Khi nào ta biết mình tiến tu và đi sâu vào tâm linh?
Cái khó của việc tu học là áp dụng được những điều ta nghe, học, ngộ – từng bước nhỏ nhất nhưng đầy thực tế – vào công việc và cuộc sống thường ngày của mình. Khi ta biến tu học thành chất liệu cuộc sống của chính mình, ta mới thực sự bước những bước đi của một hành giả.
Người học đạo rất dễ bị cuốn sâu vào việc nghe pháp thấy hay hoặc đủ duyên chứng nghiệm được một vài lần trạng thái tỉnh thức, rỗng lặng thì liền hoặc là tìm kiếm bằng được để tiếp tục về lại trạng thái đặc biệt đó, hoặc là ưa thích đem ra để bàn luận, kể lể về nó.
https://gamesnacks.com/embed/autogames-lab/carousel-play-button?wpc=ca-pub-3182575329293076&url=https%3A%2F%2Fphatgiao.org.vn%2Fkhi-nao-ta-biet-minh-tien-tu-va-di-sau-vao-tam-linh-d89099.html&eids=95344402&utm_source=autogames-carousel
Hoặc ngược lại, có người lại vì chưa thực sự trải nghiệm nên không có niềm tin vào sự màu nhiệm nhưng vô cùng giản đơn của Đạo.
Hoặc cũng có những trường hợp đã ứng dụng và có những trải nghiệm nhất định, nhưng lại bị kẹt vào hình tướng tu tập. Ví như khi ngồi thiền, tụng kinh, trong các khóa thiền, khi nhập thất, một mình thì rất tĩnh lặng, an lạc nhưng quay lại tương tác trong cuộc sống thì vẫn còn những sự va chạm hoặc những khoảng hụt hẫng trống vắng. Bởi vậy mà các thói quen mà mình từng vướng mắc thường nhật chưa có nhiều thay đổi, dù đó là bối cảnh tại gia hay xuất gia.
Có những người khá hơn, đã ứng dụng tu học vào cuộc sống và gỡ được nhiều nút thắt, đạt được một chút thành tựu. Nhưng khi đi sâu vào đối diện với những thói quen sâu dày hơn, hoàn cảnh khó khăn, tâm vi tế hơn thì lại bị lung lay, mất định hướng vì không thấy phương tiện hữu hình để nương tựa và vẫn bị cuốn theo bởi những ý niệm bên trong hay đối tượng bên ngoài tâm. Thực chất là do họ chưa có đủ niềm tin, sự kiên nhẫn, bao dung, chân thật để tiến thẳng và sâu vào hành trình…
Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa mà tự mỗi người sẽ đủ duyên để thấy ra…
Như vậy, hành giả có thể bị kẹt lại ở bất cứ một giai đoạn nào trên hành trình tu tập, nếu ta chưa thực sự liên tục trọn vẹn nhận biết.
Khi đó, ta chưa tự có được cái nhìn và tư duy đúng đắn, chưa thực rõ ràng về pháp môn mình đang thực hành tu tập – như ta vẫn tưởng. Vì thế mà đôi khi ta có thể thuộc lòng và lặp lại lời Phật, lời Kinh, lời Thầy, có thể phân tích giáo lý, miêu tả về pháp môn, về tánh Phật một cách rành mạch, nhưng tới khi ứng dụng vào thực tế, tự đi trên đoạn đường cuộc đời của chính mình, ta bị vướng mà đôi khi không tự nhận ra là mình đang vướng.
Ai cũng có thể bị mắc lại ở một đoạn nào đó trên con đường này. Nhưng ta yên tâm rằng, ta chững lại không có nghĩa là ta sẽ dừng lại luôn ở đoạn mắc đó mà không tiếp tục tiến tới.
Thời bình dị nhất đang thực diễn ra mỗi giây mỗi phút trong ta và quanh ta, chứ không phải chỉ trọn vẹn ở phạm vi những điều vui thú hay buồn khổ mà tâm ta chủ động hoặc vô thức hướng tới.
Nhờ vậy, ta lấy lại được cái nhìn bao quát toàn cảnh và quay trở về sống sâu hơn với tâm nhận biết trọn vẹn.
Mỗi giai đoạn của tu tập, của trạng thái tâm có thể kéo dài 1 đời, 1 năm, 1 tháng, 1 tuần, 1 ngày hay cũng có thể chỉ là 1 phút, 1 giây, 1 khoảnh khắc, tùy vào căn cơ, sự mở lòng và miên mật nhận biết của hành giả.
