Khất thực thanh tịnh hay an trú không tánh

Khất thực là hạnh hằng ngày của chư tăng, nuôi sống bằng cách đi khất thực, và đức Phật trong kinh này giới thiệu mội phương pháp làm cho hạnh khất thực trở thành thanh tịnh hằng ngày, đúng với sở nguyện tu hành của người xuất gia.

Một thời Thế Tôn ở tại vương xá Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Tôn giả Sàriputta vào buổi chiều, từ thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Thế Tôn, đảnh lể Ngài rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với tôn giả Sàriputta: “Này Sàriputta, các căn của Thầy rất sáng suốt, sắc da của Thầy thanh tịnh trong sáng, Thầy đang phần lớn an trú với loại an trú nào?”

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tôn giả Sàriputta trả lời: “Con đang phần lớn an trú với Không trú”. Thế Tôn tán thán Tôn giả Sàriputta đang phần lớn an trú pháp của bậc Đại nhân, an trú pháp của bậc Đại nhân tức là Không tánh rồi đức Phật giải thích an trú Không tánh, người hành giả trước hết suy tư trong khi đi vào làng để khất thực, tại trú xứ khất thực và trên con đường khất thực trở về, đối với các sắc do mắt nhận thức, trong ta có khởi lên các pháp dục, tham, sân, si, hận tâm, biết có khởi lên, thời vị Tỷ-kheo phải tinh tấn đọan trừ các pháp bất thiện ấy. Nếu vị Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết rằng trên con đường đi khất thực, trong khi đi khất thực, hay trên con đường đi khất thực trở về không có khởi lên các pháp ấy, thời vị Tỷ-kheo phải an trú với tâm hoan hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp. Cũng vậy, đối với tiếng do tai nhận thức, đối với hương do mũi nhận thức, đối với vị do lưỡi nhận thức, đối với xúc do thân nhận thức, đối với pháp do ý nhận thức. Như vậy, sự khất thực của vị Tỷ-kheo trở thành thanh tịnh, cùng một lúc, các căn của vị được sáng suốt, và sắc da được thanh tịnh trong sáng.

Lại nữa, Tỷ-kheo cần phải tư duy như sau: “Ta đã đoạn tận năm dục trưởng dưỡng chưa?” Nếu trong khi suy tư, biết rằng chưa đoạn tận năm dục trưởng dưỡng, thời vị Tỷ -kheo phải tinh tấn đoạn trừ năm dục trưởng dưỡng. Nhưng nếu trong suy tư biết rằng năm dục trưởng dưỡng đã được đoạn trừ thời vị Tỷ-kheo phải an trú trong hoan hỷ, hân hoan, ngày đêm tu học trong thiện pháp.

Đối với năm dục trưởng dưỡng tức là sắc đẹp, tiếng hay hương thơm, vị ngon, xúc êm diu, vị Tỷ-kheo suy tư xem có hay không có khởi lên năm dục trưởng dưỡng. Nếu có, thời tinh tấn lên để đoạn trừ, nếu không có thời hoan hỷ tu học trong Chánh pháp…

Nay đối với năm triền cái: tham, sân, hôn trầm thùy miên, trầm hối, nghi, vị Tỷ -kheo cũng có những suy tư như trên, nếu chưa đoạn tận năm triền cái thời tinh tấn lên mà đoạn trừ, nếu đã đoạn tận thời an trú trên hân hoan, hoan hỷ ngày đêm tu học trong Chánh pháp.

Pháp kế tiếp là năm thủ uẩn: sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn, vị Tỷ -kheo suy tư đối với Năm thủ uẩn này, vị Tỷ -kheo có liễu tri được hay không. Nếu chưa liễu tri chưa được thời phải cố gắng làm cho liễu tri được. Và sau khi suy tư, biết rằng đã liễu tri Năm thủ uẩn thời vị Tỷ-kheo nên an trú trong hoan hỷ, ngày đêm tu học trong thiện pháp. Các pháp kể trên là Ba mươi bảy pháp trợ đạo, tức là Bốn niệm xứ, Bốn chánh Cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo tám ngành. Vị Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: “Ta đã tu tập Bốn niệm xứ chưa?” Nếu chưa tu tập ta phải tinh tấn tu tập Bốn niệm xứ, nếu đã tu tập Bốn niệm xứ rồi thời an trú trong hân hoan, ngày đêm tu tập các thiện pháp.

Cũng vậy, đối với Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo Tám ngành. Vị Tỷ-kheo cần phải suy tư: “Ta đã tu tập Thánh đạo tám ngành chưa?”. Nếu chưa tu tập thời phải tinh cần tu tập Thánh đạo Tám ngành, nếu đã tu học rồi thời phải an trú tâm trong hoan hỷ, ngày đêm tu học thiện pháp.

Pháp kế tiếp là chỉ và quán. “Ta chỉ tu tập chỉ và quán chưa?”. Nếu chưa tu tập chỉ và quán thời tinh tấn tu học chỉ và quán. Nếu sau khi suy tư, biết được đã tu tập chỉ và quán rồi, thời an trú trong hân hoan, ngày đêm tu tập các biện pháp.

Cuối cùng, vị Tỷ-kheo cần phải suy tư: “Ta đã chứng ngộ minh và giải thoát chưa?” Sau khi suy tư, được biết mình chưa chứng ngộ minh và giải thoát, thời vị Tỷ-kheo cần phải tinh cần tu tập để chứng ngộ và giải thoát. Nếu sau khi suy tư biết rằng mình đã chứng ngộ minh và giải thoát thời vị Tỷ-kheo cần phải an trú trong hân hoan, ngày đêm tu học trong thiện pháp.

Cuối cùng Đức Phật kết luận: “Tất cả những vị Sa môn, Bà-la-môn trong thời quá khứ, trong thời vị lai, trong thời hiện tại làm cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị ấy làm cho khất thực được thanh tịnh bằng cách suy tư như vậy. Và Thế Tôn khuyên Tôn giả Sàriputta cần phải học tập như sau: “Sau khi suy tư như vậy chúng ta sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh”.

Đây là pháp môn không những làm cho khất thực được thanh tịnh an lành, còn giúp cho vị hành giả được các căn sáng suốt, sắc da thanh tịnh, trong sáng, xứng đáng là vị đệ tử đầu tay của thế Tôn.

Hoà thượng Thích Minh Châu