Khi “kiếp luân hồi” được ánh sáng của khoa học soi rọi
Cuốn sách “Những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp” được Tiến sĩ Ian Pretyman Stevenson – một bác sĩ tâm thần người Canada viết.
Ông được biết đến với nghiên cứu về các trường hợp mà ông coi là bằng chứng về sự luân hồi, với ý tưởng rằng cảm xúc, ký ức và thậm chí cả các đặc điểm cơ thể có thể được chuyển từ kiếp này sang kiếp khác.
Trong khoảng thời gian 40 năm nghiên cứu thực địa quốc tế, Tiến sĩ Stevenson đã tìm hiểu và xác minh gần 3.000 trường hợp trẻ em có ký ức về những trải nghiệm ở kiếp trước. “Những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp” (tựa gốc: “Children who remember previous lives”) là cuốn sách tóm tắt công trình nghiên cứu nổi tiếng này của ông.
Điều đáng nói, tuy viết về đề tài gây nhiều tranh cãi, được cho là “phản khoa học”, nhưng công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Stevenson lại được rất nhiều nhà khoa học khác công nhận và kiểm chứng cẩn thận. Đa số họ đều đồng ý rằng ông đã “mở ra một chân trời mới về con người qua những diễn biến không gian và thời gian trong cuốn sách”.
Dưới ngòi bút sắc bén và đầy thận trọng của Tiến sĩ Stevenson, “Những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp” không mang màu sắc huyền bí hay mê tín dị đoan như những cuốn sách viết về chủ đề luân hồi chuyển kiếp thường thấy. Có lẽ vì bản thân tác giả là một nhà khoa học nên ông viết về đề tài siêu linh này theo cách rất khoa học và khách quan.
Bạn đọc dễ dàng thấy điều này ngay từ chương đầu tiên của cuốn sách, khi Tiến sĩ Stevenson dành nhiều công sức để khái quát một cách dễ hiểu nhất những thuật ngữ được ông sử dụng để mô tả các trường hợp luân hồi như: tính cách tiền kiếp, ký ức hành vi, hay hiện tượng siêu linh…
Chương hai cuốn sách phô bày trọn vẹn những niềm tin phổ biến về luân hồi, cho thấy hiện tượng siêu linh này vốn xuất hiện ở nhiều nền văn hóa khác nhau và được đón nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tác giả cũng khẩn khoản mong người đọc, đa số là độc giả phương Tây, tạm thời gác bỏ thành kiến không tin vào luân hồi để quan sát thật kỹ những phân tích và bằng chứng khoa học được ông làm rõ trong chương ba của cuốn sách.
Chương này cũng lý giải tại sao Tiến sĩ Stevenson lại đánh giá thấp hầu hết các loại bằng chứng về luân hồi như: thuật thôi miên hồi quy, đọc và đoán chuyện tiền kiếp, sử dụng thuốc gây ảo giác LSD,… ngoại trừ những bằng chứng được cung cấp bởi những đứa trẻ khẳng định nhớ chuyện tiền kiếp.
Để từ đó, tác giả đã chọn lọc ra 14 câu chuyện điển hình đại diện cho chín nền văn hóa khác nhau trên thế giới nhằm giúp sửa chữa niềm tin rằng hiện tượng luân hồi chỉ xảy ra ở các tín đồ Phật giáo và Hindu giáo. Mỗi chủ thể trong câu chuyện là một đứa trẻ. Các em lần đầu tiên nói về ký ức tiền kiếp ở độ tuổi khá nhỏ, khoảng hai hay ba tuổi, khi mà tâm trí chưa tiếp nhận thông tin về người đã khuất (tức kiếp trước của mình) thông qua các kênh thông thường.
Bên cạnh đó, công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Stevenson còn đưa ra một cái nhìn tổng quan về niềm tin vào các định luật của vũ trụ với bằng chứng về sự tái sinh qua những dữ kiện chính xác đã được kiểm chứng cẩn thận. Ngoài yếu tố di truyền, ông tin rằng hiện tượng luân hồi cũng có thể được xem như một cách lý giải khả dĩ cho những hiện tượng siêu linh bí ẩn chưa có lời giải đáp trong y học và tâm lý học như các vết bớt, dị tật bẩm sinh…
Khép lại cuốn sách “Những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp”, tác giả hy vọng mọi người sẽ có quan điểm cởi mở hơn về hiện tượng đầu thai chuyển kiếp. Cuốn sách là một nỗ lực đáng trân trọng của Tiến sĩ Stevenson trong việc dẫn dắt người đọc khám phá thế giới tái sinh luân hồi bí ẩn dưới sự soi rọi của ánh sáng khoa học văn minh.
“Đây là một quyển sách được trình bày một cách khoa học dựa trên bốn mươi năm nghiên cứu của tác giả. Ông đã lắng nghe, ghi nhận, kiểm chứng và dựa vào những lý luận và phương pháp khoa học để xua tan những quan niệm sai lầm phổ biến về cái chết. Nó cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng quan về niềm tin vào các định luật của vũ trụ với bằng chứng về sự tái sinh qua những dữ kiện chính xác đã được kiểm chứng cẩn thận bởi những khoa học gia khác…” – lời giới thiệu của Giáo sư John Vu.
Minh Minh