Khám phá kiến trúc độc đáo của Pháp viện Minh Đăng Quang

Là một quần thể kiến trúc Phật giáo đặc trưng hệ phái Khất sĩ miền Nam Bộ, Pháp viện Minh Đăng Quang nổi bật giữa lòng Sài Gòn với 4 bảo tháp cao ở xung quanh và ở giữa là khu chánh điện. Pháp viện là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm một chốn thanh tịnh, an yên trong tâm hồn.

 

Pháp viện Minh Đăng Quang hình thành năm 1968 thuộc hệ phái Khất sĩ, ban đầu chỉ gồm ngôi chánh điện nhỏ và một số am cốc bằng tre. Đầu năm 2009, Pháp viện được xây dựng quy mô với nhiều hạng mục. Hiện, công trình là một quần thể kiến trúc Phật giáo đặc sắc, rộng lớn ở ngay Xa lộ Hà Nội (quận 2), cửa ngõ vào trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

Hệ phái Khất sĩ ra đời năm 1944 tại Nam Bộ, do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập. Nơi đây, ngoài chức năng như một ngôi chùa, còn đào tạo Phật pháp cho các tăng lữ, Phật tử nên được gọi là Pháp viện.

Pháp viện Minh Đăng Quang nhìn từ trên cao (Ảnh: phattuvietnam.net).

Pháp viện Minh Đăng Quang nhìn từ trên cao (Ảnh: phattuvietnam.net).

Đặc biệt, về mặt kiến trúc, Pháp viện Minh Đăng Quang được xây dựng khá cầu kỳ, nhiều hạng mục trên diện tích 37.490 m2. Trong đó 4 bảo tháp lớn án ngữ 4 góc tịnh xá, bao bọc chính điện, nằm nổi bật bên nút giao thông nhộn nhịp ngã 3 Cát Lái.

Từ cổng vào, hai tháp phía trước hình bát giác, mỗi tháp gồm 9 tầng, cao 37m. Nằm bên phải là bảo tháp Ca Diếp – danh hiệu Tôn giả đệ nhất hạnh đầu đà, ngôi bảo tháp tượng trưng cho lịch sử hệ phái, kiến trúc mô hình bát giác. Bảo tháp bên trái cổng Tam quan là ngôi Bảo tháp Xá Lợi Phất – Danh hiệu Tôn giả trí tuệ đệ nhất. Tháp có kiến trúc tương tự như tháp bên phải; tầng trệt có 50 bàn đọc sách; tầng 2, 3, 4 chứa gần 10.000 bản kinh sách chữ Việt; tầng 5, 6, 7 và 8 lưu giữ các bộ Đại tạng kinh, Luật và Luận bằng các ngôn ngữ Anh, Trung Quốc, Nhật, Thái, Miến…

Hai bảo tháp còn lại mang tên Hồng Ân, Tứ Ân. Hai tháp có hình tứ giác, gồm 13 tầng, cao 49 m, dùng để thờ linh cốt của chư Tăng và Phật tử.

Chánh điện ở giữa là trung tâm của pháp viện Minh Đăng Quang (Ảnh: KT).

Chánh điện ở giữa là trung tâm của pháp viện Minh Đăng Quang (Ảnh: KT).

Chánh điện ở giữa là trung tâm của Pháp viện Minh Đăng Quang. Hạng mục chính gồm một kiến trúc ngang 40 m, dài 70m, cao 3 tầng. Tầng trên là ngôi chánh điện bát giác truyền thống đường kính rộng 32 m. Tầng dưới là thiền đường rộng 24 m, dài 50 m. Phía sau thiền đường là một điện thờ Đức Phật trong tư thế niết bàn. Tầng dưới cùng là giảng đường rộng 40 m, dài 50 m.

Ngoài ra, khuôn viên của Pháp viện cũng mang tới cho du khách cảm nhận về không gian yên bình, xanh mát. Trong đó, nổi bật hơn cả phải kể tới: Cây bồ đề được chiết từ cội bồ đề 2000 tuổi tại Sri Lanka; nhiều cây xanh, tiểu cảnh được đặt xen kẽ các công trình, kiến trúc nhằm mang tới không khí trong lành, dễ chịu cho du khách và phật tử mỗi dịp chiêm bái; trong sân Pháp viện còn đặt một bức tượng phật Thích Ca Mâu Ni đặt trong bảo tháp, phía trước là hoa tươi và án hương phục vụ nhu cầu lễ phật, cầu may của phật tử, hai bên đặt bức tượng hai vị la hán làm bằng thạch cao trắng tinh xảo.

Tháng 5/2019, Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã xác lập 4 kỷ lục tại Pháp viện gồm: Ngôi tịnh xá có bốn bảo tháp lớn nhất Việt Nam, bảo tháp bằng gỗ thờ Phật trong chánh điện lớn nhất, nơi tổ chức Đại lễ kỷ niệm 60 năm Đức tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng lớn nhất và nơi diễn ra Lễ khất thực cổ Phật lớn nhất.

Hạnh Trần (t/h)