Kiếp súc sinh – dễ đọa, khó thoát

Sinh làm loài súc sinh phải chịu đựng năm loại khổ sau: nỗi khổ ăn thịt lẫn nhau, nỗi khổ do ngu si ám chướng, nỗi khổ chịu nóng lạnh, nỗi khổ chịu đói khát, nỗi khổ bị khai thác đọa đày hoặc sai làm việc nặng. Hãy tưởng tượng bạn tái sinh làm một loài thú trong tự nhiên.

 

Cuộc sống của bạn không hề tự do như bạn nghĩ. Thực tế, các loài thú không lúc nào thảnh thơi vì phải chiến đấu sinh tồn, vừa lo kiếm ăn qua ngày vừa đề phòng bị kẻ khác ăn thịt. Nỗi khổ đói khát khi bạn không kiếm được thức ăn cũng không thua gì loài ngã quỷ.

Ngài Xá Lợi Phất khi ngẫm quá khứ của một con chim câu bay qua trước sau mỗi giai đoạn thấy tám vạn kiếp mà vẫn chưa thoát được cái thân chim câu. Lại nhìn đàn kiến vàng lúc nhúc trên đá trong rừng Kỳ Đà từ thời bảy Phật tới nay vẫn chẳng thoát được cái thân con kiến. Cho nên mới biết rằng một khi bỏ mất thân con người thì đến muôn kiếp cũng khó bề khôi phục lại.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Kinh tạng chép rằng thời quá khứ Đức Thích Ca Như Lai đã từng làm sư tử, làm voi, làm hươu, nai, làm khỉ, làm chim nhạn, chim sẻ một thân hai đầu, thậm chí làm con chuột, con rận…. Xưa kia có vợ một con ba ba có mang thì bị ốm, bèn bảo chồng rằng: “Tôi phải ăn tim gan khỉ thì bệnh mới khỏi được”. Vọi nói: “Không kiếm được thì sẽ chết”. Chồng bèn vào trong núi thấy khỉ trên cây bèn nói: “Tôi làm bạn với anh, nếu núi này không còn quả, tôi có thể chở anh vượt qua sông nước sang quả núi khác, chỗ có nhiều hoa quả, há chẳng khoái ư?”. Khỉ ta bèn nhận lời. Bữa khác, khỉ cưỡi trên lưng ba ba vượt sông. Ra đến giữa dòng, ba ba mới nói: “Vợ tao muốn ăn tim mày nên tao mới làm bạn với mày”. Khỉ nói: “Sao không nói trước? Tim gan tôi còn treo ở trên cây, chưa mang đến! Hãy chở tôi quay về lấy!”. Ba ba bèn chở quay về tới bờ. Khỉ lao tót lên cây. Hồi lâu không thấy xuống, ba ba nói: “Bạn tốt ơi! Sao không xuống đi?”. Khỉ đáp: “Ai mà lại có cái tim rảnh rỗi treo ở cành cây”. Khỉ chính là tiền thân Đức Thích Ca Thế Tôn, ba ba chính là tiền thân Đề Bà Đạt Đa.

Thêm nữa, trước kia có một vị tiên họ là Ca Diếp tu hành ở trong núi bảo với con rận rằng: “Lúc nào ta nhập định thì mi chớ cắn ta khiến ta rối lòng. Khi nào ta xuất định thì cho ngươi tha hồ mà cắn”. Sau có một con rệp đến hỏi rận rằng: “Dì mày sao mà béo trắng ra thế?”. Rận đáp: “Em làm đúng như lời chủ dặn, khi ông ta xuất định cứ việc thả sức ăn uống”. Bữa khác, rệp bèn rình lúc vị tiên đó nhập định, bèn lẻn đến đốt vị tiên đó túi bụi. Tiên bèn nổi giận, đốt lửa rũ áo. Rệp liền nhảy đi, còn rận thì bị chết cháy. Rận đó chính là tiền thân Đức Thế Tôn, rệp kia chính là Đề Bà Đạt Đa.

