Hữu dụng cũng chết mà vô dụng cũng chết phải làm sao?

Phàm cái gì cũng có hai mặt đối lập, chúng nương nhau mà có nên không bám chắc vào bất cứ thứ gì. Tùy thời mà buông hay nắm, tới hay lui, dùng trí chứ không dùng thức. Mọi quan niệm hay định kiến đều tương đối.

 

Trang Tử dẫn một đoàn môn sinh lên núi thăm bằng hữu. Đến chỗ rừng sâu heo hút, thấy đám tiều phu đang đốn cây. Trang Tử hỏi:

-Vì sao các anh chặt hết mấy cây kia, chỉ lưu lại mỗi một cây to này?

Tiều phu nói:

– Cây này xem bề ngoài đẹp đẽ vậy chứ vô dụng lắm, chẳng xài được gì cả!

Trang Tử quay đầu ngó môn sinh bảo:

– Cây này nhờ vô dụng mà được lưu lại, các anh phải học theo như vậy! Đi qua núi, trời sắp sụp tối, Trang Tử dẫn môn sinh đến nghỉ đêm nơi nhà người bạn. Người bạn đã lâu không gặp Trang Tử, mừng rỡ sai con:

– Hãy mau giúp cha làm thịt chim đãi khách! Con cầm dao lên, hỏi cha:

– Nhà mình có hai con chim, nên giết con nào?

Người cha bảo:

– Tất nhiên là con không biết hót!

Nói xong, người cha mỉm cười bảo Trang Tử:

– Con tôi khờ quá, có vậy mà cũng hỏi, con chim không biết hót thì vô dụng quá, giữ lại làm chi? Trang Tử quay đầu bảo môn sinh:

– Con chim được sống là nhờ biết hót, các anh phải học tập điều này. Sáng hôm sau, các trò không nhịn được, hỏi Trang Tử:

– Thưa thầy, chiều qua vào rừng, thấy cây vô dụng được chừa lại, thầy bảo học nó. Rồi đến lượt con chim, nhờ có tài mà được sống, thầy cũng bảo học nó. Lời thầy dạy thực mâu thuẫn quá, rốt cuộc chúng con phải theo bên nào? Hữu tài hay vô tài? Hữu dụng hay vô dụng? Trang Tử cười to, nói:

– Các anh phải dùng trí phán đoán, tùy thời mà cư xử, ứng biến chứ! Hễ thấy cần hiển tài thì phô tài, cần vô dụng thì hiện vô dụng. Còn bình thường thì hãy trụ ở giữa hữu và vô, vậy thôi.

Theo Trang Tử Sơn Mộc. 

00

Suy ngẫm: 

Trang Tử nói ‘hãy trụ giữa hữu và vô’ tức ‘dùng trí phán đoán, tùy thời mà cư xử, ứng biến’ cho phù hợp. Kinh Tương Ưng, Phật nói, ‘Bước tới thì nước cuốn trôi mà đứng lại thì bị nước nhấn chìm.

Không đứng lại, không bước tới thì người ấy vượt qua bộc lưu, xoáy nước’. Kinh Kim Cang nói ‘Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm’ (Ngay nơi không trụ mà sinh tâm ấy). Thiền sư Nam Tuyền-Phổ Nguyện nói ‘Bình thường tâm thị đạo’ (Tâm bình thường là đạo). Cụ Nguyễn Du nói ‘Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài liền với chữ tai một vần’.

Thành ra phàm cái gì cũng có hai mặt đối lập, chúng nương nhau mà có nên không bám chắc vào bất cứ thứ gì. Tùy thời mà buông hay nắm, tới hay lui, dùng trí chứ không dùng thức. Mọi quan niệm hay định kiến đều tương đối. Phật dạy ‘Đừng tin vào bất cứ điều gì’ (Kinh Kalama), ‘Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi’ (Kinh Đại bát Niết-bàn, kinh Tương Ưng) chính là biết thời.

Quảng Tánh