Khảo cứu về ngày, tháng thành đạo của Đức Phật theo Hán tạng

Trước khát vọng hướng về chân lý của thực tại khách quan, thì việc tìm hiểu cơ sở triết lý và hiện thực lịch sử liên quan đến thời gian Đức Phật thành đạo, cũng là một trong những nhu cầu quan thiết của nhân loại nói chung và người con Phật nói riêng.

Theo Phật giáo Nam truyền, ngày Đản sanh, Thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức Phật đều diễn ra vào ngày trăng tròn tháng Vesākha; với Phật giáo Bắc truyền, ngày Thành đạo diễn ra vào ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch. Trong thời đại hôm nay, thời gian tổ chức sự kiện Đức Phật thành đạo đã được mặc định như trên, và đã mang tính phổ biến trong hai truyền thống Phật giáo.

Tuy nhiên, trước khát vọng hướng về chân lý của thực tại khách quan, thì việc tìm hiểu cơ sở triết lý và hiện thực lịch sử liên quan đến thời gian Đức Phật thành đạo, cũng là một trong những nhu cầu quan thiết của nhân loại nói chung và người con Phật nói riêng.

Trong tinh thần đó, chúng tôi sẽ lần lượt khảo sát thư tịch từ Hán tạng đến Nikāya liên quan đến ngày, tháng thành đạo của Đức Phật, nhằm góp phần làm sáng tỏ thêm về sự kiện quan trọng này.

Ngày Đức Phật thành đạo là ngày Tết của đạo Phật và của cả nhân loại

14

1. Ngày, tháng thành đạo của Đức Phật theo Hán tạng

1.1 Cơ sở kinh, luật.

Trong kinh, luật Hán tạng, có hai quan niệm về ngày, tháng thành đạo của Đức Phật. Bao gồm, ngày mùng 8 tháng 2 và ngày mùng 8 tháng 4.

+Ngày mùng 8 tháng 2, gồm có các kinh, luật sau:

-Kinh Trường-A-hàm, do ngài Phật-đà-da-xá và Trúc-phật-niệm dịch vào năm 413[1].

– Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (394-468) dịch[2].

– Tát-bà-đa-tỳ-ni-Tỳ-bà-sa, mất tên người dịch, phụ vào dịch phẩm nhà Tần[3].

+ Ngày mùng 8 tháng 4, gồm có các kinh sau:

-Kinh Phật Bát-Nê-Hoàn do Sa-môn Bạch Pháp Tổ dịch vào thời Tây Tấn (266-316)[4].

-Kinh Bát Nê Hoàn, không ghi tên người dịch, phụ vào dịch phẩm thời Đông Tấn (317-420)[5].

-Kinh Phật thuyết Ma-ha-sát-đầu do Sa-môn Thích Thánh Kiên dịch vào thời Tây Tần (385-431)[6].

Trong sáu nguồn kinh, luật nêu trên không đề cập đến ngày mùng 8 tháng 12. Vậy, thực chất ngày thành đạo của Đức Phật mà Phật giáo Bắc truyền hiện đang tổ chức dựa trên cơ sở nào?

1.2 Cơ sở luận thư về ngày Đức Phật thành đạo mùng 8 tháng 12.

Một trong những tài liệu quan trọng trong sinh hoạt thiền môn của Phật giáo Bắc truyền là tác phẩm Bách Trượng Thanh Quy. Bách Trượng Thanh Quy do ngài Bách Trượng Hoài Hải (720-784) biên soạn vào thời nhà Đường để làm cương lĩnh sinh hoạt cho người xuất gia. Trải qua chiến loạn ở Trung Hoa nhiều thời kỳ, tác phẩm Bách Trượng Thanh Quy đã bị thất lạc, nhưng những nội dung chính của tác phẩm đã được một số bộ sách cũng như các bản Thanh Quy khác thu lục, giữ gìn. Mãi đến năm đầu của niên hiệu Chí Nguyên (1335) thời nhà Nguyên, cháu nối dòng đời thứ 18 của tổ Bách Trượng là thiền sư Đức Huy dựa trên di cảo của ngài Bách Trượng trong các bộ Thanh Quy hiện hành mà biên soạn thành Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy[7].

Theo Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, quyển 2, cho rằng ngày Đức Phật thành đạo là ngày mùng 8 tháng 12 (臘月八日). Tác phẩm không nêu rõ dựa trên cơ sở tư liệu nào để ngài Bách Trượng, hoặc ngài Đức Huy cho rằng, ngày mùng 8 tháng 12 là ngày Đức Phật thành đạo, mà chỉ trình bày cách thức tổ chức và nội dung nghi lễ. Đây là một thiếu sót đáng tiếc.

Sau nỗ lực khảo sát thư tịch Hán tạng, chúng tôi đã phát hiện ra rằng, nguồn gốc ngày lễ Đức Phật thành đạo mùng 8 tháng 12 xuất hiện trong văn bản khá sớm, vào khoảng thế kỷ thứ VI, hiện được thu lục trong Đại tạng kinh chữ Hán, tập 46, với tên gọi là Nam Nhạc Tư Đại Thiền Sư Phát Thệ Nguyện Văn[8].

