Khóa tu mùa hè bỗng ‘hot’: Phụ huynh chọn khóa tu cho con, vì sao?

Vài năm trở lại đây, nhiều phụ huynh tìm đến chùa gửi con tham gia khóa tu mùa hè. Vì sao các khóa tu này bỗng ‘hot’ lên và việc quản lý nó sẽ do ai đảm trách?

Khóa tu mùa hè là cụm từ vừa nổi khoảng 3 năm trở lại đây. Không chỉ dành cho các em thiếu nhi, thanh thiếu niên, người lớn tuổi cũng tham gia những khóa tu ngắn ngày được các chùa tổ chức. Bên cạnh đó, nhiều đoạn clip được trích từ bài giảng pháp của những người tu hành được lan tỏa trên mạng xã hội với lượt xem “khủng” càng khiến nhiều người tò mò.

Vì sao khóa tu mùa hè bỗng “hot” lên? Các chùa đã tổ chức khóa tu mùa hè thế nào để quản lý được từ vài trăm đến cả 3.000 người cùng tham dự một khóa tu như vậy? Thanh Niên thực hiện loạt bài giải mã khóa tu mùa hè qua góc nhìn của chính người trong cuộc để tìm câu trả lời.

Giải mã khóa tu mùa hè: Vì sao phụ huynh tìm đến chùa cho con tham gia? - Ảnh 1.
Cho con đi khóa tu vì dạy hết nổi!

Nhà có cậu con trai sắp lên lớp 9 mê game quên ăn quên ngủ, suốt thời gian dài không khí trong gia đình chị Vũ Thị Tuyết (39 tuổi, ngụ Bình Dương) “căng như dây đàn”.

Từ chiếc điện thoại cũ của ba mẹ, con trai chị Tuyết bắt đầu tiếp xúc với internet và chơi mê say. “Ở trường con được học sinh giỏi, nhưng về nhà thì chơi game không thèm ăn uống, đánh răng, rửa mặt, tắm rửa gì luôn. Vợ chồng tôi áp dụng mọi phương pháp nặng, nhẹ đều bất thành. Có giai đoạn cắt điện thoại, cắt máy tính thì con trốn học ra quán net. Tôi đã phải tính tới phương án gửi con lên TP.HCM học ở trường nội trú của những đứa trẻ cá biệt tại TP.Thủ Đức để người ta cai nghiện game cho con chứ nhà nói hết nổi”, chị Tuyết kể.

Nhiều lần, trong gia đình, vợ chồng chị như vô hình vì cậu con trai chơi game cả ngày lẫn đêm. Ba mẹ đi làm về không chào, không phụ giúp mẹ việc nhà, hai cha con không giao tiếp được với nhau… khiến vợ chồng chị ngao ngán.

Giải mã khóa tu mùa hè: Vì sao phụ huynh tìm đến chùa cho con tham gia? - Ảnh 2.

Lịch trình sinh hoạt của các khóa tu thường kết hợp giữa việc học đạo – giải trí-Diệu Mi

Biết chùa gần nhà tổ chức khóa tu mùa hè 4 ngày 3 đêm với các vị giảng sư nổi tiếng nên chị treo thưởng là 1 chiếc điện thoại mới để con chịu buông máy đến chùa tham gia.

Chị nói: “Tôi từng cho con vài lần theo đi chùa nghe giảng pháp, kèm với phần thưởng như vậy con mới đồng ý tham gia. Khóa tu không sử dụng điện thoại, 2 ngày đầu con đã rất chật vật. Khi đó, tôi nghĩ nếu con không thể chịu nổi, bỏ cuộc đi về thì tôi sẽ gửi con đến trường học của trẻ cá biệt. Vậy mà tới ngày thứ ba con hòa nhập được với các bạn cùng tu. Ngày thứ tư chùa làm lễ tri ân, con lại nói tiếc nuối vì thời gian ở chùa ít quá”.

Ngày con dọn đồ về nhà, vợ chồng chị Tuyết bị “choáng” vì thấy cậu con trai nghiện game, bỏ bê chính bản thân nay bỏ game, chủ động giao tiếp với ba mẹ, biết nói cảm ơn, xin lỗi, phụ giúp mẹ việc nhà và cũng không đòi hỏi điện thoại mới.

