Làm sao con có thể sống tùy duyên thuận pháp và có chánh nghiệp vững vàng?
Hỏi:
Kính thầy, con là một cư sĩ với nhiều quyết tâm tìm cho mình con đường giải thoát và lâu nay con vẫn tự trạch pháp để tìm ra một hướng đi đúng cho con đường tu tập của mình nhưng con vẫn đang băn khoăn giữa hai con đường quyết định cho cuộc đời của mình:
Con đường thứ nhất: Từ bỏ nghề nghiệp mà con đang làm lâu nay (con làm nghề kiến trúc sư), một nghề phải tiếp xúc va chạm với xã hội, va chạm với cái ta của người khác, va chạm với nhiều bất thiện pháp. Chuyển sang làm một nghề khác ít tiếp xúc với xã hội để có thể thực hiện sống ly dục ly bất thiện pháp, là bước đầu tiên trên con đường giác ngộ của Đức Phật.
Con đường thứ hai: Vẫn tiếp tục làm nghề nghiệp cũ nhưng sống chánh niệm trọn vẹn từng phút từng giây với những bất thiện pháp đến với mình, tham biết tham, sân biết sân như lâu nay con vẫn thực hành để thấy vô thường, khổ, vô ngã trong chúng.
Con thực sự chưa chắc con đường nào trong 2 con đường trên là tốt hơn. Con cũng đã 39 tuổi, phải nuôi sống vợ con và nghề nghiệp của con cũng khá ổn về thu nhập cũng như uy tín. Nhưng con đã thấy thực sự khó chịu đựng được các bất thiện pháp hàng ngày nảy sinh trong mình khi va chạm với cuộc sống. Một chút tham, một chút sân khởi lên (dù rất ít từ ngày con sống chánh niệm) cũng làm con mệt mỏi thực sự về thể xác và cảm thọ tuy con đã dần thấy chúng không phải là ta.
Con thấy mỗi tạo tác của mình kể cả việc làm những gì tốt nhất cho khách hàng cuối cùng cũng chẳng thiện cũng chẳng bất thiện gì cả, chỉ sinh thêm nghiệp cho con trong cái mớ bòng bong của cuộc sống thôi. Vẽ một ngôi nhà thật đẹp thật tốt cho người ta để thỏa mãn cái bản ngã của họ rồi cuối cùng lại làm hại họ hoặc ai đó. Con cũng mệt mỏi vì những điều như vậy lắm rồi.
Đứng ở giữa ngã ba đường này, con kính xin thầy một lời khuyên để có thể sống tùy duyên thuận pháp và có chánh nghiệp vững vàng. Con xin tri ân thầy.
Ảnh minh họa.
Đáp:
Thực ra sống đạo hay sống đời gì chủ yếu là học bài học của chính mình để thấy ra sự thật, tức giác ngộ. Vấn đề không phải là thiện hay ác, khổ hay vui mà là qua tất cả những thứ đó con có giác ngộ ra sự thật hay không.
Vậy tuỳ duyên thuận pháp là tuỳ vào hoàn cảnh mình đang sống để học hỏi, chiêm nghiệm cho đến khi thấy ra sự thật chứ không phải đứng núi này trông núi nọ chỉ mất thì giờ vô ích…
Đưa mục đích giải thoát ra trước chẳng khác nào chưa đi học đã muốn thôi học, lẽ ra phải học xong rồi nghỉ học mới đúng. Đạo giúp giác ngộ, Quả giúp giải thoát. Do đó phải đặt giác ngộ lên trước mới đúng.
Muốn giác ngộ thì phải đối diện với thực tại thân tâm trong hoàn cảnh của chính mình, vì đó là nghiệp mệnh hay sinh nghiệp mà mỗi người phải trải nghiệm và chiêm nghiệm để học ra sự thật nơi chính mình.
Xuất gia hay tại gia cũng đều phải thuận theo sinh nghiệp mới giác ngộ được, không thể trốn tránh sự thật nơi chính mình để tìm một lý tưởng giải thoát nào đó khi chưa thật sự giác ngộ sự thật…