Hương mùa hạ

Tháng Tư. Nắng chang chang. Những rặng thông phủ trên sườn núi không ngăn nổi cái nóng gói theo trong những đợt gió Lào tới mùa lại phủ trùm xứ sở. Những buổi trưa, đường sá vắng hoe. Nắng nóng như đốt, người ta ngại chẳng muốn ra đường, cả thị trấn nhỏ vắng lặng như tờ.

 

Chùa Cao Phong nằm cuối thị trấn, nép dưới những rặng thông già nơi triền núi thấp. Đường vào chùa cắt ngang một cánh đồng với những hồ sen bạt ngàn lá hoa. Nghĩ cũng lạ. Dưới cái nắng thiêu đốt, mọi thứ cây cối đều như rúm ró lại, chỉ độc loài sen như càng rộ hơn, sắc hồng rực lên trong nắng.

Thầy Tâm Tuệ ngồi xếp bằng trong nhà linh của chùa, đưa mắt nhìn xa xăm ra bên ngoài. Nhà linh nằm phía sau hông chánh điện, phóng tầm mắt từ đây, băng qua khu vườn nhỏ, có thể nhìn xa đến tận cánh đồng dưới núi kia. Thầy ngồi bất động hồi lâu. Hương trầm từ án thờ thoang thoảng bay thơm. Tiếng bảng báo chúng khô khốc vang lên báo hiệu giờ quá đường. Thầy Tâm Tuệ đứng dậy, ngoái nhìn. Gương mặt trên di ảnh mới xếp đặt lên bàn linh mươi hôm nay mỉm cười nhìn thầy.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

– Con muốn đi tu! – Văn nói chắc nịch trong bữa ăn. Bà Huệ đặt vội chén cơm xuống bàn, rồi nhìn trân trân vào mắt cậu.

Bà không hốt hoảng mấy trước ý nghĩ lạ đời này của con. Ở xứ này, nhà có người đi tu là chuyện thường. Với một Phật tử thuần thành như bà, đi tu cũng là chuyện tốt, vậy nhưng…

– Con chắc chớ? Con còn nhỏ, còn đi học, đi tu là phải tự lo cho mình, không có má ở bên nữa… – Bà hỏi, Văn cúi xuống rồi ngẩng lên, mắt tròn xoe nhìn mẹ, gật gật đầu.

– Chắc không? Bà Huệ nhìn trân trân vào con một hồi nữa. Văn lại gật gật.

Bà bưng chén cơm lên thong thả ăn tiếp, suốt phần còn lại của bữa ăn bà không nói gì. Văn cũng cắm cúi và từng muỗng cơm vào miệng, lấm lét nhìn mẹ. Ba mất từ nhỏ, chỉ có mình mẹ là người gần bên Văn. Giờ nếu con đi tu rồi, bà Huệ chỉ còn một mình. Suốt mấy ngày liền, bà im lặng, Văn cũng im lặng. Văn sợ.

Mấy bữa sau, buổi chiều, Văn đi học về gặp mẹ đứng chờ trước cửa. “Sáng mai mẹ dắt lên chùa đi tu!”. Bà Huệ nói gọn lỏn với con rồi lật đật quay lưng đi xuống bếp. Tối đó, giật mình giữa đêm vì mắc tè, Văn nhổm dậy nhìn ra khỏi mùng. Cửa nhà mở toang. Ánh sáng từ lưỡi trăng non rọi xuống bóng bà Huệ ngồi tựa bậc cửa. Văn nghe tiếng sụt sịt khe khẽ, cậu rụt mình nằm xuống, nhắm chặt mắt lại.

“Trời ơi là trời, con với cái, tuổi này rồi còn tè đầm!” Văn giật mình vì tiếng quát của mẹ. Cậu he hé nhìn, ánh sáng mờ mờ của buổi đầu ngày dọi vào mắt.

Văn nắm chặt lấy tay mẹ, giẫm từng bước xuống mặt đường đất nóng ran. Cái thứ đất đỏ tai quái, mùa nắng thì nứt nẻ, tung bụi mịt mù, nhưng chỉ cần một trận mưa lớn là nhão ra, quánh đặc lại. Bàn chân nhỏ của cậu bé mười tuổi bước như chạy để theo kịp bước chân mẹ mình. “Ráng lên con, gần tới rồi”. Bà Huệ cố bước thật chậm để con theo kịp.

