơn tuyến về tiến trình nhân – duyên – quả cho dễ hình dung, khái niệm mà thôi.
Thực tế thì nhân – duyên – quả vận hành đa tuyến, tương tác lẫn nhau không thể tách rời: Nhân của tiến trình này cũng là duyên, là quả của tiến trình kia. Duyên của tiến trình này cũng là nhân, là quả của tiến trình khác. Quả của tiến trình này cũng là nhân, là duyên của tiến trình khác nữa.
Giống như ta đang quan sát một dòng sông, thoạt nhìn dòng nước êm trôi dường như ổn định, kỳ thực mọi thứ trong đó va chạm, xô đẩy nhau liên tục.
Tiến trình nhân-duyên-quả cũng y hệt như vậy, nên từ nhân đến quả thường không giống nhau như khuôn đúc vì có duyên can thiệp vào. Nhờ duyên can thiệp vào tiến trình nhân quả, khiến cho quả có thể khác với nhân, đây là nền tảng của sự chuyển hóa, là điểm đặc sắc của thuyết nhân-duyên-quả Phật giáo.
Nghiệp báo (quả báo) là những gì đang xảy ra tốt hoặc xấu, vui hay khổ trong hiện tại của mỗi cá nhân. Nhân quả – nghiệp báo là tiến trình nhân – duyên – quả của loài hữu tình. Tu tập, cầu an chính là nỗ lực tạo ra nhiều nhân-duyên lành trong hiện tại để thúc đẩy sự hình thành kết quả tốt đẹp ở tương lai gần hoặc xa.
Bạn mong muốn cầu an cho bản thân và gia đình thì ngay bây giờ cần tạo ra thật nhiều duyên lành. Làm được việc này vốn đã rất khó nhưng quả lành vẫn còn tùy thuộc vào năng lực nghiệp nhân quá khứ. Nếu nghiệp nhân xấu trong quá khứ quá nhiều thì việc tạo duyên lành trong hiện tại chỉ chuyển hóa được phần nào mà thôi.
Vì thế, bạn lạy Phật, lạy kinh và phóng sinh (hay làm các việc thiện khác) là đang tạo duyên lành. Còn an hay không thì tùy thuộc các nhân quá khứ và nỗ lực tu thiện trong hiện tại. Đức Phật đã dùng ảnh dụ hạt muối để minh họa: “Một nắm muối mà bỏ xuống dòng sông thì vẫn uống bình thường, cũng nắm muối đó mà bỏ vào bát nước thì không thể uống được”. Thành ra việc tạo duyên lành trong hiện tại phải như mênh mông to lớn nước sông, chứ còn ít như nước trong bát thì vẫn quý nhưng tác dụng chuyển hóa không nhiều.
Tóm lại, cầu an để được an, an nhiều hay an ít hoặc không an đều tùy thuộc nhân – duyên – quả, nhân quả – nghiệp báo, trong đó có biệt nghiệp cá nhân và cộng nghiệp gia đình. Đức Phật và Tam bảo luôn gia hộ cho chúng ta thấy rõ và tin chắc vào phương pháp để thực hành, vào con đường Thánh tám chi phần để bước đi. Đạo Phật là đạo của thực tiễn và chú trọng thực hành khi đã tin hiểu, tuyệt không hề có cầu xin suông như tín ngưỡng.
Hiểu rõ nhân-duyên-quả rồi thì sống hướng thượng và an nhiên với đạo. Hiện thực cuộc sống (quả) có thể an nhiều, an ít hoặc chưa an cũng đều do mình (khéo tu, vụng tu) nên vui vẻ tiếp nhận, nguyện tạo ra duyên phước thiện lành như nước sông bằng cách “dứt ác, làm lành, tịnh tâm, mở trí”. Bất an là bản chất của cuộc sống. Cầu an, cầu phước chỉ an tạm thời, thấy rõ vạn pháp sinh diệt vô thường, giữ “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” mới là an vui đích thực.
Cầu an theo tinh thần Kinh Phước Đức
Theo Giác Ngộ.