Khám phá núi Tà Cú linh thiêng

Với quần thể kiến trúc tâm linh lịch sử hàng trăm tuổi, núi Tà Cú là điểm đến hấp dẫn du khách tại Bình Thuận.

Núi Tà Cú (Tàkou) vốn là một ngọn núi lửa với rừng nguyên sinh bao phủ, thảm thực vật tươi tốt. Núi nằm ven quốc lộ 1A, thuộc xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết 28 km về phía Nam.

Thân rễ cây rừng nguyên sinh chạy dọc ngang đường lên đỉnh núi. Ảnh: Mai Phương

Thân rễ cây rừng nguyên sinh chạy dọc ngang đường lên đỉnh núi. Ảnh: Mai Phương

Khám phá núi Tà Cú

Đường lên đỉnh núi dài khoảng 2.290m, với bậc đá trên những con dốc cheo leo, khúc khuỷu. Đoạn dốc cao nhất nghiêng 45 độ có tên là Bằng Lăng, nơi phong cảnh hữu tình với những thân bằng lăng cổ thụ hai bên.

Đường đi bớt thách thức hơn khi du khách còn cách đỉnh koảng 1.200m, từ đây trời xanh ẩn hiện trên những tán cây và du khách có thể ngắm nhìn thung lũng bên dưới mờ ảo trong sương.

Quanh năm không khí trên núi Tà Cú trong lành, mát mẻ. Đây từng là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại nên đất giàu khoáng chất. Trên núi có hai mỏ suối khoáng: một tại Bưng Thị nằm giáp giới 3 xã Tân Thành, Thuận Quý và Tân Thuận, còn lại ở Phong Điền, xã Tân Thuận.

Nếu không đủ thời gian hoặc sức khỏe để leo đường bộ, du khách có thể đi cáp treo để ngắm cảnh rừng núi Tà Cú từ trên cao trong 15 phút. Ảnh: TITC

Nếu không đủ thời gian hoặc sức khỏe để leo đường bộ, du khách có thể đi cáp treo để ngắm cảnh rừng núi Tà Cú từ trên cao trong 15 phút. Ảnh: TITC

Quần thể đền chùa

Hai ngôi chùa nổi tiếng là Linh Sơn Trường Thọ và Long Đoàn nằm ở độ cao khoảng 400m trên núi Tà Cú.

Linh Sơn Trường Thọ còn có tên quen thuộc là Chùa núi Tà Cú, hoặc dân dã hơn là chùa “Trên” để phân biệt với chùa “Dưới” là Long Đoàn. Hai ngôi chùa được gọi chung là Chùa Núi.

Linh Sơn Trường Thọ thuộc địa phận xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 30km. Chùa được xây dựng vào năm 1879, nhưng trước đó nhiều năm đã có chùa thờ Phật bằng mái tranh vách đất.

Chùa do nhà sư Trần Hữu Ðức trụ trì, tọa lạc ở vị trí sơn thủy hữu tình, quanh năm có cây xanh, suối chảy, chim kêu vượn hót. Chùa Long Ðoàn được xây dựng sau.

Tổng thể kiến trúc chùa gồm Tam Quan, điện thờ, tượng Phật, tháp mộ, hang Tổ… ẩn mình dưới rừng cây cổ thụ xanh tươi bốn mùa. Ảnh: TITC

Tổng thể kiến trúc chùa gồm Tam Quan, điện thờ, tượng Phật, tháp mộ, hang Tổ… ẩn mình dưới rừng cây cổ thụ xanh tươi bốn mùa. Ảnh: TITC

Chùa Núi còn có pho tượng Phật nằm khổng lồ: “Thích Ca nhập Niết-bàn” nằm ở vị trí cao nhất cách chùa khoảng 100m. Tượng Phật này thuộc vào pho tượng Phật hiếm có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và là bức tượng lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Cách pho tượng Phật nằm chừng 50m là nhóm Tam Thế Phật: A Di Dà, Quan Thế Âm Bồ-tát, Ðại Thế Chí. Cả 3 pho tượng đều có chiều cao khoảng 7m.