Bình thường mỗi lúc có việc cần kíp, bà sẽ cõng con đi cho nhanh, bước chân thoăn thoắt như chạy đặc trưng của người đàn bà chạy chợ, mười lần như một. “Con Huệ khổ từ tướng đi!”, bà không ít lần cười trừ nghe người ta nhận xét về mình như thế. Vậy mà hôm nay dẫu muốn, bà vẫn nhất quyết không cõng Văn, bà cố đi thật chậm, để Văn bước theo. Hai bóng người một lớn một bé, đi nem nép dưới những hàng cây ven đường, hướng về ngôi chùa nơi triền núi.

Vị hòa thượng trú trì chùa Cao Phong năm nay đã ngoài tám mươi, đôi lông mày bạc trắng vẻ từ hòa của bậc lão trượng. Ngài nổi tiếng khắp tỉnh vì đức độ. Khi bà Huệ dắt Văn lên hậu liêu lạy ngài, ngài đang ngồi xếp bằng trên trường kỷ. Bà Huệ xổ cái áo tràng đã bạc phếch, lỗ chỗ vết cháy tàn hương mặc lên rồi dắt tay con bước vào trong liêu. Bà chắp tay lạy xuống một lạy, Văn nhìn mẹ rồi lật đật làm theo.

– Bạch ông ngài, bữa rồi con có thưa thằng Văn muốn đi tu. Con dắt nó sang chùa xin ông ngài thương mà thâu nhận. Nó là con trai duy nhứt của con, giờ nó là con Phật, là đệ tử ông ngài!

Hòa thượng trú trì gật đầu rồi nói mấy câu ưng thuận. Bà Huệ lạy xuống rồi dắt con ra phía chái sau gặp dì vãi. Đi dọc nhà hậu, Văn nhác thấy bóng các chú điệu chỉ trỏ cười nói sau khung cửa. Văn cúi gằm, mặt đỏ lên vì thẹn. Mẹ nói đi tu rồi Văn sẽ lên chùa ở với thầy, không được ở nhà với mẹ nữa.

Bà Huệ giao đồ đạc của Văn cho dì vãi Sáu, chào hỏi mấy câu rồi quay lại phía Văn: “Con ở lại tu, má về!” rồi quay đi thật nhanh. Văn nhớm chạy theo, dì Sáu vịn nhẹ vai Văn lại. Bà Huệ cứ bước đi hoài, đi hoài, rồi bóng bà khuất dần sau mấy rặng cây. Tới tam quan, bà thụp xuống ôm mặt ngồi khóc. Khóc nức nở. Những giọt nước mắt lăn đi trên bàn tay gầy guộc, rồi tan theo cái nóng hầm hập của những cơn gió mùa.

Mười năm…

Văn trở thành thầy Tâm Tuệ. Ngày thầy đi thọ giới Tỷ-kheo, an cư mùa đầu tiên ngoài Tỉnh hội, rồi gọi điện thoại báo sẽ về thăm nhà, người ta thấy bà Huệ mừng lắm. Bà đi chợ mua bông ba hoa quả chưng lên bàn thờ tổ tiên, dọn dẹp nhà cửa. Thầy Tâm Tuệ về, thắp hương cho tiên tổ, cho cha. Bà Huệ đứng nép phía sau, say sưa nhìn, rồi bà thỉnh thầy đắp y hậu: “Thầy ngồi lên cho má được lạy!”. Thầy xua tay không chịu, bà Huệ vẫn kiên quyết: “Thầy trước là con má, nay là thầy Tỷ-kheo con Phật. Thầy thương má thì cho má được lạy rồi ráng tu!”.

Thầy Tâm Tuệ ngồi xuống ghế, nhắm nghiền. Bà Huệ lạy ba lạy. Thầy mở mắt, bắt gặp mắt mẹ mình đỏ hoe, ánh nhìn chứa đủ niềm vui.

