Kinh Tứ Niệm Xứ thực giải (Tinh yếu của kinh Tứ Niệm Xứ)
Đức Phật khẳng định, có một con đường độc lộ, giúp chúng sanh vượt thắng phiền não, tiêu trừ ưu khổ, thành tựu Chánh trí, chứng nhập Niết bàn, đó là Tứ niệm xứ (bốn nơi cần quán niệm). Thời Phật tại thế, nhiều vị thánh đệ tử chứng A la hán thông qua tu tập Tứ niệm xứ.
Kinh Tứ Niệm Xứ là bản đồ chỉ đường tu tập giác ngộ giải thoát một cách cụ thể, là nền tảng cốt lõi của tất cả thiền Phật giáo, có thể nói nếu không thông suốt tinh yếu của kinh này thì việc hành thiền sẽ khó thành tựu, dù là Như Lai thiền hay Tổ sư thiền.
Kinh Tứ Niệm Xứ rất đơn giản, ngôn từ dễ hiểu chỉ thẳng vào thực tại với phương pháp thực hành rất cụ thể chi tiết giúp người tu tập thấy đúng bản chất thật của thực tại, của vạn pháp.
Tứ là bốn, Niệm là nhớ nghĩ, Xứ là nơi chốn. Tứ Niệm Xứ được hiểu là bốn lĩnh vực, bốn phương diện cần phải,để tâm ghi nhớ, quan sát, đó là: quán thân, thọ tâm, pháp. Chữ niệm ở đây còn có thể hiểu là quan sát tâm ngay hiện tại, là tâm bây giờ.
Quán thân hay quán thân như thân tức quán niệm về thân thể gồm có: hơi thở vô-ra, bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi), các động tác thông thường, các bộ phận ở trong thân thể, tứ đại, quán thân bất tịnh, và chín giai đoạn tan rã của thân thể…
Kinh Tứ Niệm Xứ (Tiếng Việt, dễ đọc hiểu nhất)
Niệm thân quan trọng là niệm hơi thở vô, ra, chúng ta ngồi kiết già/xếp bằng thoải mái, chú tâm vào theo dõi và ghi nhận hơi thở vào, hơi thở ra. Khi hít vào một hơi dài, biết mình đang hít vào một hơi dài; khi thở ra một hơi dài, hành biết mình đang thở ra một hơi dài, tương tự với hơi thở ngắn.
Quán thọ hay quán thọ như thọ là cách quán niệm cảm giác nơi cảm giác, là chú tâm ghi nhận một cách khách quan những cảm giác/ cảm thọ của mình: vui sướng (lạc thọ), đau khổ (khổ thọ), hoặc không vui sướng cũng không đau khổ (xả thọ), quan sát chúng khởi lên, hình thành, tồn tại và biến mất như thế nào. Khi có một cảm giác vui, liền biết và ghi nhận: “có một cảm giác vui”, và như thế với các cảm thọ/ cảm giác khác, quan sát một cách tỉnh giác các cảm giác ấy theo đúng thực tế, đúng như nó đang là.
Quán tâm hay quán tâm như tâm là khi có những ý nghĩ hay tư tưởng phát sanh thì liền có ý thức và ghi nhận. Những ý nghĩ tư tưởng có thể là tốt, là xấu, thiện hay bất thiện, hãy quán sát, theo dõi, nhìn cả hai mà không tham đắm hay bất mãn. Phương pháp quán sát ghi nhận các trạng thái tâm mình một cách khách quan giúp ta sáng suốt nhìn thấu bản chất và hoạt động như thật của tâm thức. Người thường tu tập niệm tâm sẽ học được cách nhận diện kiểm soát và chuyển hóa tâm mình.
Cách nói liễu ngộ, triệt ngộ, đại ngộ tâm tông của tổ sư thiền thực chất là hiểu biết đúng như thật về tâm không còn sai lầm.
Quán Pháp hay quán đối tượng tâm thức là cách quán niệm như thật về các pháp, về: năm hiện tượng ngăn che (,ngũ cái:) tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, nghi hối; năm nhóm tạo thành một chúng sanh con người (ngũ uẩn): sắc, thọ, tưởng, hành, thức ; sáu giác quan và sáu loại đối tượng hay lục căn và lục trần: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm, tư tưởng; bảy yếu tố của sự giác ngộ (Thất giác chi): niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả và Bốn sự thật cao quý (Tứ diệu đế): khổ đau, nguyên nhân đưa đến khổ đau, sự chấm dứt khổ đau, và con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau.
Bốn pháp quán niệm liên quan mật thiết đến ngũ uẩn: Niệm thân thuộc về vật chất liên quan đến Sắc uẩn; Niệm thọ thuộc về cảm giác liên quan đến Thọ uẩn; Niệm tâm thuộc về sự nhận định biết mình liên quan đến Tưởng và Hành uẩn; Niệm pháp thuộc về tính cách khác biệt chủ quan liên quan đến Thức uẩn.
Đức Phật khẳng định: Người nào thực hành đúng bốn phép quán niệm trên thậm chí trong bảy ngày,, người ấy có thể có khả năng đạt được quả vị chánh trí ( A la hán) ngay ở đây và trong kiếp này, hoặc nếu còn dư báo thì cũng đạt được quả vị không còn tái sanh trở lại trong sáu nẻo luân hồi.
Nói một cách đơn giản là thực tập kinh Tứ niệm xứ giúp ta biết đúng như thật về thân thế vật lý con người, biết đúng như thật về cảm xúc, cảm giác của con người, biết đúng như thật về tâm lý ý thức của con người, biết đúng như thật về các pháp, về mọi thứ, về thế giới…. là duyên sanh, là vô thường, là vô ngã.
Điểm mấu chốt của kinh Tứ niệm xứ là sống tỉnh giác chánh niệm để thấy đúng như thật về thân, về thọ, về tâm, về pháp là khổ, là vô thường, là vô ngã, là không có tự thể, để vượt thoát mọi phiền não, không còn khổ ưu,; sống an vui tự do giải thoát, không còn tham đắm, cố chấp, ỷ lại, bám víu vào bất cứ thứ gì trong thế gian.
Đây là những lời chắc chắn từ kim khẩu của đức Phật quý hơn cả châu báu thế gian, là kim chỉ nam của những người con Phật, dù là người xuất gia hay cư sĩ Phật tử tại gia trong mọi thời đại.
Tứ niệm xứ
Pháp giác ngộ
Chánh niệm quán sát
Thân, thọ, tâm, pháp
Như nó là
Nam mô Phật Pháp Tăng Tam Bảo.