Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 ngày thứ 6 thảo luận về “Tăng đoàn Phật giáo Khất sĩ ngày nay”
Theo TT.Giác Hoàng – UV HĐTS, Phó Viện trưởng VNCPHVN, Phó Trưởng ban Văn hóa TƯGH, Chánh Thư ký Ban Thường trực GPHP, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni GĐ.III, trình bày tại Khóa BDTT 2024 sáng 30/5/2024 (nhằm 23/4/Giáp Thìn), chủ đề “Tăng đoàn Phật giáo Khất sĩ ngày nay” cũng là vấn đề đang được chư Tôn đức lãnh đạo và Tăng Ni HPKS đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh đa chiều hiện nay.
Với 5 nội dung chính (Tăng đoàn thời Phật, Tăng đoàn của Tổ sư Minh Đăng Quang, Tăng đoàn Khất sĩ ngày nay, Cách phát triển Tăng đoàn, Chuẩn hóa các mô hình để nhận diện), Thượng tọa khẳng định, Tăng đoàn Khất sĩ để có được sự hình thành và phát triển như hôm nay, trước hết xuất phát từ Tăng đoàn của Đức Phật làm gốc, sau là dựa trên nền tảng Tăng đoàn Phật giáo Khất sĩ thời Tổ sư Minh Đăng Quang. Từ đó, Tăng đoàn Khất sĩ ngày nay tiếp nối truyền thống Tăng đoàn của Đức Phật và Tổ sư, tiếp tục tìm kiếm các giải pháp phát triển Tăng đoàn phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tại, đi đến sự chuẩn hóa các mô hình để nhận diện.
Điểm lại Tăng đoàn thời Đức Phật có thể thấy, phần lớn các vị đệ tử của Ngài đều là những vị trí thức, với căn cơ thượng thừa, đầy đủ các phẩm chất cao quý (Diệu hạnh, trực hạnh, Chánh hạnh, Như lý hạnh), đầy đủ pháp học, pháp hành và pháp thành. Tăng đoàn thời ấy còn được chính Đức Phật, hoặc các vị đại Thánh Thanh văn giáo giới, sách tấn, động viên, giảng pháp liên tục, có Đức Phật làm tấm gương sáng ngời, có các pháp hữu phần lớn là thánh nhân, cùng với cư sĩ hộ trì rất hiểu pháp và môi trường tu tập khá lý tưởng.
Đến với thời kỳ Tăng đoàn của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, theo TT.Giác Hoàng cho biết, là được thiết lập từ năm 1946, khi Tổ sư chính thức thọ giới tại Linh Bửu Tự (Mỹ Tho), đến năm 1946 tiếp nhận chư Tăng Ni đệ tử tu tập. Dưới sự giáo dưỡng của Tổ sư, các vị đệ tử của Tổ thời điểm ấy có đầy đủ giới hạnh, sự kham nhẫn, chuyên tu và tuệ giác. Các vị được trực tiếp quan chiêm oai nghi hạnh đức của Đức Tổ sư và được thọ pháp trực tiếp từ Tổ, nên các oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói, làm… đều thực hành như giới luật đức Tổ sư chỉ dạy.
Có thể thấy, buổi đầu, mô hình thờ phượng và tịnh xá của Tổ sư khá đơn giản, nhưng Tăng đoàn của Ngài rất bài bản, uy nghiêm, các vị chuyên tu nhiều hơn, ít tham gia các hoạt động thế sự, hành trì hạnh đi đó đây hành đạo (hành xứ) hoằng dương Phật pháp và ở tại các tịnh xá (trú xứ) khi bệnh. Nói chung, rất cân đối trong đời sống. Tổ sư chủ trương Tứ y pháp Trung đạo, không có cực đoan đi bộ hành suốt đời, quần tụ với đám đông hoặc phải ở rừng núi suốt đời. Tổ sư cho rằng Tứ y pháp là Chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý Y bát khất sĩ, pháp của Tổ rất phù hợp với lời dạy của Phật trong các kinh.
Nói về Tăng đoàn Khất sĩ ngày nay, TT.Giác Hoàng đưa ra những nhận định khách quan về “Vấn đề nhiều người quan ngại” và “Các vấn đề được hoan nghênh”. Trong đó, Thượng tọa khẳng định: “Phật giáo Khất sĩ không có dĩ nông vi thiền, song do tình hình chung của xã hội đương thời – 1975, trong một giai đoạn ngắn, đoàn du Tăng Khất sĩ buộc dừng lại, hòa nhập chung với xã hội, làm tự túc để cùng nhau phát triển kinh tế. Từ năm 1981, khi GHPGVN được thành lập và Hệ phái Tăng già Khất sĩ Việt Nam là một trong 9 thành viên của Giáo hội, cho đến nay, Tăng đoàn Khất sĩ đã và đang đối mặt với nhiều hạn chế”.
