Không tạo lỗi lầm để người có trí chê cười

Người có trí là người sáng suốt và có đời sống đạo đức gương mẫu, giàu tâm từ và rất chính xác trong đánh giá, nhận định vấn đề. Người trí hiểu được đâu là đúng, đâu là sai theo chân lý mà không theo cảm tính riêng.

 

Nói cách khác, người có trí là người biết đặt cảm tính cá nhân đằng sau chân lý và lợi ích của mọi người. Do đó, ý kiến của người có trí đáng được trân trọng, có thể xem là mực thước để đánh giá hành động thiện, ác của chúng ta như trong kinh Ðức Phật từng nhắc nhở người Kālāmā y cứ để làm cơ sở cho niềm tin (Tăng chi bộ kinh, chương III, kinh số 65).

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Ðể tránh những lỗi lầm, chúng ta cần chánh niệm trong mỗi ý tưởng, lời nói và việc làm, không nên xem thường những lỗi lầm nhỏ mà cho là không quan trọng. Tất cả những cái lớn đều được kết thành từ những cái nhỏ, lỗi lầm cũng như vậy. Trong cuộc sống, thật không sai nếu xem vai trò của chánh niệm như một người bạn thân tốt bụng, một người vệ sĩ trung thành, một người gác cổng tận tụy, một người hướng dẫn du lịch tài giỏi giúp chúng ta tránh lỗi lầm và định hướng tốt trong cuộc sống. Lấy chuẩn là cuộc sống gương mẫu của những người có trí để soi mình và luôn ý thức trong từng chi tiết nhỏ nhất là cách tránh lỗi lầm hiệu quả nhất. Không lỗi lầm thì mới có được tâm thanh thản, an tịnh để từ đó, tình thương yêu rộng lớn có thể lưu xuất và trải rộng đến mọi người.

Tóm lại, những tính cách tốt đẹp vừa nêu là điều kiện cần thiết để thực hành tâm từ trong đạo Phật. Gọi những thuộc tính tâm lý tích cực này là “điều kiện”, đơn giản vì thiếu chúng tâm từ không có cơ hội để thực hiện, hoặc nếu có, thì cũng không thể đưa đến kết quả mỹ mãn. Ðể thành tựu được những tính cách trên, chúng ta cần phải có sự chú tâm, chánh niệm thường xuyên, giữ tâm định tĩnh. Chánh niệm và định tĩnh không chỉ giúp thành tựu các điều kiện trên, mà còn là những yếu tố hỗ trợ không thể thiếu để kỹ năng thương yêu cao thượng được thực hành và đem lại kết quả tốt đẹp cho người.

Khi đầy đủ các phẩm hạnh cao quý này rồi, chúng ta dấn thân vào cuộc sống, tích cực “làm gì đó” để chia sẻ, làm nhẹ đi gánh nặng khổ đau mà nhiều người đang chịu đựng. Thực hành tâm từ là thể hiện tâm thương yêu qua hành động thương yêu và lời nói thương yêu, chứ không phải ngồi lim dim trên bồ đoàn khởi tâm tưởng “cầu mong mọi người trong thành phố này thân không tật bệnh, tâm không phiền não, tránh mọi rủi ro, tai nạn, ngày ngày an vui hạnh phúc”. Cầu mong như vậy chưa đủ, và chỉ dừng lại ở cầu mong là đi ngược lại tinh thần Phật dạy.

Khởi tâm từ trong lúc ngồi thiền là cần thiết để làm động lực, xác định xu hướng hành động, nuôi dưỡng tâm thiện lành để làm điểm xuất phát cho quá trình chế xuất, lưu xuất nguồn thương yêu qua hành động và lời nói đem lại niềm an vui hạnh phúc cho người. Ðây mới là trọn vẹn thực hành tâm từ vậy.

Liên Trí