Đến một kiếp khác, Đức Phật và Đề Bà Đạt Đa là chim chung mình, một thân hai đầu, đứng dưới gốc cây độc. Một đầu là Thế Tôn ngủ, còn một đầu là Đề Bà Đạt Đa thấy hạt hoa độc rơi xuống đất liền ăn vào, định làm đầu kia bị trúng độc mà chết. Chẳng ngờ cả hai đều chết. Cho nên mới biết rằng người đời nay chẳng nên kết oán thù với người khác, bằng không đời đời gặp nhau đều là thù oán. Phật chưa thành đạo đã như thế, chúng ta ở trong sáu đường sinh tử luân hồi, không ai là không thụ thân muôn loài. Nay nếu chẳng bỏ ác tu thiện, thân muôn loài kia làm sao mà tránh khỏi được. Người có trí tuệ cần phải tự suy nghĩ về điều này.

Thực hành quán niệm nỗi khổ của loài súc sinh

Hãy tưởng tượng bạn tái sinh thành loài gia súc và gia cầm, có lẽ bạn sẽ được người nuôi no đủ hơn, nhưng cả đời bạn sẽ bị ngược đãi. Khi còn sức khỏe, bạn bị loài người khai thác: trâu bò phải kéo cày, gà vịt phải đẻ trứng,… và khi trở nên già cỗi không còn khả năng phục vụ nhu cầu con người nữa, bạn sẽ bị mổ bụng phanh thây để ăn thịt. Hãy thử cảm nhận nỗi đau đớn khi con dao bầu của người mà bạn đã phục vụ cả đời và gọi là “ông chủ” đâm vào cổ của bạn, hãy xem họ uống máu của bạn và xẻ toang thân thể bạn ra trước khi ướp gia vị và nướng bạn trên một cái lò than. Bạn có thể chấp nhận hành động này không? Nếu như súc sinh biết nói thì những lời oán thán của chúng hẳn kinh động cả đất trời. Bạn còn khổ sở vì sự ngu si, thậm chí không biết mình đang được dẫn đến đến nơi ăn cỏ hay lò sát sinh. Bạn chịu khổ vì lạnh và nóng; mùa hè thì mặt trời thiêu đốt, mùa đông thì chết vì giá lạnh. Bạn cần nhận thức một cách sâu sắc rằng mình sẽ khốn đốn đến mức độ nào nếu phải tái sinh làm một hữu tình như vậy!

Thực hành phóng sinh

Kinh Phạm Võng dạy rằng: “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình. Vì mình trải qua nhiều đời đều do đó mà sinh ra, nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ của mình. Nếu giết hại sinh mạng để ăn thịt tức là tự giết cha mẹ mình, cũng là giết thân cũ của mình. Tất cả đất, nước là thân trước của mình. Tất cả gió lửa là bản thể của mình. Cho nên, thường thực hành phóng sinh thì đời đời sinh ra thường gặp Chánh pháp. Khuyên dạy người làm việc phóng sinh, nếu thấy người đời giết hại súc vật, nên tìm phương tiện để giải cứu, khiến cho chúng được thoát khổ nạn”.

Đức Phật có trí tuệ vô thượng nên trong kinh Phạm Võng đã sớm có lời ân cần khẩn thiết khuyên răn chúng ta. Thực hành phóng sinh thì tiêu trừ nghiệp chướng, lại trưởng dưỡng được tâm từ bi. Đức Phật còn nói rõ rằng: “Chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ ta, cứu vật sống được tức là cứu được cha mẹ ta”.

Là hành giả thực hành Bồ tát hạnh, tất cả chúng ta cần cảm thấy trách nhiệm của mình đối với mọi chúng sinh. Bởi chúng ta từng là thân bằng quyến thuộc: cha, mẹ, chồng, vợ, con cái, anh, chị em của vô lượng chúng sinh từ vô thủy kiếp, tất cả suy nghĩ, hành động của chúng ta cần hướng về hạnh phúc bình an của hết thảy chúng sinh quanh mình.

(Nguồn: “Lục đạo tập”  – TT. Thích Viên Thành

NXB Hải Phòng)