Hướng dẫn cách chào hỏi và xưng hô của người Phật tử với chư Tăng
Phật tử phải biết cách đối xử, xưng hô với chư Tăng cho phải phép. Dưới đây là kể sơ lược một số oai nghi tế hạnh mà Phật tử tại gia phải giữ gìn.
1. Khi gặp một vị hay nhiều vị Tăng tại chùa hay ngoài đường, nên chắp tay kính cẩn chào, bằng cách niệm: “Nam mô A Di Đà Phật”, với vẻ mặt hoan hỷ với mình.
Lối chào ấy biểu lộ một tình cảm đậm đà, còn hơn lối chào bắt tay của người Âu Tây.
Sở dĩ chào nhau bằng một câu bảo hiệu Phật, là để nhắc rằng ai cũng có Phật tánh (bản tánh A Di Đà), nếu quyết chí tu, rồi cũng đến được cảnh giới Tịnh độ và cuối cùng sẽ thành Phật.
Oai nghi của người Phật tử trong đời sống
2. Về cách xưng hô, Phật tử tại gia không nên kêu chư Tăng bằng Huynh hay Sư huynh hay Đạo hữu mà nên kêu bằng thầy, mặc dù vị ấy là đồng sư.
Những tiếng Thượng Tọa, Đại Đức không nên quá lạm dụng, không phải đối với vị sư nào cũng gọi là Thượng Tọa hay Đại Đức được cả.
Chỉ đối với những vị sư có đạo hạnh, nhiều niên lập (tuổi Đạo), và đối với mình chưa quen thân lắm, mới nên dùng chữ Thượng Tọa hay Đại Đức.
Đối với các vị Bổn sư, các vị Tăng già mình thường quen biết, dùng chữ “Thầy” là phải cách và đầy đủ ý nghĩa nhất.
Thầy là có ý tôn kính như cha (quân, sư, phụ) và là người thường dạy bảo mình trên đường tu tập.
Thầy có vẻ vừa tôn kính, vừa thân mật, vừa chân thật, chứ không như chữ Thượng Tọa hay Đại Đức có vẻ xã giao kiểu cách, đãi bôi, bề ngoài.
Hiện nay đang lan tràn cái dịch, dùng danh từ Thượng Tọa và Đại Đức.
Chúng ta nên thận trọng mỗi khi dùng những chữ ấy, để khỏi bị người ngạo đạo hiểu lầm là quí vị Tăng già muốn được gọi như thế, vì còn thích chức tước, hư danh.
3. Trước khi vào chánh điện lễ Phật, phải rửa mặt, súc miệng, rửa tay cho sạch sẽ, để giày dép ngoài thềm cửa, đừng mang vào Điện mà tổn Phước.
Khi tiến tới Điện thì đi ở phía trái, khi ra thì đi về phía hữu, theo cách “hữu nhiễu” của nhà Phật (đi quanh theo chiều hữu, ab hay bảy vòng, để tỏ lòng kính mến Phật ).
Khi đi ra, phải chú ý coi chừng dưới chân, để tránh khỏi sự dẫm đạp trùng kiến.
Giữ được như thế, được phước đức hơn là phóng sanh mà không biết giữ.
4. Khi tụng kinh, phải chắp hai tay ngang ngực, mười ngón tay từng cặp bằng nhau, không so le, hai lòng bàn tay khít lại, đừng để trống giữa.
Chân đứng ngang bằng, hình chữ “bát”, mắt ngó xuống, chăm chỉ tụng cho các câu rành mạch, không nên ỷ giọng hay, tụng to tiếng động chúng.
Phải tụng cho ăn nhịp, theo tiếng mõ và tiếng tụng của ông Duy na (dẫn đầu).
Khi lễ Phật, năm vóc phải sát đất, nghĩa là đầu, hai tay, hai gối, phải sát chiếu, hết lòng thành kính mà lễ.
Khi lạy phải xích qua một bên, vì phía sau còn có chùa thờ Hộ pháp hay tượng Phật và nhường chỗ cho ngôi Trụ trì.
Khi lễ Phật xong, đi ra phải bước lui, mắt ngó tượng Phật, đừng quay lưng lại.
5. Trước khi cầm kinh hay tụng phải rửa tay.
Cầm kinh sách đem đi đâu, nên ôm trên ngực, đừng cặp bên nách như quyển sách thường, vì kính kinh như kính Phật.
Nếu cầm kinh mà muốn chào người, thì phải để kinh trên bàn trước khi chào.
Gặp trường hợp không có chỗ để kinh, thì ôm vào ngực mà chào: “A Di Đà Phật ” là được.
Kiêng nhất là cầm quyển kinh mà xá chào người.
Trên đây là kể sơ lược một số oai nghi tế hạnh mà Phật tử tại gia phải giữ gìn.
Oai nghi của người xuất gia thì nhiều lắm, nhưng không phải phạm vi của bài này, nên không nói đến.
Trích trong: Bổn phận của người Phật tử tại gia.
HT.Thích Thiện Hoa