Kinh Phật mà hiểu sai nghĩa là một tai hại lớn
Chư Tỳ kheo, ở đây có một số người ngu si học pháp như kinh Ứng tụng, Giải thuyết, Kệ tụng, Cảm ứng ngữ, Như thị ngữ, Bổn sanh, Vị tăng hữu pháp, Phương Quảng. Sau khi học các pháp này, họ không quán xét ý nghĩa những pháp ấy, vì ý không được trí tuệ quan sát, nên không trở thành rõ ràng.
Họ học pháp chỉ vì lợi ích, muốn chỉ trích người khác, chỉ vì lợi ích, muốn cho khoái khẩu biện luận, và họ không đạt được mục tiêu mà sự học pháp hướng đến. Những pháp ấy vì nắm giữ sai lạc nên đưa họ đến bất hạnh, đau khổ lâu dài. Vì sao vậy? Này các Tỳ kheo, vì nắm giữ sai lệch các pháp. Cho nên Tỳ kheo, ví như một người ưa muốn rắn nước. Người đó thấy một con rắn nước lớn và người đó bắt con rắn ấy ở lưng hay ở đuôi, con rắn ấy có thể quay lại cắn người đó nơi tay, nơi cánh tay hay ở một phần nào khác nữa của cơ thể và người đó có thể do nhân này mà bị chết hay bị đau khổ gần như muốn chết. Vì sao vậy? Chư Tỳ kheo, vì nắm bắt con rắn sai lệch. Cũng vậy này các Tỳ kheo, ở đây một số người ngu si học pháp… Chư Tỳ kheo vì sự chấp thủ các pháp sai lạc”.
(Kinh Trung Bộ tập I trang 303, kinh Dụ Con Rắn)
Lời bàn: Kinh sách Phật thuyết chỉ có những người tu chứng mới hiểu nghĩa lý cụ thể rõ ràng. Tại sao vậy?
Phật là người tu chứng đạo, Ngài thuyết pháp là nói pháp chứng đạo, cho nên người có chứng đạo mới hiểu nghĩa, còn những người tu chưa chứng thì không bao giờ hiểu được, do đó có một số người chưa có kinh nghiệm tu chứng đạo, cứ ở trên chữ nghĩa kinh sách của Phật mà thuyết giảng khiến cho mọi người hiểu biết sai lạc rất lớn. Do sự hiểu sai lạc rất lớn này mới tưởng giải thành những bộ kinh phát triển Đại Thừa Phật giáo. Cho nên, kinh sách phát triển Đại Thừa Phật giáo là những kinh sách tưởng do các Thầy Tổ tu hành chưa tới đâu, do sự tham danh, đắm lợi biên soạn và viết ra những kinh sách này làm sai lạc ý nghĩa của Phật giáo.
Cho nên, bài kinh Ví Dụ Con Rắn để mọi người cảnh giác về kinh sách Đại Thừa. Nó là một loại kinh không phải Phật thuyết, do các Tổ hiểu chữ nghĩa sai lạc biên soạn viết ra. Khi tu hành những pháp này giống như người bắt rắn mà không biết cách thức bắt rắn nên nắm lưng và đuôi rắn, chắc chắn sẽ bị rắn cắn chết. Giáo pháp Đại Thừa tu tập cũng vậy. Cũng giống như người bắt rắn. Cho nên, các Thầy tu tập theo Đại Thừa tuy có quyết tâm tu tập, nhưng không thấy thầy nào tránh khỏi bệnh, làm chủ bệnh, có người tu tập bị loạn thần kinh, điên khùng, mất trí nhớ, rất là tội nghiệp. Như trong kinh dạy: “Những pháp ấy vì nắm giữ sai lạc, nên đưa họ đến bất hạnh, đau khổ lâu dài”.
Còn một số tu sĩ theo Phật giáo tu học nhưng không cầu giải thoát mà chỉ cầu danh, cầu lợi. Vì thế, họ không có tu hành gì, chỉ lo nghiên cứu kinh sách để lấy đó chỉ trích người khác, thích biện luận hơn thua. Các bạn có thấy các Thầy Đại Thừa thường sống như vậy không?
Đây các bạn hãy nghe đức Phật dạy: “Họ học pháp chỉ vì lợi ích muốn chỉ trích người khác, chỉ vì lợi ích khoái khẩu biện luận”. Các bạn có thấy không? Lời dạy trên đây của Phật rất đúng, người ta tu học theo Phật giáo là để khoái khẩu biện luận và chỉ trích người này, người khác.
Kính thưa các bạn! Khi tu học chúng ta chọn lấy những pháp môn nào mà đã có người tu chứng thật sự, làm chủ được sự sống chết thì các bạn mới theo tu học, còn những pháp nào chỉ lý thuyết suông mà chưa có người nào tu chứng thì nên cảnh giác những loại pháp đó, nó là pháp như con rắn độc, nó sẽ cắn các bạn đấy!
Các bạn hãy nghe đức Phật dạy: “Vì sao vậy? Chư Tỳ kheo vì nắm bắt con rắn sai lạc, nên bị nó cắn. Cũng vậy, này các Tỳ kheo. Ở đây một số người ngu si học pháp… Chư Tỳ kheo vì bị chấp thủ các pháp sai lạc, nên đưa họ đến bất hạnh, đau khổ lâu dài”.
Tu hành đã không giải thoát mà còn bệnh tật khổ đau.
Bài kinh Dụ Con Rắn là một bài kinh cảnh giác các bạn, khi muốn tu tập một pháp nào thì các bạn phải nghiên cứu cho kỹ, đừng vội vàng tin theo lời nói của các nhà học giả mà phí một cuộc đời mình khi đau ốm mình chịu đau không ai chịu đau thay cho mình. Cho nên, nghiên cứu kinh Phật mà hiểu sai nghĩa, là một tai hại rất lớn cho con đường tu hành của các bạn. Các bạn cần phải cảnh giác những thầy học giả.
Trích từ sách: Những lời gốc Phật dạy – Tác giả: Trưởng lão Thích Thông Lạc