Con đường tâm linh không tách rời khỏi cuộc sống thường nhật
Thước đo của việc tu học không đến từ việc ta chứng quả vị nào, ta nhìn thấy Phật hay chưa, ta rõ kiếp trước hay tương lai ra sao, ta bất động hay không…
Ngay cả khi ta thấy “bình an” trước những ngọn sóng lớn, thì điều đó cũng là một bước tiến đáng để ghi nhận và đủ để ta vững bước trong cuộc đời. Tâm bình an cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc giúp ta tiến tu. Tuy nhiên, tận sâu thẳm thì điều đó vẫn chưa chạm được tới cốt lõi của Đạo và chưa thực nói lên được điều gì về kết quả tu học của một hành giả thiền.
Có những mảnh tâm rất vi tế, như là ta trốn vào trạng thái “bình an” và đóng hết tiếp xúc với hiện thực có chút gai góc đang diễn ra. Hoặc ta hướng tâm tận hưởng việc đạt được một thành quả nào đó tốt đẹp, nhưng ẩn sâu lại là lẩn tránh hoặc quên mất những điều còn lại… Rõ ràng là ta vẫn đang “tự dối lòng”, ta chưa thực hoàn toàn hiện hữu.
Vì cuộc sống của ta vốn là một bức tranh đa chiều và muôn màu được ghép lại từ nhiều mảnh nhỏ đầy sắc thái, chứ không phải là một khối lớn chỉ toàn điều tích cực hay tiêu cực, nên chính những góc nhìn còn chưa thấu đáo sẽ là trở ngại ngăn ta đi tới tận cùng con đường soi sáng từng ngóc ngách thế giới nội tâm của mình, cũng là cánh cửa mở ra hòa với muôn loài.
Đạo vốn không rời xa cuộc đời. Bởi vậy, thước đo duy nhất và thực tế nhất cho việc tu học của ta cũng ngay chính nơi cuộc đời mà ta đang sống, bất kể ta ở trong bối cảnh nào và mang hình tướng gì.
Có thể trên hành trình tu học, ta chưa đủ duyên thay đổi ngay lập tức hoàn cảnh gia đình, công việc, môi trường của ta hay ngay lập tức hiển lộ trí tuệ to lớn để đóng góp cho cộng đồng, nhưng ta có thể nhìn vào những bước tiến nhỏ nhất thể hiện ngay nơi thái độ sống của ta để xây đắp thêm niềm tin trên con đường tu trong cuộc đời này.
Những điều đơn giản đó đôi khi chỉ là mỗi ngày ta đồng cảm hơn được với chính mình và những người xung quanh và tự động biến nó thành những hành động, lời nói, cử chỉ, suy nghĩ… ôn hòa hơn với mình và người.
Những cảm xúc mạnh trong ta, bất kể là vui – buồn hay thương – ghét… mỗi ngày một dịu êm hơn, không còn là những cơn sóng mãnh liệt cuồn cuộn trong lòng như những ngày đầu ta mới thấy chúng nữa.
Ta dần buông bớt những lựa chọn, lấy bỏ, dù cho đó là việc nhỏ nhất như là chọn lấy cho mình một miếng ăn thật ngon trong khay thức ăn đang chờ chia cho mọi người, hay đó là một việc lớn hơn là bằng mọi giá ta phải có được con người này, học vị này, vật chất này… thì cuộc đời ta mới có sự bảo đảm. Hay ngược lại, là ta buộc phải né tránh hay loại bỏ bất cứ điều gì thì ta mới có được bình an.
Thay vì sống trong thế giới của tâm trí và cảm xúc, ta bước ra ngoài hiện thực, tiếp xúc nhiều hơn với hiện tại đang là, với những điều kiện sẵn có của cuộc sống như thân thể của chính mình, thiên nhiên, một tách trà, một cuốn sách, một bộ môn thể thao hoặc hoạt động yêu thích, từng cơn gió thoảng qua mát mẻ, êm dịu…
Một cách tự nhiên, ta trọn vẹn hơn với từng hơi thở, từng hành động, từng bước chân, từng ý niệm… Vì vậy, ta nhận biết bản thân ngày một thấu suốt hơn.
