Khi cái tôi bị khuấy động

Khi cái tôi bị khuấy động

 Trong rất nhiều tình huống của cuộc sống, bản ngã luôn có cách để hiện diện và thách thức. Bài học đơn giản vẫn là tập buông bỏ. Buông đến mức tối giản chỉ với một câu hỏi: Nếu phải bỏ hết tất cả, chỉ giữ lại một thứ, thì giữ lại điều gì?

 

Justin là một người bạn tôi tình cờ quen biết khi tham gia một khóa thiền buổi sáng tại Mỹ. Tuy không chuyện trò nhiều, nhưng giữa anh ấy và tôi có thể đồng cảm gật gù trong nhiều việc. Tôi nhớ hôm ấy, anh là người duy nhất bắt chuyện với tôi trong giờ nghỉ giải lao. Đa số đều giữ yên lặng, ăn bánh uống trà trong chánh niệm, hoặc thì thầm với người bạn đi chung. Riêng tôi đi một mình, lại là người châu Á duy nhất của ngày hôm đó. Justin có lẽ vì vậy mà đến bắt chuyện làm quen. Tôi thấy cảm kích về điều đó vì kỳ thực tôi cũng muốn hiểu thêm đôi chút về tư duy đạo Phật của người Mỹ.

Justin là một kiểu người mà tôi ắt phải gặp. Như những kẻ có chút tu tập thì phải thấy nhau. Anh sinh ra trong một gia đình rất khá giả có truyền thống Kitô giáo nghiêm ngặt từ đời ông bà trở về trước, nhưng đến đời cha mẹ anh thì họ phá rào hơn, cũng theo Kitô giáo nhưng linh hoạt dễ tính, cho phép con cái tự do tín ngưỡng riêng.

Justin hồi trẻ cũng từng đi nhà thờ, sau đó thì dần dần bỏ hẳn khi bước vào đại học, rồi tình cờ phát hiện ra Phật giáo và gắn bó trong nhiều năm. Cho đến thời điểm anh bước sang tuổi 30, đứng trước bước ngoặt phải về tiếp quản cơ ngơi làm ăn kinh doanh của gia đình, anh đã quyết định từ chối, chỉ làm một công việc đơn giản nhất để duy trì cuộc sống, dành thời gian để đi lang thang và học đạo. Kể đến đây, anh đùa: “Bạn biết đó, cái này tôi học từ Đức Phật. Ngài đã từ bỏ cả một vương quốc và gia đình từ tuổi còn rất trẻ, tôi thì có hơi muộn nhỉ? Bằng tuổi tôi thì Ngài đã thành đạo. Tôi mà làm sớm thì… ai mà biết được!”.

Anh khoe với tôi đã đến rất nhiều nước châu Á để tìm hiểu về Phật giáo, tuy nhiên vẫn chưa có dịp thăm Việt Nam. Tôi nói, nếu sau này đủ duyên đến nước tôi, tôi sẽ đưa anh tham quan những ngôi chùa đẹp nhất.

Phật giáo là lối sống với nhiều người ở phương Tây - Ảnh: Xuphu
Phật giáo là lối sống với nhiều người ở phương Tây – Ảnh: Xuphu

Có khá nhiều điểm chung giữa chúng tôi khi trò chuyện, nhưng lớn nhất đó chính là làm thế nào để thương lượng với cái tôi khi nó… lên cơn. Chúng tôi đồng tình với nhau rằng, rất khó để kiểm soát (control), chỉ có thể tìm cách xử lý (deal). Trong quá trình tu tập, chúng tôi cố gắng thực hành nhiều chuyện, nhưng tập dẹp bỏ cái tôi sang một bên, làm cho cái tôi càng ngày càng nhỏ đi là điều mà chúng tôi tập trung hơn cả. Bởi bản ngã càng lớn thì càng sinh chuyện. Có lẽ đây chính là mấu chốt mà chúng tôi có thể trò chuyện.

