Khoa học và tái sinh theo nhà Phật (phần 3)
Thuyết luân hồi tái sinh trong nhà Phật không phải chỉ áp dụng cho hai sự sống và chết của con người, mà nó còn có thể nghiệm đúng qua mọi biến hóa của vạn vật, và của vũ trụ.
TIỀM LỰC TINH THẦN QUA TỪ TRƯỜNG VẬT LÝ
Năm 1970, một nhà phân tâm học người Âu, ông Pierre Wiel đã đưa ra một bản kê khai 5 khả năng của tinh thần con người như sau:
1- Khả năng thức tỉnh (hay giác ngộ): Dù sống trong môi trường nào, con người không sớm thì muộn, cũng tự phân biệt được thiện ác.
3- Khả năng vĩnh cửu: sự thánh thiện trong một con người là một tánh linh bất diệt.
4- Khả năng thiêng liêng: Con người tự cho mình là trung tâm giao cảm giữa toàn thể vũ trụ.
5- Khả năng không sợ chết: Mỗi con người có một lý tưởng riêng. Lý tưởng ấy quý hơn sinh mạng, và họ có thể hy sinh mạng sống để bảo vệ lý tưởng đó.
Liên quan đến khả năng thứ năm này, một triết gia tên tuổi người cổ Hy Lạp (Grec Antique) có lẽ rất đáng nhắc đến để làm tiêu biểu. Đó là ông Sorcrate (470-399 avant J.C). Lý tưởng của ông là “Mình cần biết rõ mình sẵn sàng vượt lên mọi khiếp sợ (trở ngại), để thể hiện cái mà chính mình tin tưởng, và cho là cao đẹp”. Thưở ấy do bất đồng tư duy mà ông đã bị “thẩm quyền trí thức” thành phố Nhã Điển (Athène) kết tội chết, vì ông dám truyền bá tư tưởng “làm lung lay truyền thống đương thời”. Những người có cảm tình và kính trọng ông đã tỏ ý tạo điều kiện cho ông “trốn thoát” lánh nạn. Nhưng ông đã từ chối và cho đó là một hành động vô trách nhiệm. Sau đó ông thản nhiên bưng chén thuốc độc (cigue) uống cạn, để biểu lộ tính can đảm, “thẳng thắn” của một công dân Nhã Điển (Citoyen d’ Athène) biết tôn trọng luật (ám chỉ chấp nhận “phán quyết tử hình” của thẩm phán đoàn), đồng thời cũng chứng minh tính trung thành với lý tưởng của chính mình.
Năm khả năng nêu trên phải chăng là chung luận của triết học Tây phương nói về tiềm lực tinh thần của con người. Chung luận đó chuyên chở ý nghĩa tương đương với một nhóm từ tiếng Pháp là “La volonté d’être en puissance”, tạm dịch như sau: “Ý muốn trở thành toàn năng” (?)
Dường như hiện nay văn hóa Tây phương chưa thoát khỏi ảnh hưởng của câu danh ngôn Descartes là “Tôi tư tưởng, vậy có tôi ” (Je pense donc je suis)?
Vì vậy ngày nay người ta đã đặt quá nhiều quan trọng lên phần thân xác hiếu động, mà dần dần coi nhẹ những giá trị tĩnh lặng, diệu hoạt của tâm linh. Nghĩa là với câu châm ngôn của Decartes trên đây, chúng ta có thể hiểu rằng “tinh thần chính là chúng ta đang sống, biết suy nghĩ”. Còn khi chúng ta không suy nghĩ (như lúc ngủ chẳng hạn), hoặc những trẻ con chưa ra khỏi bụng mẹ, chưa biết suy nghĩ, thì không có tinh thần chăng? Và nếu có thì ‘nó’ ở đâu?
