Khổ đâu giác đó!

Trí tuệ từ sự thực chứng mới là ngọn đèn không bao giờ tắt. Khi biết quay về ngay thân tâm mình mà tu tập, quán chiếu, khi ấy, mới có thể làm chủ cuộc đời, làm chủ nghiệp, làm chủ sinh tử…bằng trí tuệ giác ngộ mà không còn bị động vào điều gì bên ngoài thân tâm này nữa.

 

445740359_1211567113532559_5994815112220212699_n

Làm chủ tâm mình

Nghiệp từ thân, khẩu, ý mà sanh

Phước cũng từ thân, khẩu, ý mà khởi

Năm nhóm ngăn che: Sắc, Thọ, tưởng, hành, thức ở ngay cơ thể này mà tạo tác luân hồi

Bốn nơi quán niệm: Thân, Thọ, Tâm, Pháp cũng từ đây mà tỉnh giác

Sáu nguồn tương tác: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng không ngoài chính mình mà tạo nên các sự kết nối với trần cảnh.

Những niệm nghĩ suy thiện ác, tốt xấu. Những trạng thái tâm tham, sân, si, vui, buồn, thương, ghét…cũng từ thân tâm này mà khởi sinh.

Vậy sao cứ đi tìm giáo pháp nơi những lý thuyết bên ngoài để mong giác ngộ giải thoát?!

Điều đó, cũng giống như một người cầm đèn pin đi đường, con đường thì sáng mà mình vẫn ở trong tối. Khi đèn tắt đi, thì vẫn mù mịt chẳng biết ngõ nào mà bước.

Chân lý thì ở bên trong mỗi người và ở khắp mọi nơi nên không bao giờ mất. Nhưng khi người giác ngộ chân lý không còn thì giáo pháp chỉ được diễn bày qua những tư duy, khái niệm và kinh nghiệm của mỗi người. Nó chỉ như ánh sáng tạm thời của cây đèn pin.

Trí tuệ từ sự thực chứng mới là ngọn đèn không bao giờ tắt. Khi biết quay về ngay thân tâm mình mà tu tập, quán chiếu, khi ấy mới có thể làm chủ cuộc đời, làm chủ nghiệp, làm chủ sinh tử…bằng trí tuệ giác ngộ mà không còn bị động vào điều gì bên ngoài thân tâm này nữa.

Còn không, thì cũng chỉ là sự lặp đi lặp lại của những âm thanh rao giảng về chân lý mà không biết chân lý nó thực sự ở đâu.

Sư cô Trúc Lan Nhã