Dần dần, ta rõ ràng hơn từng tương tác của ta với người và với chính mình. Ta cảm nhận rõ những tập khí, những sợi dây trói buộc trong mình tự động rơi rụng xuống và cái biết thì ngày càng sáng ngời, rỗng lặng. Là sự tĩnh lặng nhưng tròn đầy nhận biết, chứ không phải sự tĩnh lặng có được do ẩn náu hay né tránh.
Ta trân trọng cả những công việc giản đơn như hít thở, quét nhà, dọn vệ sinh, ngồi tĩnh lặng ngắm trời mây… Vì ta biết, ngay nơi những điều giản đơn đó, ta có cơ hội thấy ra chính mình, hoặc ngay trong khi ta thong thả và tưởng chừng như không làm gì, ta cũng mang lại sự an vui cho ai đó có duyên gặp gỡ ta hay ai đó dù không hiện hình tướng nhưng vẫn luôn có ở trong ta.
Bất kể khi ta làm những việc mình đã thuần thục hay còn lạ lẫm, từng nghĩ rằng đó là điều lớn lao hay vô ích, từng khao khát hay chối bỏ… thì điều quan trọng hơn không phải là ta đang làm gì, mà là những dòng cảm xúc, suy nghĩ, kỳ vọng, phán xét, hơn thua…, những tâm ý kèm theo công việc đó mỗi lúc một giảm dần cho tới khi vắng bặt. Chúng không còn cuộn lên từng dòng mãnh liệt hay thậm chí lăn tăn nơi lồng ngực, nơi cổ họng, nơi đầu óc, thay vào đó là làm trong trạng thái thân tĩnh, tâm an… Đó mới là khi ta thực sự làm với tâm không.
Ngay đó, ta biết chắc chắn mình tiến tu trong từng khoảnh khắc và đơn giản tiếp tục bước đi mà không còn đắn đo, phân tích, suy nghĩ hay lý luận về bất cứ điều gì…
Chính những tích lũy tưởng chừng như nhỏ bé này chắc chắn sẽ mang tới cho ta thành tựu, khi ta không ngờ đến nhất, khi mà mọi nhân duyên đủ chín muồi và khi ta cần dùng đến.
Khi vững từng bước tiến chậm rãi nhưng đầy trọn vẹn như vậy, thì việc ta đạt được gì, ta ở đâu, ai đối xử với ta thế nào, điều kiện vật chất, kiến thức… ra sao, không còn quan trọng. Mà điều quan trọng là mỗi ngày ta càng miên mật hơn và đã biết bảo hộ ngay nơi các giác quan tiếp xúc các cảnh, giữ gìn tâm nhận biết quý báu, để mỗi bước tiến gần hơn tới trạng thái hoàn toàn nhận biết sáng ngời và đầy tự do.
Ngay đó, ta tự động tùy thuận được với mọi sự vô thường và mọi duyên đến đi, dù đó là cảnh vô thường, thân vô thường hay nhỏ nhiệm hơn là tâm vô thường.
Dù đó là bình an hay đau khổ, ta thấy, biết liền buông. Ta buông sự níu kéo nơi tâm, để không bỏ qua bất kỳ điều gì đang hiện diện. Việc ta cần làm duy nhất là Trọn vẹn nhận biết. Vì ta hiểu rõ mọi thứ biểu hiện đều là do đủ duyên hợp lại. Mà những duyên đó chỉ có mặt ở ngay khoảnh khắc đó. Mỗi khoảnh khắc là những nhân duyên khác nhau, tạo nên những dòng tâm hành, hoàn cảnh và con người khác nhau…
Khi đó, ta không còn thắc mắc, không cần ai công nhận, không còn mong muốn tìm cầu cũng như diễn giải về cái ngộ nơi tu tập cũng như những được mất nơi thế gian. Vì ta đã vững tin hơn với năng lực nhận biết nơi chính mình.
Ở đó, ta đã rõ mình thật là ai, rõ đâu là cái thường hằng luôn tồn tại và đơn giản là tiếp tục sống trọn vẹn, viên mãn với chính cái ta chân thật đó. Ta không còn tìm cầu những điều bí ẩn, cao siêu trong Phật pháp, thay vào đó, ta thấy rõ sự nhiệm màu mà đầy thực tế trong chính những điều giản đơn, nhỏ bé nhất hàng ngày.
Ngay đó, ta rõ biết, việc cần làm vẫn đang làm và tiến tới đã làm, những việc còn lại sẽ tự khắc được sắp xếp vẹn toàn đúng theo điều kiện sẵn có của nó.
Sư cô Tịnh Viên