Khẩu nghiệp ác rất khó chữa trị
Kinh Phật có cụm từ “binh khí miệng lưỡi” nghe rất ấn tượng. Nhân loại sở hữu một thứ vũ khí có sức sát thương cao, tàn phá khủng khiếp mà không phải cung kiếm hay bom đạn, đó chính là lời nói ác.
Họ thường đem lời nói xấu ác để làm khổ, hành hạ lẫn nhau, khiến cho người ngoài đến cả người thân đều bị đau khổ, ảnh hưởng nặng nề.
Khẩu nghiệp, chính xác là khẩu nghiệp ác, gồm: Nói dối, nói thô ác, nói chia rẽ, nói dua nịnh. Nói dối là nói sai sự thật. Nói thô ác là nói thô tục, chửi bới, nguyền rủa. Nói chia rẽ là nói ra nhằm ly gián, gây mất đoàn kết, khiến hai bên sinh oán thù. Nói dua nịnh là tìm mọi cách khiến người nghe xiêu lòng, cốt để lợi mình mà hại người. Theo Thế Tôn, trong năm hạng người không thể chữa trị ở thế gian thì có loại người thường tạo nghiệp ác khẩu.
“Một thời, Đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Có năm hạng người không thể chữa trị. Sao gọi là năm? Người dua nịnh không thể chữa trị. Người gian tà không thể chữa trị. Người ác khẩu không thể chữa trị. Người ganh ghét không thể chữa trị. Người không báo đáp không thể chữa trị. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm hạng người này không thể chữa trị.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Người gian tà, ác khẩu
Ganh ghét, không báo đáp
Người này không thể chữa
Bị người trí bỏ rơi.
– Cho nên, các Tỳ-kheo, thường xuyên hãy học ý chánh, trừ bỏ ganh ghét, tu tập oai nghi, nói năng như pháp, phải biết báo đáp, biết ân nuôi dưỡng kia, ân nhỏ còn không quên huống gì ân lớn. Chớ ôm lòng tham lam bủn xỉn, cũng không tự khen mình, cũng không khinh chê người. Các Tỳ-kheo, hãy học điều như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, chương Năm pháp, phẩm 34 Đẳng kiến, kinh số 7)
Ngày xưa, người mang khẩu nghiệp ác chỉ gây đau khổ cho những người xung quanh. Ngày nay, nhân loại được hỗ trợ các phương tiện truyền thông hiện đại nên loại “binh khí miệng lưỡi” này càng phát huy tác dụng tàn phá, hủy diệt toàn diện, đối thủ không nơi ẩn nấp, không thể né tránh.
Vấn đề là tại sao Đức Phật xem hạng người tạo nghiệp ác khẩu lại không thể chữa trị? Có thể nói đây là căn bệnh trầm kha của chúng sinh. Người thường nói ra lời xấu thì ngay nơi tâm của họ rất ác nhưng bản thân lại hiếm khi nhận ra sự thật này. Lại chủ quan hơn khi họ thường cho rằng, chỉ nói thôi chứ đã làm gì đâu. Mà thực ra, những lời cay độc đôi khi còn khiến người ta đau khổ đến khốn cùng, hơn cả hành hạ về thân xác.
Cho nên, hàng đệ tử Phật cần tu tập chánh ngữ, nói năng như pháp: nguyện nói lời chân thật, từ ái, xây dựng, lợi mình và ích người. Phải thấy được sự nói năng thiếu chánh ngữ sẽ làm người đau khổ, khiến mình mất phước. Đau khổ do lời nói ác gây ra dễ dàng và nhiều hơn hành động xấu. Tham, sân, si trong tâm mình chính là cội nguồn của những lời nói xấu ác. Thành ra chuyện “học ăn, học nói” cần phải học, học suốt đời.
Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