Tượng Phật nằm dài 49m từng sở hữu danh hiệu Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn trên đỉnh núi dài nhất Châu Á do Tổ chức kỷ lục Châu Á công nhận năm 2013. Ảnh: TITC

Tượng Phật nằm dài 49m từng sở hữu danh hiệu Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn trên đỉnh núi dài nhất Châu Á do Tổ chức kỷ lục Châu Á công nhận năm 2013. Ảnh: TITC

Chùa Núi Tà Cú hiện là một trong những điểm du lịch khá nổi tiếng ở Bình Thuận. Cảnh chùa cổ kính, tượng Phật trầm tư và dấu thiêng của sư Tổ từ buổi khai sơn cách đây trên một trăm năm luôn làm du khách ngỡ ngàng.

Vào các mùa trong năm, lúc nào cũng có khách thập phương đến viếng Phật, ngắm cảnh chùa và rừng núi, nhất là dịp Xuân về Tết đến và ngày giỗ Tổ Hữu Đức hàng năm (mùng 5 tháng mười âm lịch).

Chùa Núi Tà Cú cùng với những cánh rừng trong khu Bảo tồn thiên nhiên đã được Nhà nước xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia năm 1993. Ảnh: TITC

Chùa Núi Tà Cú cùng với những cánh rừng trong khu Bảo tồn thiên nhiên đã được Nhà nước xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia năm 1993. Ảnh: TITC

Một trải nghiệm thú vị dành cho du khách là leo núi Tà Cú vào ngày rằm và nghỉ lại qua đêm. Cuối chiều, sương mù bảng lảng giăng khắp thung lũng trong ánh hoàng hôn.

Đêm rằm, du khách có thể ngồi thưởng trà trên bộ bàn ghế đẽo từ đá núi, đàm đạo với vị chư tăng nào đó trong chùa dưới ánh trăng rằm.

Đêm trên núi Tà Cú - Ảnh: Lê Minh Huân

Đêm trên núi Tà Cú – Ảnh: Lê Minh Huân

Huyền thoại Chùa Núi Tà Cú

Vào năm Tự Đức thứ 33 (tức 1880), hoàng thái hậu là bà Từ Dũ lâm trọng bệnh, mắt mù lòa nhưng các ngự y, danh y tài giỏi ở triều đều bất lực. Nhà vua châu tri khắp thần dân trong nước kêu gọi ai cứu được mẫu hậu sẽ trọng thưởng. Bởi tiếng đồn về danh đức, pháp thuật của sư tổ Hữu Đức từ lâu, nên quan thủ hiến đầu tỉnh Bình Thuận lập tức viết biểu tâu lên vua.

Vua Tự Đức hạ chiếu sai sứ xin rước sư tổ về triều chữa bệnh cho Hoàng thái hậu. Nhưng vì đã nguyện không bao giờ xuống núi nữa, sư tổ chỉ trao cho sứ thần thảo dược cùng cách sử dụng. Sau khi uống hết các chú Chuẩn đề và thuốc, Hoàng thái hậu vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, nhanh chóng bình phục. Vua Tự Đức tỏ lòng cảm phục sư tổ ban sắc phong bốn chữ “Linh Sơn Trường Thọ” cho nơi sư tổ sáng lập và tu tịnh.

Ngôi chùa - chốn linh thiêng trên đỉnh Tà Cú - Ảnh: Lê Minh Huân

Ngôi chùa – chốn linh thiêng trên đỉnh Tà Cú – Ảnh: Lê Minh Huân

Một trải nghiệm thú vị dành cho du khách là leo núi Tà Cú vào ngày rằm và nghỉ lại qua đêm - Ảnh: Lê Minh Huân

Một trải nghiệm thú vị dành cho du khách là leo núi Tà Cú vào ngày rằm và nghỉ lại qua đêm – Ảnh: Lê Minh Huân

Thiên nhiên hoang sơ trên núi Tà Cú. Ảnh: Mai Phương

Thiên nhiên hoang sơ trên núi Tà Cú. Ảnh: Mai Phương

Thúy Ngọc

Nguồn: Lao Động