Mặt khác, cũng vì một số đông (cũng may là không phải tất cả) các triết gia Tây phương, mà khoa học (nhất là vật lý) từ trước đến giờ, đã chia sẻ cách thấy của mình ra nhiều mảnh vụn, hậu quả lắm khi mâu thuẫn. Cho nên, qua một khía cạnh nào đó, cái thấy của những người sống trong thời đại khoa học đã bị méo mó và máy móc, mất đi sự chính xác. Vì vậy, khoa học tâm linh ngày nay phải lãnh trách nhiệm điều chỉnh cái “thấy” đó, đem nó trở lại với quan niệm căn bản của thông số biến hóa, thuộc thân và tâm con người.
Hơn nữa, thuyết luân hồi tái sinh trong nhà Phật không phải chỉ áp dụng cho hai sự sống và chết của con người, mà nó còn có thể nghiệm đúng qua mọi biến hóa của vạn vật, và của vũ trụ. Nếu không có sự trình bày sáng tỏ, để nhân loại tiếp tục lẫn lộn giữa thuyết ấy theo nhà Phật với những thuyết khác, thì thật là đáng tiếc.
Ra đời trước Faraday 50 năm, ông Darwin (1731-1802), một nhà bác học khác, cũng từng đưa ra thuyết tiến hoá (évolution). Thuyết này lập luận rằng “Do sự cạnh tranh toàn diện mà mỗi sinh vật mới nẩy nở được những yếu tố thay hình đổi dạng”. Tuy ông Darwin chưa nói rõ “năng lực nào đã hướng dẫn sự cạnh tranh toàn diện”, nhưng khám phá của ông đã hiển nhiên giới thiệu mặt nổi của sự tái sinh. Còn mặt chìm thì có lẽ đối với ông, khoa học nói ra lúc đó quá sớm? Và năng lực (mặt chìm) ấy phải chăng là thức ham sống?
Vào năm 1905, nhà bác học Einstein đã đăng tải nhiều bài báo rất quan trọng, làm thay đổi toàn bộ các định hướng của nền vật lý học. Ông đã phát biểu về đặc tính của lượng tử (quantique) nằm trong quang tử (photons). “Photons” tạm dịch nôm na là ánh sáng của vũ trụ. Einstein gọi đó là những “chùm năng lực”, và xác nhận ấy là hình dáng căn bản của tạo hoá.
Đối với Einstein, quang tử là nguồn gốc của tất cả hiện tượng (hữu hình lẫn vô hình). Từ quang tử (photons) mà sinh ra dòng điện, điện tử, điện quang, từ trường, và lượng tử. Quang tử ám chỉ những “linh quang” cực nhỏ, đến độ không còn vi thể nữa, và di chuyển với tốc độ siêu ánh sáng: 297.300 cây số mỗi giây.
Thật ra, khó mà quan niệm một cách chính xác, danh từ “photons” hay quang tử, vì nó vừa là nguồn gốc của những hiện tượng, như phát điện (nóng hay lạnh), phát quang (sáng hay tối), phát từ (hướng hay phản), phát lượng (nặng hay nhẹ), nó vừa là những linh tử cực vi, có thể tan biến (mất tích) trong vô biên vũ trụ.
Hiểu được cái khó xác định của quang tử, thì mới có thể hiểu được phần nào tinh thần của con người, vì nó nằm ngoài minh chứng vật lý. Tuy nhiên cái tiến trình hoạt động của nó (là sự tái sinh) lại tương ứng với tiến trình vật lý, thành thử người ta có thể dùng khoa học tâm linh theo nguyên tắc vật lý mà suy nghiệm ra tinh thần được. Tức là “Hiểu luật tái sinh một cách khoa học thì mới hiểu được tinh thần”, chứ không phải “Cứ có linh hồn thì mới hiểu được tái sinh”. Và phải dựa trên quan điểm khoa học lý hoá để hiểu sự tái sinh.
