Làm hai việc này sẽ thấy cuộc sống mầu nhiệm ở hiện tại, tương lai

Chúng ta sống là quả của nghiệp. Nói cho dễ hiểu, là nhờ phước mình đã tích tạo trong quá khứ.

 

Kiếp này giàu hay nghèo đều là do phước ta đã tạo nhiều hay ít trong quá khứ, cộng với sự nỗ lực làm việc, tiết kiệm, bố thí, cúng dường (tạo phước tiếp) trong hiện tại. Hiểu rõ điều này để trong cuộc sống, ta không đua đòi những thứ vượt hơn cái phước mình cho phép. Vì ham muốn hơn cái phước mình có, tâm bất thiện sẽ sinh khởi và hậu quả sẽ xảy ra.
Cúng dường, tạo phước. Ảnh: Pyxabay

Cúng dường, tạo phước. Ảnh: Pyxabay

Có một cặp vợ chồng làm lụng vất vả, để dành được một số tiền xây nhà. Xây căn nhà xong thì họ cũng hết tiền. Nhưng lúc này họ thấy những đồ gia dụng cũ không còn thích hợp với ngôi nhà mới nữa, nên quyết định đi vay để sắm sửa cho phù hợp.

Tuy nhiên chuyện không may mắn đã ập tới gia đình họ. Việc làm ăn của họ gặp khủng hoảng. Trong lúc này, có người bạn giới thiệu buôn cái này bán cái kia thêm để xoay sở, nhưng việc làm ăn lại không tốt, nên nợ chồng nợ.

Bấy giờ, họ nhớ đến tiền bảo hiểm tai nạn lên đến mấy tỷ, chỉ có số tiền này mới đủ giúp họ thoát ra khỏi cơn nguy khốn này.

Đêm đó, ông chồng ngồi đọc sách trong phòng thì đột nhiên hỏa hoạn xảy ra, cháy đúng căn phòng của ông. Sau khi khám nghiệm tử thi, bộ phận pháp y xác nhận cái chết này không do tại nạn mà do ám sát.

Điều không ngờ tới, bà mẹ chồng té ngửa khi con dâu hiền hậu mà bà biết lâu nay lại tàn nhẫn giết chết con trai của mình.

Cuối cùng người vợ bị phạt tù, mất tất cả. Cô ta mất luôn người mình yêu thương.

Ở đây, ta thấy một điều, vì tính nắm giữ, không muốn mất đi những cái đã thuộc về mình như cái nhà cái xe, nói chung là tài sản mà con người tạo tội.

Nếu lúc đó cả hai đồng thuận bán đi căn nhà để trả nợ và làm lại từ đầu thì mọi chuyện tốt đẹp rồi. Nhưng họ không muốn mất những thứ mình đã cố công gầy dựng, họ cố tìm cách khác, trong khi đó cái phước của họ không cho phép.

Thường, chúng ta dễ bị hiểu nhầm rằng, người ta kiếm tiền dễ dàng thì mình cũng có thể làm được. Tất nhiên, nếu mình là người có phước (như họ hoặc hơn) thì làm chắc chắn sẽ được. Còn đã không có phước thì làm sẽ lụn bại.

Có những đứa con được cha mẹ nuông chiều, xài phung phí. Đây chính là đang phá phước của nó, đến khi hết phước thì nó cộng nghiệp gia đình phá sản. Hoặc giả, có những đứa con đua đòi hàng hiệu, khi cha mẹ nghèo khó, không có được thứ mình thích thì họ đi làm những chuyện trái pháp luật để đáp ứng.

Khi ta không chịu sống an phận với cái phước của mình có được trong hiện tại, ngay đó tâm tham nổi lên – sai sử mình làm những chuyện bất thiện, đôi khi hậu quả xảy ra không thể lường – như chỉ vì vài chỉ vàng mà dám giết người, v.v.

Trong vòng sanh tử vô lượng kiếp cho đến ngày giác ngộ không biết trước là bao lâu, nên cái phước mà mình tích tạo sẽ giúp cho ta trong những kiếp sống vị lai được no ấm, đầy đủ. Từ đó, ta có điều kiện tạo thêm phước và có đời sống nhẹ nhàng để có thời gian thực hành giáo pháp.

Cho nên khi đã hiểu đạo thì mỗi người phải dành thời gian cho hai việc lớn là tu phước và tu huệ, tạo phước và thực hành giáo pháp. Chính việc tạo nhân lành này sẽ là chủng tử dẫn dắt ta phát triển các tâm sở thiện cho đến ngày giác ngộ.

Dạ Khách