Hai mươi… Rồi ba mươi năm…

Bao nhiêu mùa nắng chan chan phủ trùm lên xứ sở nghèo nàn này. Bao nhiêu mùa sen hạ trổ hoa hồng rực trên những ao đầm báo hiệu cho mỗi độ Phật đản. Thầy Tâm Tuệ dần có tuổi. Hòa thượng trú trì chùa Cao Phong về Phật, các sư huynh lớn của thầy cũng nối nhau về Phật, rồi dì Sáu cũng qua đời. Thầy Tâm Tuệ được công cử trú trì chùa Cao Phong. Bà Huệ vẫn đều đặn mỗi tháng lên chùa lạy sám hối, tụng kinh ba tháng hạ.

Tuổi tác dần lớn, có những ngày trở mình đau ốm, bà đành phải ra cửa vái vọng lên chùa. “Má già rồi, má chỉ mong thầy được khỏe mạnh, an ổn để còn lo việc chùa, việc đạo. Đời má sinh được một mặt con, gởi đi làm con Phật, má hãnh diện. Giờ má có chết, má ước được chết ngay tháng Phật về, tháng Tư, được vậy là má mãn nguyện rồi!”. Có lần, sau thời sám hối, bà Huệ tâm sự trong lúc ghé lại hậu liêu thăm thầy Tâm Tuệ.

Sức khỏe bà Huệ yếu dần đi. Nhiều lần thầy Tâm Tuệ về nài bà lên chùa ở để tránh cảnh trái gió trở trời một thân, bà vẫn cương quyết không chịu. Có dạo, thầy Tâm Tuệ ghé về nhà mới biết bà đau bịnh mấy ngày, nhưng bà giấu thầy tự xoay xở. “Thầy cứ lo làm đạo. Má còn tự lo được!”. Bà cười, bàn tay run run nắm tay thầy Tâm Tuệ khi thầy càm ràm việc bà giấu bệnh.

Mùa đông năm đó, trời lạnh hơn bình thường. Rồi mùa xuân, mùa hạ, những cơn gió mùa nóng ran đến sớm. Những ao đầm cựa mình chớm những nụ sen đầu. Dọc đường lên chùa Cao Phong, những lá cờ năm sắc được đem ra cắm dọc hai bên đường. Dân thị trấn trầm trồ: “Phật đản năm nay tới sớm quá!”. Năm rồi, dịch dã tràn lan. Lễ lượt phải tiết giảm, bá tánh cũng ít lui tới chùa. “Phật đản năm nay làm lớn đó nghe!”. Chiều chiều người ta cười nói chỉ trỏ với nhau khi thấy các thầy mang cờ phướn đèn lồng ra trang trí dọc đường lên từ ngoài chân núi lên chùa. Những hàng thông cao vút được treo cao những chiếc đèn hoa sen hồng nổi bật.

Những cơn gió nóng vun vút thổi đi. Những đầm ao bắt đầu rực lên sắc hồng của những đóa sen. “Bạch thầy! Thầy ơi! Bà đi rồi!”. Một buổi sáng, chú điệu Huy vừa chạy hớt hải lên hậu liêu, rồi đứng lại thở hồng hộc thưa vọng vào.

 *

Thầy Tâm Tuệ bước thật nhanh về phía cửa nhà. Bà con, hàng xóm ra vào lặng lẽ. Thầy bước tới bên giường, bà Huệ nằm mắt nhắm như ngủ, môi bà thoáng đọng một nụ cười. Thầy nhìn mẹ thật lâu, như thể muốn ghi lại từng đường nét, nếp nhăn trên mặt bà. Thầy nhìn về phía bàn giữa nhà, mấy bó sen lớn nằm trong cuộn lá còn đặt ở đấy. “Sáng nay bà còn nhờ con xuống đầm nhà ông Tứ mua sen cúng Phật, con đem về tới thì bà đi mất rồi!”. Con bé Duyên cháu gái bà Huệ tới sau lưng thầy Tâm Tuệ thút thít khóc kể.

Thầy Tâm Tuệ vẫn lặng ngồi nhìn. “… Được vậy là má mãn nguyện rồi!”, lời bà Huệ nói hôm nào nơi hậu liêu chùa Cao Phong bỗng dội lại trong tâm trí thầy. Thầy đưa tay nắm lấy tay mẹ rồi bất giác mỉm cười.

Lương Hoàng/Báo Giác Ngộ

Quảng Tánh