Ở nhà, ba mẹ dạy không được, nói thế nào con cũng không nghe. Vậy mà vào chùa, nghe các sư hoằng pháp, các anh chị chia sẻ, nhìn thấy người thật việc thật con mới tin, mới thay đổi. Giờ con đang ở trong chùa, không dùng điện thoại, cứ tới cuối tuần tôi lại vào thăm
Chị Vũ Thị Tuyết

Được 5 ngày, con trai xin chị cho vào chùa ở đến hết hè vì muốn rèn luyện thêm. Gia đình lại thêm một lần nữa ngỡ ngàng vì con trai quá khác. “Ở nhà, ba mẹ dạy không được, nói thế nào con cũng không nghe. Vậy mà vào chùa, nghe các sư hoằng pháp, các anh chị chia sẻ, nhìn thấy người thật việc thật con mới tin, mới thay đổi. Giờ con đang ở trong chùa, không dùng điện thoại, cứ tới cuối tuần tôi lại vào thăm”, chị Tuyết chia sẻ.

Bước ngoặt sau khóa tu

Anh Vũ Văn Hai (39 tuổi) cũng cho 2 con trai tham dự khóa tu 4 ngày 3 đêm tại chùa Thiên Quang vào đầu tháng 6 vừa qua. Nói về cơ duyên biết đến khóa tu, anh cho hay, qua mạng xã hội, anh tình cờ xem các bài giảng pháp của ni sư Thích Nữ Hương Nhũ, trụ trì chùa Thiên Quang.

“Những bài giảng pháp gần gũi, hướng về đạo đức, cách để làm cuộc sống tốt đời đẹp đạo hơn nên tôi nghe thường xuyên. Biết chùa có khóa tu, tôi đưa 2 con; họ hàng trong nhà cũng đưa các bé đến tham dự. Cuối khóa tu, sư có giảng về tri ân cha mẹ, tụi nhỏ khóc ròng ròng, tôi rất xúc động”, anh Hai bộc bạch.

Giải mã khóa tu mùa hè: Vì sao phụ huynh tìm đến chùa cho con tham gia? - Ảnh 4.

Nhiều em có bước ngoặt sau khi tham gia các khóa tu-Diệu Mi

Sau khóa tu, 2 con trai chuẩn bị lên lớp 5 và lớp 8 của anh đã dậy sớm hơn, tự động chia nhau lau dọn nhà cửa, sắp xếp quần áo, đồ đạc gọn gàng, gọi dạ, bảo vâng.

Tương tự, chị Mã Mỹ Khanh (46 tuổi, ngụ Cà Mau) đã vượt gần 500 km đưa con đi tham dự khóa tu mùa hè, còn chị làm công tác phụng sự (hỗ trợ tổ chức).

Chị Khanh cho hay, trong 4 ngày tổ chức, các bé được sắp xếp lịch đan xen giữa học pháp, học kỹ năng, giải trí để tránh căng thẳng. Theo đó, sáng sớm, các em sẽ tham dự tụng kinh, ngồi thiền, ăn sáng rồi nghe giảng sư nói về các bài pháp ứng dụng trong cuộc sống.

Giải mã khóa tu mùa hè: Vì sao phụ huynh tìm đến chùa cho con tham gia? - Ảnh 5.

Khóa tu mùa hè trở nên “hot” trong vài năm trở lại đây-Diệu Mi

Khóa tu con chị tham dự có khoảng 350 em thì được chia thành 12 nhóm, mỗi nhóm khoảng 30 em độ tuổi trung bình từ lớp 7 đến lớp 12.

Chị nhận xét: “Tôi để ý sau bài pháp của sư về vấn đề dạy cho các con ngăn nắp, xếp mùng mền chiếu gối, tôi đã thấy con mình đến các cổng vào của chánh điện xếp dép của mọi người ngay ngắn; gối nệm cũng xếp gọn gàng. Những bài pháp của sư xoáy vào nội dung giảng giải thực tế để các con tự thay đổi, cách sinh hoạt trên chùa, cách các bạn đối xử với nhau. Từ đó, con sống biết yêu thương, biết làm những điều mang lại nụ cười, an lành nên cứ nghỉ hè tôi sẽ lại cho con tham gia khóa tu”.

Cô Ngô Thanh Thuận, Thành viên Hội đồng trường, Quản lý hành chính Trường Tiểu học – THCS – THPT Hoa Sen (Bình Dương) cho biết, trường chú trọng việc tổ chức chuyên đề giáo dục nhân cách cho học sinh.

Đầu tháng 6 vừa qua, 180 em của nhà trường đã đến chùa Thiên Quang tham dự khóa tu mùa hè; nhiều giáo viên tham gia làm quản lý các nhóm để giám sát, nhắc nhở việc ăn ngủ, nề nếp của các em.

“Tham dự khóa tu các em không được sử dụng điện thoại, không internet, 21 giờ 30 phút đi ngủ và 4 giờ 30 phút sáng dậy tụng kinh. Sau khóa tu, nhiều em học sinh đã thay đổi, về trường ăn uống yên lặng, quan tâm người xung quanh, biết ơn người giúp đỡ mình”, cô Thuận nhìn nhận.