Justin nói: “Thách thức lớn nhất là khi cái tôi bị khuấy động bởi sự tấn công mà thoạt nhìn là từ bên ngoài, nhưng nhìn sâu là vẫn là từ bên trong”. Anh kể, một lần khi tham dự một bữa tiệc họp mặt bạn bè cũ, anh thấy ai cũng thành đạt, hoặc có gia đình ổn định, trong anh bỗng thấy chộn rộn. Trong khi trao đổi qua lại, bỗng có một người bạn trêu chọc anh: “Mày thì sao Justin, vẫn là một thằng đi lang thang đấy hử?”. Khi nghe câu đó, anh cảm thấy máu dồn lên mặt, đầu óc nóng bừng, cố gắng kiềm chế cơn giận bằng cách giả bộ cười rồi bỏ đi chỗ khác. Nhưng câu nói của người bạn thì cứ vang trong đầu anh nhiều ngày liền. Nó làm anh xao động. Nó muốn anh phải lập tức đến công ty gia đình làm việc, chứng minh cho bạn bè thấy năng lực của mình.

Trong lúc nhận ra bản thân đang bị lời nói của người bạn cuốn đi, Justin đã đi lang thang vào rừng nhiều giờ liền, và nhận ra rằng cái tôi muốn thể hiện của mình vẫn còn ẩn nấp vi tế tận sâu bên trong. Anh cứ tưởng bấy lâu nay tu tập là nó gần như mất đi. Anh cứ tưởng mình không còn ham muốn hư danh. Nhưng không, cái tôi nó vẫn còn đó, to tướng và nguy hiểm. Khi nhận ra, Justin thấy hết bị ám ảnh về lời nói của người bạn. Anh ta không có lỗi. Anh ta chỉ là người nói cho Justin biết rằng mình cần phải tu tập nhiều hơn nữa.

Tôi cũng kể cho Justin nghe câu chuyện của mình. Tôi từ lâu tu tập theo lối sống tối giản, mọi thứ đều ở mức ít nhất có thể, từ chuyện ăn uống, trang phục, nhà cửa, bạn bè, vv… Rất nhiều năm như vậy, tôi tự thấy yêu bản thân mình với lối sống đó, thấy dễ chịu và đôi chút tự hào. Thoạt đầu cũng không hề dễ dàng gì. Nhưng từng ngày từng chút một, tôi khá hơn và rồi tôi nhận ra rằng nhiều người xung quanh mình đã nhìn thấy một tôi như thế.

Vậy mà có một lần, tình cờ gặp lại một người bạn cũ, cô ấy thốt lên: “Trời đất ơi, sao dạo này ăn mặc gì quê mùa vậy?”. Có một câu nói đó thôi mà tôi đã muốn điên lên trong lòng. Tôi nhận ra cái tôi ẩn sâu bên trong đang chiếm thế thượng phong. Cái bản ngã muốn được đẹp, được khen ngợi, được hơn người, được công nhận… vẫn luôn tồn tại trong bản thân mình. Những cái gọi là sống đơn giản chẳng qua chỉ là vỏ bọc bên ngoài, một kiểu thời thượng trào lưu, một kiểu thể hiện bản thân mình ở một dạng khác chứ chẳng phải là tu tập thực sự.

Justin sinh ra trong một gia đình rất khá giả có truyền thống Kitô giáo nghiêm ngặt từ đời ông bà trở về trước, nhưng đến đời của cha mẹ của anh thì họ phá rào hơn, cũng theo Kitô giáo nhưng linh hoạt dễ tính, cho phép con cái tự do tín ngưỡng riêng. Justin hồi trẻ cũng từng đi nhà thờ, sau đó thì dần dần bỏ hẳn khi bước vào đại học, rồi tình cờ phát hiện ra Phật giáo và gắn bó trong nhiều năm. Cho đến thời điểm anh bước sang tuổi 30, đứng trước bước ngoặt phải về tiếp quản cơ ngơi làm ăn kinh doanh của gia đình, anh đã quyết định từ chối, chỉ làm một công việc đơn giản nhất để duy trì cuộc sống, dành thời gian để đi lang thang và học đạo. Kể đến đây, anh đùa: “Bạn biết đó, cái này tôi học từ Đức Phật. Ngài đã từ bỏ cả một vương quốc và gia đình từ tuổi còn rất trẻ, tôi thì có hơi muộn nhỉ? Bằng tuổi tôi thì Ngài đã thành đạo. Tôi mà làm sớm thì… ai mà biết được!”.

