Hội luận: Sự cân bằng (3)
Vài hôm nữa đến sinh nhật bé Ti. Ông nội nhắc bác Ba qua hỏi cháu xem ngày nào để mua quà cho cháu. Nhớ tượng trưng thôi, cứ nói đến quà ai cũng nghĩ đến giá trị vật chất. Một món quà bao giờ cũng mang ý nghĩa tinh thần. Với bé Ti cái cần cân bằng bây giờ thì tinh thần lại nhiều hơn. Có lúc thấy nó nhìn lên bàn thờ ba nó mới thấy thương, có lúc chỉ cần ông nội về chở đi ăn bữa cơm chay, vậy là đủ. Giờ đây, ông nội tin chắc bác Ba, bác Hai có chở đi nhà hàng sang trọng cũng không bằng những buổi chiều cha con nó ra bến Bạch Đằng, café cóc, lon nước ngọt hay cây kem chuối thông thường…
Những kỷ niệm đối với nó lớn lắm, khoảng trống này không ai có thể lắp đầy. Người bù cho nó nhiều nhất chính là bà nội, sẽ không ai thương nó bằng bà nội. Ngược lại không ai thương bà nội hơn nó đâu, điều đó là chắc chắn. Ấy vậy mà vừa rồi bà nội lại nổi điên lên với nó. Tưởng chừng mọi thứ tan nát ra, nó chỉ biết khóc trước bàn phím rồi nhắn tin với nội. Và nội lại giải toả như đã từng giải toả cho ba nó, mọi thứ lại bình ổn. Nhưng ba đã nói với các con về bức thư định gửi cho ông nội, nó không bình thường chút nào đâu. Đó là dấu hiệu đầu của chứng trầm cảm mà WHO tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo về con số hơn 75 % dân số thế giới mắc phải.
Ảnh minh họa.
Trạng thái “nổi điên lên” của bà nội hay trạng thái “sợ hãi” của bé Ti đều là những dấu hiệu bất thường, dấu hiệu của bệnh tật. Chúng ta thường chỉ quan tâm bệnh thực thể, lo lắng, thuốc thang. Còn mặc nhiên với những diễn biến thuộc “tâm lý”.
Chúng ta đang sống trong thế giới của sự phân lập nhị nguyên: Khôn-dại, được-mất, hơn-thua, vật chất-tinh thần, thiện-ác v.v…Trong Hội Luận 2 ba phân tích có 3 hạng người liên hệ đến ba hệ qui chiếu một là khôn dại, hai là đạo lý, ba là nhân quả.
Hạng thứ nhất, gần như chiếm tỉ lệ cao hơn cả tỉ lệ mà WHO cảnh báo. Chính hệ qui chiếu khôn dại, được mất, hơn thua, vinh nhục, thành bại…đã tạo nên sự mất cân bằng, tạo nên bệnh trạng của con người thời đại. Sự mất cân bằng cũng dễ hiểu, các con cứ lấy vật chất-tinh thần để quán chiếu sẽ thấy. Sự nghèo nàn về tinh thần ngày càng lan rộng nhưng người ta không ai lo lắng. Trong khi sự giàu có lên về vật chất đang tạo nên ngã mạn, tự phụ, kiêu căng ngấm ngầm hay lộ liễu khoe mẽ. Rồi để bù vào sự nghèo nàn tinh thần là tình trạng mê tín. Con người khổ bởi sự lầm chấp, bởi không nhận diện được thiện-ác. Nhân quả hôm nay chính từ đó mà ra.
Trong đời sống phân lập nhị nguyên vừa kể chưa nói đến lớp người bất chấp đạo lý mà ngay cả có chút hiểu biết nhưng lầm chấp cũng tràn ngập. Đơn gỉản muốn triệt tiêu cái ác để cái thiện tồn tại một mình, được chăng. Không bao giờ có cái thế giới ấy. Thiện-ác, sinh-tử, được-mất, hơn thua…đó là qui luật cân bằng, qui luật âm-dương. Ý tưởng đả phá mê tín, công kích giáo phái, gây kỳ thị, hiềm thù đó chính là sai lầm căn bản nhất của Trưởng lão. Và nhân đó, và quả đó. Đức tin tôn giáo cũng xây dựng trong đời sống nhị nguyên thiện ác đó và luôn được tự cân bằng. Mọi xáo trộn, mất cân bằng, ảnh hưởng đời sống, an ninh, trật tự thì tức thì chịu sự can thiệp của chính quyền.
Thế cái ác cứ tự nhiên tồn tại quanh chúng ta sao? Các con đã nhận diện cái ác chính xác chưa? Cái bình gas ở nhà hằng ngày giúp đun nấu, chế biến biến thức ăn là thiện hay ác? Cái lò hơi ở nhà máy chế biến gỗ cũng thế. Sự cân bằng, sự làm chủ “áp suất” làm chủ phương tiện sử dụng. Biến cái thiện trở thành cái ác cũng do con người. Tình cảm con người chính là sự biến dịch thiện ác mạnh mẽ nhất. Các luật sư của ba, tất cả các án mạng vợ giết chồng, chồng giết vợ, các đôi tình nhân giết nhau rồi thậm chí phân xác chỉ vì yêu, vì ghen…Đâu phải họ không thương nhau đâu. Bệnh đấy, mất cân bằng đấy. Sống yêu thương vị tha, đôn hậu thì không ích kỷ, sống hợp đạo lý thì không ích kỷ.
Ba vừa cung cấp cho các con thêm một dữ kiện, thêm một luận cứ giúp bảo vệ thân chủ khi có dịp. Và trước tiên tự giúp mình trang bị cái nhìn sâu sắc hơn, nhân bản hơn, vị tha hơn trong cái thế giới đang ngày một tha hoá đến đáng sợ.