Vả lại, khoa học lý hoá là gì nếu không phải là hiện tượng của vật lý và hoá năng? Vật lý tương đương với sắc pháp(Rùpa dhmmà), và hoá năng tương đương với danh pháp (Nama dhammà) trong Phật giáo. Vật lý không phải ám chỉ duy nhất những cái thô kệch, hữu dạng, có thể thấy, sờ, ngửi, nếm, nghe được, mà nó còn ám chỉ tất cả sơ chất cực vi, chẳng hạn như ánh sáng, nguyyên tử, điện tử, phân tử v.v…
Lại nữa, nhờ phân tích khoa học “cụ thể”, mà người ta được biết một hỗn hợp (nhiều nguyên chất), khi tan rã các đơn chất vẫn còn dài dài, và chúng “biến hoá” như thế nào, chứ không hoàn toàn tiêu mất. Nghĩa là tuy “cát bụi trở về với cát bụi” nhưng vấn đề vốn “gồm nhiều chuyện lắm”, chứ không phải ‘tuyệt diệt’. Và cũng nhờ khoa học, nhất là khoa học tâm linh, mà trí tuệ con người mới được dịp đào sâu trong Phật giáo, để tìm hiểu xa hơn về “hoá năng” của một siêu hỗn hợp ‘danh sắc’(Nàma-Rùpa) mệnh danh là con người, khi ‘nó’ còn sống, và sau khi ‘nó’ chết, chuyển kiếp ra làm sao. ‘Hỗn hợp’ đó tương đối phù du, vô thường, nhưng nó là biểu tượng của tất cả pháp hành trong vũ trụ.
Còn đức Phật thì trước đây hơn 2500 năm Ngài đã cho biết “Vì không đủ ánh sáng (hay vô minh=u mê mà cái nhân đầu tiên của vòng sinh tử luân hồi đã phát sinh)”. Lời phát biểu này của đức Phật tìm thấy trong kinh Thập Nhị Nhân Duyên (Paticcasamuppàdassutta). Và kinh ấy đã nêu ra một cái vòng nhân duyên, luân hồi tái sinh gồm 12 khoen, là: 1/ Vô minh (Avijjà) sinh ra hành. 2/ Hành (Sankhàrà) sinh ra thức. 3/ Thức (Vinnàna) sinh ra danh sắc. 4/ Danh sắc (Nàmarùpa) sinh ra lục nhập. 5/ Lục nhập (Sàlayatana) sinh ra xúc. 6/ Xúc (Phassa) sinh ra thọ. 7/ Thọ (Vedanà) sinh ra ái. 8/ Ái (Tanhà) sinh ra thủ. 9/ Thủ (Upàdàna) sinh ra hữu. 10/ Hữu (Bhava) sinh ra sanh. 11/ Sanh (Jàti) sinh ra lão-tử. 12/ Lão-tử (Jaràmarana)sinh ra vô minh.
Xin nói rõ: Đối với Phật giáo, “vô-minh” ám chỉ sự không thấy, không biết, lẫn lộn, vô phân biệt, thiếu trí tuệ, hay không đủ ánh sáng, chứ không phải là hoàn toàn chẳng có ánh sáng.
Quay lại nhà bác học Eisntein, hai luật tương đối nêu trên đã làm tỏ rõ ý thức không gian và thời gian (espace et temps). Các sự chuyển động (với tốc độ của vật thể trong không và thời gian ấy sẽ trở thành tương đối và vô nghĩa. Vì qua thông số vũ trụ: Điểm xa nhất cũng là điểm gần nhất. Với thông số ấy, người ta có thể nghĩ ra rằng: Trong khoảnh khắc mình có thể chu du khắp vũ trụ, đến chỗ tận cùng của nó. Vì cái ‘thấy’ về tất cả hiện tượng vật lý, nằm trong cả thế giới không gian và thời gianmà chúng ta đang sống, vốn tự nó ngay từ đầu đã bị thiên lệch, ly trình, càng tiến tới càng uốn cong mình trong một vòng luân hồi nhỏ hay lớn. Đâu lại hoàn đó. Động tử nào cũng đang đi trên con đường trở lại hướng cũ. Nhưng khi chưa đến, nó cứ tưởng là nó vĩnh viễn tiến tới chỗ mới.