Trong quá trình thực tập, bất cứ lúc nào cái tôi cũng là hạn chế. Từ người học trò non nớt thì cái tôi sẽ thường xuyên là trở ngại, cho đến những người thực hành lâu năm thì thỉnh thoảng cái tôi cũng bị khuấy động đến điên đảo. Đó là những lúc đứng trước so sánh thường tình trong cõi Ta-bà này gồm những khổ đau-hạnh phúc, của xấu-đẹp, của nghèo-giàu, của đói nghèo-dư dả, của kẻ dưới-người trên… Những khoảnh khắc như thế mới thấy việc tu tập là quá khó khăn và phải thật sự có ý chí và hạnh nguyện lớn mới có thể vượt qua được để tiếp tục tinh tấn trên con đường học đạo.

Trong rất nhiều tình huống của cuộc sống, bản ngã luôn có cách để hiện diện và thách thức. Bài học đơn giản vẫn là buông bỏ. Buông đến mức tối giản chỉ với một câu hỏi: “Nếu phải bỏ hết tất cả, chỉ giữ lại một thứ, thì giữ lại điều gì?”. Nó không nhất thiết phải theo suy nghĩ truyền thống như gia đình, công việc, sự nghiệp, gia tài… vốn là những hạng mục được liệt vào danh sách tối quan trọng, mà đôi khi đó là những thứ rất nhỏ nhặt nhưng bạn lại thấy nó có giá trị tinh thần nhất với bạn. Đôi khi, câu hỏi này có thể được áp dụng vào từng thời điểm, từng khoảnh khắc, không nhất thiết phải là một câu hỏi cho một cuộc đời dài bất tận. Bởi cuộc sống giá trị ở những khoảnh khắc. Đó là những phút giây hạnh ngộ. Thí dụ, hôm nào đó, bạn quá mệt mỏi với công việc, đầu óc nhức ong ong, bạn chỉ muốn vứt hết mọi thứ. Lúc này, bạn hãy đặt ra câu hỏi này cho mình: “Nếu phải bỏ hết mọi thứ và chỉ giữ lại một thứ vào ngay lúc này đây, bạn sẽ chọn điều gì?”. Với bạn, có thể đó là được ăn món ăn ngon nhất do mẹ nấu là đủ. Với tôi, thực tế đã có những ngày như vậy. Tôi vứt hết, rời cuộc họp, tắt điện thoại, đóng cửa phòng, ôm tọa cụ ra ban công ngồi thiền. Hôm trước, Justin gọi cho tôi, hỏi tôi rằng lúc ở trong đỉnh dịch, nếu phải bỏ hết và chỉ giữ lại một thứ thì cô chọn cái nào. Tôi nói tôi chọn được về Việt Nam. Justin nói anh ấy muốn được ngồi tọa thiền bên cạnh chú mèo cưng, ngồi lâu tới mức khi mở mắt ra là hết dịch.

Câu trả lời của Justin làm tôi liên tưởng đến sự ra đi vĩ đại của Đức Phật. Ngài đã từ bỏ tất cả chỉ chọn một con ngựa đi cùng, rồi cũng chia tay, Ngài một mình trên con đường tu trải qua các cung bậc khổ hạnh, cuối cùng là trung đạo.

Bài học vừa gần gũi vừa lớn lao mà Phật tử nào cũng được học từ thời Oanh vũ. Điều đó nhắc nhở rằng, những lúc cái tôi bị phiền nhiễu bởi cuộc sống bên ngoài, điều truyền thống đơn giản của những người Phật tử là quán tưởng hình ảnh Đức Phật, nhớ nghĩ về cuộc đời của Ngài, niệm danh hiệu Ngài để tâm được neo đậu.