Không kể lỗi người khác

Ngay cả khi chỉ trích một người bình thường nhất, làm sao chúng ta biết được thực sự họ là ai? Biết đâu họ là Hóa thân của một Bồ tát hay một hành giả ẩn tu hoặc thậm chí là ẩn thân của một vị Phật giác ngộ hoàn toàn.
Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Do sức mạnh phiền não che tâm

Chỉ trích lỗi người, mình tổn đức

Với người tu tập hạnh Đại Thừa,

Không kể lỗi người, chân Phật tử.

Việc chỉ trích người khác cũng là điểm quan trọng cần tránh trên con đường thực hành Bồ tát đạo. Chúng ta có vẻ như rất thích chỉ trích người khác. Bất cứ khi nào, bàn luận về một điều gì đó, chỉ cần bốn đến năm phút, thậm chí chỉ ba phút thôi là chúng ta bắt đầu chỉ trích một ai đó. Chúng ta không thể dừng lại được. Điều này rất đặc trưng, và là sự tích lũy nghiệp rất xấu. Ngay cả khi chỉ trích một người bình thường nhất, làm sao chúng ta biết được thực sự họ là ai? Biết đâu họ là Hóa thân của một Bồ tát hay một hành giả ẩn tu hoặc thậm chí là ẩn thân của một vị Phật giác ngộ hoàn toàn. Vì vậy, là hành giả thực hành Đại Thừa, chúng ta không nên phê phán bất kỳ ai. Điều này rất xấu, sẽ tích lũy vô số ác nghiệp và sẽ phá hủy sự hiểu biết cũng như tiến trình giác ngộ của chúng ta. Thiện hạnh lớn nhất của bậc Bồ tát là từ bỏ hành động xấu này.

Tôi thích bàn chuyện về người khác, đôi khi hay nói xấu họ. Đây là việc làm bất thiện. Bởi việc người khác làm gì đâu phải là chuyện của tôi, đó là việc của họ và vì vậy cứ để yên cho họ làm. Chẳng có lý do gì để bàn luận về chuyện đó. Chẳng có ai thuê chúng ta nói chuyện tạp hay bàn tán, thế nhưng cho dù chẳng cần lý do gì chúng ta vẫn có xu hướng mạnh mẽ sa đà vào việc xấu này. Chúng ta cũng chẳng cần thiết phải nói điều gì đó tốt đẹp. Cách tốt nhất là không nói về điều gì cả.

Trong Kinh Thừa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng: nếu như bạn chỉ trích một vị Bồ tát thì sự tích lũy nghiệp xấu đó cũng ngang bằng với việc giết hại tất cả chúng sinh trên cõi đời này. Đây là một nghiệp bất thiện tương tự. Do vô minh che chướng sâu dầy, chúng ta chưa thể nhận biết các Bồ tát thị hiện trên cõi đời này. Vì vậy, tốt hơn hết là chúng ta tránh không nói lỗi người, tránh không gây thêm ác nghiệp liên lụy đến đời này đời sau và gây chướng ngại trên con đường giải thoát giác ngộ.

Ngài Gyalwang Drukpa