Tác phẩm Nam Nhạc Tư Đại Thiền Sư Phát Thệ Nguyện Văn do ngài Nam Nhạc Tuệ Tư (515-577), vị cao tăng ở thời đại Nam-Bắc triều, là vị tổ thứ ba của tông Thiên Thai[9], soạn vào đời nhà Trần (557-589). Nội dung bản văn nói về việc phát tâm Bồ-đề trong quá trình cầu đạo của tác giả. Đặc biệt, đầu bản văn, ngài Tuệ Tư đã khẳng định, Đức Phật thành đạo vào ngày mùng 8 tháng 12 năm Quý Mùi, lúc Ngài 30 tuổi[10].

Từ quan điểm của ngài Tuệ Tư và quan điểm của ngài Bách Trượng, qua sự chuẩn thuận và hoằng dương của các vị quân vương hộ pháp, truyền thống Phật giáo Bắc truyền đã từng bước chấp nhận và sử dụng ngày mùng 8 tháng 12 làm ngày Đức Phật thành đạo cho đến hôm nay.

Xem ra, từ quan điểm đề xuất của hai vị cao tăng có nhiều đóng góp trong lịch sử Phật giáo, đã từng bước định hình nên ngày lễ Đức Phật thành đạo mang tính thống nhất của Phật giáo Bắc truyền. Ở đây, việc xét xem quan điểm đề xuất của hai vị cao tăng này có dựa trên nền tảng kinh điển hay không, đó là điều mà chúng ta cần đối chiếu, xem xét.

1.3 Đánh giá về các nguồn tư liệu Hán tạng.

Trước hết, về quan điểm Đức Phật thành đạo vào ngày mùng 8 tháng 2 ở kinh Trường-A-hàm, kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả và luật của bộ phái Tát-bà-đa; các vị cao tăng khi phiên dịch kinh, luật đã giữ nguyên ngày tháng theo truyền thống Ấn Độ. Theo tư liệu Phật giáo Nam truyền, Đức Phật thành đạo vào tháng Vesākha. Ngài Huyền Tráng trong Đại Đường Tây Vức Ký đã phiên âm Vesākha là Phệ-xá-khư (吠舍佉). Theo lịch pháp Ấn Độ, Phệ-xá-khư là tháng thứ hai trong 12 tháng[11]. Như vậy, khi kinh văn Hán tạng cho rằng, Đức Phật thành đạo vào ngày mùng 8 tháng 2 là dựa trên lịch pháp của Ấn Độ.

Thứ hai, các bản kinh như Phật-bát-nê-hoàn, kinh Bát-nê-hoàn và kinh Ma-ha-sát-đầu cho rằng Đức Phật thành đạo vào ngày mùng 8 tháng 4, thì có thể các nhà phiên dịch đã chuyển đổi thời gian sang hệ lịch pháp của Trung Hoa lúc bấy giờ. Theo khảo sát, lịch pháp Trung Hoa trong thời phong kiến đã nhiều lần thay đổi. Đến thời Đường Huyền Tông (685-762), nhằm bổ chính những khiếm khuyết từ các bộ lịch pháp trước đó, vào niên hiệu Khai Nguyên năm thứ chín (712), Đường Huyền Tông đã phụng thỉnh thiền sư Nhất Hạnh (683-727)[12] soạn Đại Diễn Lịch (大衍曆), gồm 52 quyển[13]. Chính vì vậy, sự chuyển đổi về ngày tháng trong những dịch phẩm kinh điển vừa nêu chỉ mang tính tương đối, vì cơ sở lịch pháp Trung Hoa dùng để tham chiếu trong thời kỳ này chưa đồng bộ và nhất quán.

Thứ ba, cả sáu nguồn kinh điển Hán tạng nêu trên đều không đề cập đến ngày mùng 8 tháng 12, ngày Đức Phật thành đạo. Vậy, dựa trên cơ sở nào để ngài Tuệ Tư và ngài Bách Trượng xác quyết Đức Phật thành đạo vào ngày mùng 8 tháng 12?

Theo Đại Tống Tăng Sử Lược của ngài Tán Ninh (919-1002)[14], căn cứ vào lịch pháp của nhà Châu (周曆), thì tháng 2 ở Ấn Độ tương đương tháng 12 ở Trung Quốc[15]. Trong tác phẩm Chiết Nghi Luận của ngài Tử Thành, tức Tỳ-kheo Sư Tử, cũng khẳng định điều tương tự[16].

Như vậy, qua sự chuyển đổi lịch pháp, các vị cao tăng của Phật giáo Bắc truyền đã xác quyết ngày Đức Phật thành đạo nhằm ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch. Quan điểm này căn cứ vào kinh Du Hành trong Trường A-hàm, và những bản kinh tương đương, xác tín ngày Đức Phật thành đạo là ngày mùng 8 tháng 2 theo lịch pháp Ấn Độ.

Nếu tính khởi đầu từ thời ngài Tuệ Tư (515-577), thì truyền thống tổ chức lễ hội Đức Phật thành đạo vào ngày mùng 8 tháng 12 đã gần 1.500 năm. Với chiều dài lịch sử đó, phải chăng đây cũng là ngày Đức Phật thành đạo được các truyền thống Phật giáo khác công nhận và thừa hành? Nghi vấn này sẽ được làm rõ khi khảo sát về ngày thành đạo của Đức Phật qua kinh tạng Nikāya.

(còn tiếp)

Ngày 8/12 âm lịch hàng năm là ngày ghi nhớ Đức Phật thành đạo. Đón mừng sự kiện vĩ đại này, chúng tôi khởi đăng loạt bài xiển dương Đạo Phật và ngày Đức Phật thành Đạo, cũng như kêu gọi Phật tử mọi miền có các hành động thiết thực tưởng nhớ Ngài.

Chúc Phú