Kinh Vô Lượng Thọ là pháp thành Phật

Ngày nay chúng ta có may mắn gặp được Kinh Vô Lượng Thọ, cũng có thể nói là thiện căn, phước đức, nhân duyên trong vô lượng kiếp đã chín muồi.

Đại thừa là tỷ dụ giống như xe lớn. Vào thời xưa khoa học chưa phát triển, xe lớn nhất của thời xưa là xe ngựa, thông thường xe có bốn con ngựa kéo là xe lớn nhất. Loại xe lớn này có thể ngồi được mười người. Xe nhỏ là xe dê, xe nai do dê kéo, nai kéo. Xe này thì chỉ ngồi được một người.

Phật dùng cái này để thí dụ Đại thừa, Tiểu thừa, tỷ dụ giáo học, giúp đỡ bạn thành tựu đạt đến một giai đoạn nào đó; đạt đến mục tiêu gần nhất chính là Tiểu thừa, giúp đỡ bạn thoát khỏi sáu cõi luân hồi, đó là Tiểu thừa; hành trình xa là Đại thừa, giúp đỡ bạn siêu việt mười pháp giới, đó gọi là pháp Đại thừa.

Phương tiện giao thông hiện tại không như trước, ngồi phi cơ thì có thể ngồi được mấy trăm người, còn thuyền thì càng không cần phải nói. Dụng ý của nó là thí dụ sự vận chuyển, giúp đỡ chúng sanh từ nơi phiền não sanh tử siêu việt đến bờ bên kia Bồ Đề Niết Bàn, dùng việc này để thí dụ.

Kinh Vô Lượng Thọ là pháp Đại thừa, không chỉ là Đại thừa, trong chú giải của đại đức xưa nói với chúng ta, bộ kinh này là Đại thừa ngay trong Đại thừa. Không chỉ là Đại thừa ngay trong pháp Đại thừa, mà còn là Nhất thừa ngay trong pháp Nhất thừa.

Kinh Vô Lượng Thọ (trọn bộ 48 phẩm, bản tiếng Việt, dễ đọc)

00

Pháp Nhất thừa là gì? Pháp Nhất thừa là pháp thành Phật. Thế Tôn vào những năm cuối giảng kinh Pháp Hoa, trong hội Pháp Hoa, Thế Tôn Ngài tuyên bố đến mọi người: “Chỉ có pháp Nhất thừa, không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói”. Đó là Thích Ca Mâu Ni Phật chân thật nói rõ bổn hoài của Ngài.

Ngài giáo hóa chúng sanh tấm lòng chân thật là bình đẳng, chỉ có pháp Nhất thừa. Pháp Nhất thừa chính là dạy bạn làm Phật. Dạy bạn làm Bồ Tát, làm A La Hán là có lỗi với bạn, nhất định phải dạy bạn làm Phật cứu cánh viên mãn, đều là ở ngay trong một đời này thành tựu Phật quả cứu cánh viên mãn.

Vậy thì Phật nói ba thừa, nói hai thừa (ba thừa là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát; hai thừa là Tiểu thừa, Đại Thừa), nói Đại thừa đều là Phật phương tiện nói, không phải Ngài chân thật muốn nói.

Đại sư Thanh Lương nghe cách nói này của Phật thì Đại sư Ngài có chỗ cảm ngộ. Chúng ta đọc được ở trong Hoa Nghiêm Sớ Sao, Ngài nói “người học ba thừa có nhân không quả”, đây là cùng một ý nghĩa như trên kinh Pháp Hoa đã nói, vì sao vậy?

Thành Phật mới là quả, không thành Phật thì không có quả, vì quả đó là giả, không phải thật. Cho nên, người học ba thừa Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát có nhân, không có quả. Thế nhưng các vị phải nên biết, quyển kinh này là có nhân có quả, không gì bằng.

Kinh có nhân có quả có mấy loại vậy? Ngoài bộ kinh này ra, còn có kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa là có nhân có quả, các kinh khác đều không có, cho nên từ xưa đến nay, các tổ sư đại đức dường như đều công nhận Hoa Nghiêm và Pháp Hoa là Nhất thừa giáo, pháp Nhất Thừa trên cả Đại thừa. Ngoài ra còn có một bộ kinh là kinh Phạm Võng cũng là thuộc về kinh Nhất thừa. Cho nên, các tổ sư đại đức thời xưa ở Trung Quốc công nhận kinh Nhất thừa chỉ có ba quyển.

Quyển kinh Vô Lượng Thọ này là Nhất Thừa ngay trong Nhất Thừa, vì sao vậy? Hoa Nghiêm đến sau cùng “Mười Đại Nguyện Vương Cầu Về Cực Lạc” mới viên mãn thành Phật. Quyển kinh này mỗi câu mỗi chữ đều là nói Phật quả cứu cánh. Hoa Nghiêm quy về là quy về “Vô Lượng Thọ”, cho nên người xưa mới nói “bộ kinh này là Nhất thừa ngay trong Nhất thừa”, là Vô Thượng thừa.

Ngày nay chúng ta có may mắn gặp được kinh điển này, cũng có thể nói là thiện căn, phước đức, nhân duyên trong vô lượng kiếp đã chín muồi. Có một số người gặp được kinh này vẫn không tin tưởng, chúng ta xem thấy thì gật đầu “đúng, đúng! Họ không tin tưởng là phải”.

Vì sao là phải vậy? Vì là pháp khó tin đó mà. Nếu vừa tiếp xúc liền tin tưởng, vậy Thích Ca Mâu Ni Phật nói là pháp khó tin thì nói không thông rồi. Nếu thông thường nói mà mọi người đều tin tưởng, vậy có gì khó đâu? Người thông thường khó tin, người thông thường sau khi học rồi thì thoái tâm, chúng ta gật đầu nói “Không sai! Đích thực là y như Phật đã nói”.

Khởi tín niệm Phật là nhân, mỗi niệm làm Phật chính là quả. “Nhân như biển quả, quả tận nguồn nhân”. Cách dạy này chân thật là không thể nghĩ bàn.

Phật ở trong kinh thường hay nhắc nhở chúng ta, như Hoa Nghiêm đã nói, tất cả các pháp thế xuất thế gian “do tâm biến hiện, do thức hiện ra”. Thức chính là tâm tưởng, cho nên lại nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Mỗi ngày chúng ta tưởng Phật thì quả báo của Phật liền hiện tiền.

Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 1. 

HT. Tịnh Không