Khám phá kiến trúc độc đáo của ngôi chùa Khmer giữa lòng Hà Nội
Chùa Khmer nằm trong quần thể Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng theo nguyên mẫu chùa K’Leang ở đồng bằng sông Cửu Long, với lối kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer ở Nam Bộ.
Ngôi chùa Khmer Nam Bộ đầu tiên ở Hà Nội được xây tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Có tổng diện tích 0.8 ha, được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của người Khmer, do các nghệ nhân người Khmer Nam Bộ trực tiếp thiết kế và xây dựng.
Chùa được xây dựng theo hình chữ “khẩu” với 3 phần chính là tiền đường, chính điện và hậu tổ. Ngoài ra còn bao gồm các công trình kiến trúc khác như tháp góc, ao sen, vườn tháp…
Sự kết hợp của kiến trúc, điêu khắc và hội họa đã mang lại cảm giác hài hòa, cân đối, tạo nên hình ảnh một ngôi chùa vừa uy nghi, lộng lẫy, vừa đậm sắc thái tâm linh đặc trưng của đồng bào Khmer.
Các điển tích trang trí trên tường đều ngầm định hướng tới ý nghĩa hướng thiện.
Đặc điểm nổi bật trong kiến trúc của chùa Khmer đều có hệ thống tượng, phù điêu trang trí từ những bức tường bao cho đến chính điện.
Phía trong chánh điện là bức tượng Đức Phật Thích Ca tọa lạc trên tòa sen cao.
Ngôi chùa là nơi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa của đồng bào Khmer giữa thủ đô Hà Nội.
Những cột, xà, bệ thờ của chùa đều được chạm khắc tinh xảo với các hình tượng hoa sen, rồng, phượng… Từng hoa văn trang trí, từng chi tiết đều cho thấy sự tinh tế trong nghệ thuật kiến trúc Khmer.
Vào các dịp lễ, nơi đây thu hút một lượng lớn du khách đến tìm hiểu và chiêm bái.
Các biểu tượng quen thuộc trong văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Khmer như hình tượng tiên nữ, chim thần Krud nâng đỡ mái chùa, chằn Yeak hung dữ… đều được sử dụng trong công trình kiến trúc đặc sắc này.
Quần thể chùa Khmer là điểm đến văn hóa tâm linh của người Khmer tại Hà Nội, đồng thời cũng là nơi gắn kết đồng bào Khmer với cộng đồng các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đức Nguyễn – Thu Hương – Vũ Duyên