Kinh Đại thừa có phải do các vị Tổ Trung Hoa viết ra?

Một số phiến kinh Lăng-già (Laṅkāvatāra Sūtra) viết trên lá bối - Ảnh tư liệu

Một số phiến kinh Lăng-già (Laṅkāvatāra Sūtra) viết trên lá bối – Ảnh tư liệu

Tôi nghe một số vị giảng rằng, kinh điển Phật giáo Hán tạng (Bắc tông, Đại thừa) là không phải do Đức Phật Thích Ca thuyết mà do các vị Tổ Trung Hoa viết ra, như vậy khả năng chính xác không cao như kinh do Đức Phật thuyết trong Kinh tạng Pali (Nam tông, Nguyên thủy). Tôi rất tâm đắc bộ kinh Pháp hoa, Đức Phật dạy cách Khai – Thị – Ngộ – Nhập tri kiến Phật có sẵn trong mỗi người chúng ta, nhưng sau khi nghe các vị đó nói như vậy tôi rất hoang mang, không biết kinh nào đúng, kinh nào không đúng với lời Phật dạy?

(NGUYỄN MAI, Cần Giuộc, Long An)

Bạn Nguyễn Mai thân mến!

Hiện tại trên thế giới có hai truyền thống Phật giáo lớn, đó là Phật giáo Nam tông (Nam truyền) và Phật giáo Bắc tông (Bắc truyền). Từ chiếc nôi Ấn Độ, Phật giáo truyền xuống phương Nam thì gọi là Nam truyền, truyền lên phương Bắc thì gọi là Bắc truyền. Kinh điển Phật giáo Nam tông được chép bằng tiếng Pali. Kinh điển Phật giáo Bắc tông được chép bằng tiếng Sanskrit.

Kinh điển Phật giáo Bắc tông bằng tiếng Sanskrit được các nhà sư Ấn Độ (Tây Vực nói chung) lần lượt mang đến và dịch ra tiếng Trung Hoa, kết hợp với các kinh điển do các nhà sư Trung Hoa đi Ấn Độ thỉnh về, theo thời gian kết tập thành kinh điển Hán tạng.

Như vậy, những ai nói kinh điển Phật giáo Hán tạng (Bắc tông, Đại thừa) do các vị Tổ Trung Hoa viết ra là hoàn toàn không chính xác. Nghiên cứu lịch sử truyền dịch kinh điển Hán tạng và tìm hiểu xuất xứ của các bản kinh sẽ thấy rõ phần lớn kinh điển Phật giáo (Hán tạng) được dịch từ tiếng Sanskrit (Phạn ngữ) sang Hán ngữ.

Tiếc rằng, hiện có rất ít bản kinh gốc Phạn ngữ được tìm thấy (phần lớn bị chiến tranh tàn phá tại Ấn Độ) nên cũng khó khăn cho việc phối kiểm các kinh văn Hán ngữ hiện hành. Mặt khác, cần thẳng thắn nhìn nhận là, trong kho tàng kinh điển Hán tạng (Bắc tông, Đại thừa) rất đồ sộ, ngoài các bộ kinh có nguồn gốc từ Ấn Độ (Phạn ngữ), còn có một số ít kinh văn được trước tác tại Trung Quốc rất muộn về sau. Các nhà nghiên cứu kinh điển bằng phương pháp văn bản học đã xác định điều ấy. Những kinh văn hậu tác này tuy vẫn được cho nhập tạng nhưng các nhà kiết tập đã cẩn trọng lưu ý và xếp vào Nghi tợ bộ.

Thiển nghĩ, trong kinh điển Phật giáo Hán tạng (Bắc tông, Đại thừa) tuy có một số kinh được trước tác tại Trung Hoa, nhưng phủ nhận toàn bộ kinh điển ấy không phải do Phật Thích Ca thuyết là một sự thiển cận và hẹp hòi. Người học Phật hiện nay cần phát huy chánh kiến để hội nhập với Phật giáo thế giới. Đứng trên lập trường truyền thống, tông phái của mình để phê phán hay công kích các truyền thống, tông phái khác là điều không nên.

Người học Phật cũng cần biết rằng, ngay cả Kinh tạng Pali, được xem là Nguyên thủy, gần với lời dạy của Đức Phật nhất cũng được ghi chép khá muộn về sau (khoảng từ 300 đến 500 năm sau Phật Niết-bàn). Trong khoảng thời gian trên dưới bốn thế kỷ, kinh Phật được gìn giữ và lưu truyền chủ yếu nhờ vào trí nhớ, thuộc lòng và truyền miệng. Vì thế, nghi vấn về một số yếu tố hậu tác trong Kinh tạng Pali (dù không nhiều) cũng đã được các nhà nghiên cứu đặt ra.

Thế nên, để phân biệt kinh nào đúng và kinh nào không đúng lời Phật dạy, người học Phật cần dựa vào Tam pháp ấn. Đức Phật đã dạy về Ba dấu ấn Chánh pháp là vô thường-khổ-vô ngã. Những kinh văn, dù được ghi bất cứ ngôn ngữ nào, nếu thiếu vắng ba dấu ấn này thì không phải Chánh pháp, người học Phật cần thận trọng khi đọc tụng, nghiên cứu và phụng hành. Còn lại những kinh văn nào có đầy đủ ba dấu ấn Chánh pháp thì hãy thọ trì.

Chúc bạn tinh tấn!