Hội thảo đặc biệt về phát huy giá trị cụm di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian

Quảng cảnh chùa Trăm Gian – Ảnh: Xuân Đạt

Sáng 6-9, huyện Chương Mỹ, Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội đồng di sản văn hóa quốc gia tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian”.

Dự hội thảo có đại diện Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Sử học Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội, cùng nhiều nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết, việc tổ chức hội thảo khoa học về chùa Trầm, chùa Trăm Gian là cơ sở khoa học để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ tôn tạo, quy hoạch và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, tìm giải pháp cho các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý; đề xuất, định hướng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch của huyện.

Quang cảnh hội thảo

Cụm di tích Quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian là những di tích có lịch sử lâu đời, được dân gian ca tụng là hai trong “Tứ đại danh thắng của xứ Đoài” (chùa Trăm Gian, chùa Trầm, chùa Thầy và chùa Tây Phương).

Chùa Trầm (Long Tiên Tự) được xây dựng vào năm Cảnh Trị thứ bảy (1669), có địa thế rất đẹp, với các núi nhỏ bao quanh như: Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ. Chùa Trầm là di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, nơi Bác Hồ từng về thăm và làm việc. Đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên trong đêm 19, rạng sáng ngày 20-12-1946. Đến đầu năm 1947, Chùa Trầm và Đài Tiếng nói Việt Nam lại có vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đến thăm và đọc thơ chúc Tết toàn thể quốc dân đồng bào trên làn sóng phát thanh.

Chùa Trăm Gian (Quảng Nghiêm tự), theo truyền thuyết chùa có từ thời Lý Cao Tông (1185), trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhiều lần trùng tu, tôn tạo với những dấu ấn kiến trúc của các triều đại khác nhau. Đến nay chùa chủ yếu mang phong cách kiến trúc thời Lê, Nguyễn nhưng vẫn còn một số dấu tích kiến trúc thời Trần.

PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, đa phần các tham luận đi sâu vào các vấn đề về giá trị văn hóa vật thể (lịch sử – kiến trúc – nghệ thuật), thể hiện qua tư liệu chính sử, hồ sơ khoa học xếp hạng di tích.

Các giá trị văn hóa phi vật thể bao gồm truyền thuyết, văn học dân gian, vị thần được thờ, lễ hội, phong tục tập quán và các nội dung khác có liên quan.

Về hệ thống các di sản tư liệu Hán – Nôm hiện lưu giữ tại di tích, giá trị vật thể và phi vật thể của hệ thống văn bia, thần phả, sắc phong và các tư liệu khác tại cụm di tích.

Về giá trị về lịch sử cách mạng, kháng chiến tại di tích chùa Trầm gồm: một số sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946 và dấu ấn của Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời gian đầu cuộc kháng chiến chống Pháp đã sơ tán, làm việc tại chùa Trầm; những đóng góp trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ…

Tại hội thảo các chuyên gia cho rằng, hiện chưa khai thác được giá trị của di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian, để lãng phí một tài nguyên giá trị. Từ đó, đề xuất các giải pháp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của huyện, các ngành chức năng để cùng vào cuộc, bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích trên các yếu tố lịch sử, văn hóa, du lịch…

Trần Thụ/Kinh tế và đô thị