Thành tích đặc sắc nhất của nhà bác học Eisntein là tìm ra công thức E=MC bình phương, để quy định “Năng lực của một khối thể chất tương đương với trọng lượng của khối ấy nhân với số bình phương (Le carré) của tốc độ ánh sáng”. Thì ra, trong mọi vấn đề đều phải có đặc tính (hay dấu tích liên quan) đến ‘ánh sáng’ dự phần vào đó. Bom nguyên tử (hay sức thiêu đốt cực vi) cũng từ trong công thức ấy mà ra, nhưng nó dùng để hủy hoại và củng cố tham vọng cho con người, nên không đáng bàn vào đây.
Tuy nhiên, đồng thời với Einstein còn có những nhà bác học khác. Chẳng hạn như nhà thiên văn học người Hoà Lan (tên Sitter), lúc đó đã cho là công thức của Einstein chỉ đúng với một thế giới đang trên đà bành trướng. Nhà thiên văn học khác người Hoa Kỳ (ông Hubble) tiếp theo thêm rằng “Tốc độ vật lý của mọi hiện tượng khi dãn ra càng xa thì càng nhiều”. Đây phải chăng có thể xem như tương đương với tốc độ của lòng tham vô đáy?
Về phương diện tôn giáo, “chất” đối nghịch với vật thể ấy phải chăng là tinh thần (hay linh hồn) con người?
Và ngày nay, nhiều nhà thiên-văn vật-lý-học (Astro-physiciens) còn nói rằng: Hiện có một cái hố đen đã xuất hiện trong vũ trụ của chúng ta. Nó đang co rút lại và khi nó dãn ra (Big bang=Nổ tung?) thì sẽ xuất hiện một vũ trụ mới, hoàn toàn độc lập và phức tạp, y như cái chúng ta đang biết.
Nói về một cái hố đen, câu chót của bài tán Phật, trong nghi thức tụng kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng ghi:
“Tứ sanh cửu hữu, đồng đăng hoa tạng huyền môn, bát nạn tam đồ, cộng nhập tỳ lô tánh hái”. Tạm dịch là “Bốn loại sinh ra, chín vật có hình, đều đi vào trung tâm của cái cửa đen. Tám nạn ba đường đều đi vào trong biến tánh tỳ-lô”.
Và cái cửa đen hay biến tánh tỳ lô ấy là gì nếu không phải là hố đen? Không biết vô tình hay cố ý mà kinh Phật đã nói trước sự khám phá của khoa học ngày nay.
Nêu vấn đề này có đáng gây cho chúng ta sự ngạc nhiên chăng? Hay đó chỉ là chuyện nhắc lại cái nguyên tắc “Có vô thì phải có ra”, hay “Ra vô xoay vần, như sống với chết”. Cái này không thể làm mất cái kia. Vì cái này và cái kia là nguyên nhân hậu quả của nhau, hễ cái này làm mất cái kia thì cái này cũng mất luôn, và tuyệt đối không có gì hiện hữu nữa, kể cả chúng ta. Cũng như nếu chết là hết thì cái sống trên mặt đất đã không có, làm sao có chết?
Vả lại, vật thể vốn do năng lượng sinh ra, mà năng lượng thì không thể chết. Chúng ta cũng là vật thể do “năng lượng” tinh thần sinh ra, dù xác thân của chúng ta vì một lý do nào đó tiêu hoại, thì “năng lượng” tâm thức cũng không thể nào mất được. Đây là một tư tưởng hoàn toàn khoa học, chứ không phải duy tâm hay hoang đường chi cả. Chưa kể năng lượng tinh thần là một năng lượng vừa siêu nhiên, vừa linh hoạt, mà toàn thể chúng ta (duy linh hay duy vật) đều có thể dùng chính bản thân mình, để tự nghiệm chứng. Còn năng lượng của vạn vật trong vũ trụ, thì chỉ có một số nhà bác học mới đủ điều kiện kiến thức và dụng cụ để thí nghiệm, hiểu thấu mà thôi.
Trải qua những vòng biến hiện, từ vô thủy đến giờ, vạn vật đã dần dần tiến hoá. sự tiến hoá ấy phản ảnh nguồn gốc tinh vi của năng lượng, tức là tính thanh thoát của tinh thần. Chúng ta có thể tự hỏi “Không biết năm, bảy chục ngàn năm nữa, tinh thần của con người sẽ tiến bộ, siêu đẳng (thông thái) đến đâu? Hay chính lòng tham không đáy trong con người, sẽ là động cơ khiến họ hủy diệt toàn bộ văn minh của nó (tinh thần), để nhân loại lại bắt đầu từ con số không?”
Soạn giả nêu ra câu hỏi này, vì nhớ lại kinh Phật nói rằng “Đạo đức (tương đương với sự soi sáng) của bậc giác ngộ (=Phật) sẽ biến mất vào 5000 năm, sau khi Phật Thích Ca nhập Niết Bàn”.
Nhìn lại Phật lịch, chúng ta thấy đấng Toàn Giác đã “ra đi” cách nay hơn 2500 năm rồi. Non phân nửa tuổi thọ của Phật giáo còn lại phải chăng tiêu biểu cho giai đoạn đạo đức của sự giác ngộ đã bắt đầu xuống dốc, để tiến dần đến cảnh suy tàn (phản tiến hoá) theo chu kỳ, mặc dù còn đến những non 2500 năm nữa.
Nhưng đối với hiện tại, ngay cả các khoa học gia, những người khó có thể tin được những gì mà họ không thể chứng nghiệm, cũng đã có những vị sẵn sàng dùng vật lý để thuyết phục con người tin tưởng vào sự lành mạnh của đạo đức, tin tưởng vào khoa học hợp lý trong tâm linh, và tin tưởng vào sự siêu nhiên của tinh thần, hầu bảo vệ những gia sản vô giá của nền văn minh nhân loại.
Chẳng hạn như ông Arthur Edington, nhà vật lý khoáng chất người Tô Cách Lan, đã sốt sắng nói rằng: “Dù khoa học vật lý có tìm ra những cái mới lạ, nhưng vẫn không đủ để bác bỏ những niềm tin xứng đáng của tôn giáo”.
Và ông còn nói “Tại sao chúng ta không thể thu hẹp các quyền năng hoang đường của thượng đế, đem hệ thống các phương trình vi phân ra ứng dụng, để hiểu cái ta linh động trong vũ trụ, thay vào sự hiểu cái ta cứng ngắc, được tin là do thượng đế tạo ra?”
Và ở thời kỳ nào cũng vậy, nếu có những bác học, cả đời xả thân trực tiếp hay gián tiếp, nghiên cứu về những liên hệ giữa não bộ, và tâm linh hay lương tri, để “tháo gỡ” sợi chỉ tinh thần vô hình kia, giúp cho khả năng hiểu biết về khoa học trừu tượng của loài người, có những bước tiến đáng kể, sáng suốt, thuận hành với vật lý, thì cũng có những cá nhân, những bạo chúa, những “lãnh tụ” cuồng tín, say mộng, đã gây ra không biết bao nhiêu tai hại, như kết tội các bác học trước đây. Và ngày nay trong tư tưởng của những con người loại ấy vẫn còn dẫy đầy tham lam, ích kỷ, độc đoán, mê muội, cuồng tín, tin vào thần quyền vạn năng, để họ sẵn sàng tiêu diệt những ai không cùng chung tín ngưỡng với họ.
Cũng may hiện tại, các nhà sinh lý học, sinh hoá học, vật lý học, toán học…đều chú ý đặc biệt khảo sát về lượng tử và tinh thần (cũng như lương tri con người), dường như họ sợ kiến thức của mình không theo kịp những biến chuyển các vấn đề hằng có trong vũ trụ. Vô tình họ đã làm một cuộc đại khai sáng, vẹt mạnh những đen tối cố hữu, trong các tín ngưỡng lỗi thời ngày xưa, hầu mang lại cho khoa học cụ thể lẫn khoa học trừu tượng (tâm linh) một giá trị tương ứng và thích hợp.
Đây là lý do khiến cho hai năng lượng tàng ẩn trong một con người, thường gọi là lương tri (Conscience), và tiềm thức (sub-Conscience) đã được khoa học khám phá và nhìn nhận, như một vấn đề trọng yếu trong sự sống nhân loại. Hai năng lực này không gì khác hơn là Mạt-Na thức (Màna) và A-Lại-Da thức (Àlaya) trong Phật giáo.
Khi khoa học vật chất và khoa học tinh thần đang có sự song hành, nhiều học giả từ nhiều tôn giáo khác nhau, phải lần lượt xuất hiện, để giải thích quan niệm của họ về vấn đề tâm linh, thì đạo Phật cũng không ra ngoài thông lệ đó.
Câu hỏi chung thường đặt ra cho tất cả nhân loại, chứ không riêng gì cho những người tin thuyết tái sinh trong nhà phật, là “Đã có rồi một đời sống trước khi sanh?” hay “Sẽ có chăng một đời sống khác sau khi chết?”
Đồi với đạo Phật, đây không phải là câu hỏi riêng ngày hôm qua, hay chỉ của ngày hôm nay, mà là một thắc mắc nằm mãi trong tâm tư nhân loại, ngày nào con người chưa đạt đến một trình độ tiến hoá tinh thần toàn giác, thì họ khó có thể hiểu thấu được nó. Người Phật tử ý thức được cái “khó hiểu thấu” đó, nên họ không để bị chặn đứng bởi quan niệm: “Siêu hình nằm ngoài tâm tư phàm trần”, rồi mặc kệ cho “linh tính” hướng dẫn. Họ cũng không chạy theo số đông tin hùa những nghi lễ, phát nguồn từ các huyền thoại thiêng liêng, còn ảnh hưởng trong dân gian, để tự đưa mình vào tình trạng tin tưởng qua thánh tượng, và rơi hẳn trong tín ngưỡng sa mù. Mà trái lại, người Phật tử, với tinh thần lành mạnh, thường trực tỉnh thức, và dựa vào định lực thanh tịnh (kết quả của tu thiền), họ có thể đương nhiên được soi sáng trí tuệ. Rồi nhờ công phu hành đạo đó, người Phật tử sẽ tuần tự đạt đến kiến thức vi diệu, hiểu thấu mối liên quan trực tiếp hay gián tiếp giữa họ và ngoại cảnh, vũ trụ.
Vả lại, hướng dẫn giản dị và khách quan hơn nữa, trong kinh đức Phật đã dạy, đại ý: Trước khi bàn sâu vào một vấn đề gì, chúng ta nên có một thái độ thật vô tư, nghiêm chỉnh và thanh tịnh. Nghĩa là chúng ta không để bị một thiên kiến, cảm tình, hay tín điều nào chi phối cả, thì chúng ta mới có thể sáng suốt quán xét được.
Rồi khi nghe phân tích về những điều thuộc loại siêu hình này, dù lời lẽ của diễn giả có hiển nhiên đến đâu, hay khó hiểu cỡ nào, chúng ta cũng chớ vội tin hay vội bỏ, mà suy nghĩ thật kỹ, thật nhiều lần, sau cùng nên tìm thêm những dữ kiện chứng thật, trước khi tạm kết luận. Xin nói rõ là chỉ tạm kết luận thôi, vì những gì chúng ta kết luận ngày hôm nay, rất có thể ngày mai vẫn còn thiếu sót.
(Còn tiếp)
Nguyễn Điều