Kho tàng tâm thức
Tâm ta ví như đất nên được gọi là Tâm Địa, ở đó có đủ các hạt giống tốt xấu. Khi hạt giống nào được tiếp xúc thường xuyên, chúng nổi lên bề mặt nên dễ nhớ dễ tìm. Các hạt giống nào bị lãng quên, chúng nằm sâu bên dưới. Tâm ta luôn cuộn xoáy và các hạt giống thay nhau chìm nổi kể cả khi ta ngủ. Khi ta nhớ về một việc gì, tâm sẽ liên tục đào bới cho đến khi tìm gặp mới thôi.
Khi tâm trở nên rộng lớn, nó lớn đến nỗi không có vật nào có thể nằm ngoài nó. Khi tâm nhỏ nhé, nó nhỏ đến nỗi không có vật nào vào được bên trong nó. Tâm ôm ấp mọi sự việc trong đời, kiếp này kiếp trước và nơi lưu giữ những ký ức đó gọi là Tàng thức (tức là kho tàng tâm thức). Người không tu hành thì tàng thức hỗn tạp nên sinh ra nhiều tạp niệm, chúng luôn quấy rối họ kể cả trong giấc ngủ.
Trong Duy thức học, Tàng thức còn gọi là A Lại Gia thức, là thức số 8 đứng sau Ngã thức. Khi sự vật nào đó xuất hiện trong Tàng thức, Ngã thức lập tức bám theo để tư duy, phân biệt, chấp ngã.
Khi ta tiếp xúc với hạt giống tích cực, ngã thức sẽ phân biệt đưa đến cảm giác hạnh phúc, khi tiếp xúc với hạt giống tiêu cực ta sẽ có cảm giác đau khổ. Nhưng dù là hạnh phúc hay đau khổ tất cả cũng đều vô thường, chúng rồi sẽ qua nhanh như giấc mộng.
Người tu hành cần buông bỏ, không chạy theo Ngã thức để cho Tàng thức trở nên thanh tịnh, rỗng lặng.