Theo đó, Thượng tọa cho rằng, theo dòng chảy của thời cuộc, một số vị đã tham gia quá nhiều các công tác giáo hội và xã hội, từ đó dẫn đến không còn nhiều thời gian để thiền tập. Thậm chí, một số vị lại thích thú địa vị trụ trì, chức vụ, gây nhiễu loạn và ảnh hưởng đến phẩm chất truyền thống của Tăng đoàn Khất sĩ do Tổ sư dày công sáng lập. Một số Tăng Ni trẻ được đào tạo ở các trường Phật học nhưng kiến thức Phật học rất yếu nhất là về kiến thức lịch sử Hệ phái, Giáo đoàn và tư tưởng đường lối của Phật giáo Khất sĩ. Ngoài ra, việc thiếu ý thức trách nhiệm trong định hướng, đào tạo, giáo dưỡng và dẫn dắt thế hệ Tăng Ni Khất sĩ trẻ cũng như ý thức trách nhiệm tu tập, trau dồi bản thân của vị Trụ trì, đang là vấn đề gây nhức nhối trong Tăng đoàn Khất sĩ ngày nay.
Bày tỏ nhiều nhiều quan điểm và dẫn chứng về các thực trạng trên, song, TT.Giác Hoàng cũng nêu lên những mặt tích cực mà Tăng đoàn Khất sĩ ngày nay đạt được. Có thể kể đến như: Các hệ thống quản lý từng Giáo đoàn đã được hoàn thiện và chỉnh chu hơn, các khóa tu (bồi dưỡng đạo hạnh, sống chung tu học, học luật, truyền thống Khất sĩ…) được hình thành và chú trọng về nội dung chuyển tải, việc học pháp được khuyến khích đẩy mạnh.
Qua đó, Thượng tọa có những đề xuất về cách phát triển Tăng đoàn như: Chọn lọc trong việc tuyển chọn nhân sự ở các vị trí chủ chốt của Hệ phái; tăng cường việc thuyết pháp, chia sẻ giáo lý và Chơn lý vào các dịp lễ; mở rộng phạm vi hoạt động của các vị Trụ trì; nghiên cứu phát triển Phật giáo Khất sĩ ở các vùng ít hoặc chưa có Phật giáo Khất sĩ; lưu tâm củng cố Phật giáo Khất sĩ ở hải ngoại. Bên cạnh đó, Thượng tọa cũng cho rằng, việc chuẩn hóa các mô hình để nhận diện HPKS cũng là điều đáng lưu tâm, như việc chuẩn hóa về mô hình tịnh xá, hệ thống tượng Phật và cung cách bài trí thờ phượng, hay sự thống nhất về các biểu tượng, nghi thức tụng niệm, nghi lễ, pháp phục và bản kinh…
Thượng tọa khẳng định: “Phật giáo Khất sĩ hình thành gần 80 năm qua. Dẫu rằng thời cuộc, xã hội con người thời ấy và bây giờ không giống nhau, nên pháp hành của người con Khất sĩ cũng tùy duyên thuận pháp, không thể y như xưa. Cố nhiên, chắc chắn vẫn còn có Tăng Ni giữ gìn giáo pháp, tuy nhập thế hoằng pháp độ sanh, nhưng vẫn ẩn mật tu hành. Để góp phần làm cho giáo pháp trường tồn, Phật giáo Khất sĩ vững mạnh, phổ độ chúng sanh, ngoài việc tinh tấn hành trì giáo pháp, còn rất cần nhận thức với chánh niệm thường trực các pháp, nói cách khác là quán chiếu (nội quán và ngoại quán) luôn được thực tập tinh tấn, tự mình thực hành trước, làm gương cho người, cho đời”.
*****
Thuộc khuôn khổ Khóa BDTT 2024 ngày thứ 6, dưới sự chứng minh của HT.Giác Pháp – Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Nghi lễ TƯGH, Phó Thường trực Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Tri sự trưởng GĐ.V; cùng chư Tôn đức lãnh đạo HPKS, Quỹ Pháp học Khất sĩ và Quỹ Phật sự Khất sĩ cũng đã có báo cáo sơ lược về tình hình hoạt động thời gian vừa qua (2023-2024), với những việc làm ý nghĩa được thực hiện thông qua các Quỹ. Quỹ Pháp học Khất sĩ và Quỹ Phật sự Khất sĩ được thành lập là sự chung tay đóng góp của chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử trực thuộc HPKS, cũng như các mạnh thường quân trong và ngoài nước, nhằm hỗ trợ kịp thời và kiện toàn cho một số công tác Phật sự của Hệ phái, cũng như góp phần hỗ trợ, khuyến khích tinh thần học tập tiến tu của chư Tăng Ni HPKS.
Một số hình ảnh được ghi nhận: