Hội luận: Kiếm tiền và tiêu tiền (16)
Trong khi cuộc sống như vòng xoáy, con người chỉ như chiếc lá. Ngay cả những người không phải bận tâm gì vì mọi điêu kiện vật chất có thừa. Nhà lầu, thậm chí biệt phủ, xe sang, hàng hiệu…nhưng rồi cái tư duy, nhận thức hay nói nôm na suy nghĩ thường nhật vẫn kiếm tiền và tiêu tiền.
Các cháu của nội!
Ông nội không dạy các cháu cách suy nghĩ phổ biến đó, cho dù các cháu của nội vẫn còn thiếu rất nhiều thứ. Bin được “nội tăng trợ cấp” lên 500.000 một tuần. Tưởng là nhiều sao: xăng cộ, phòng trọ, ăn uống hàng ngày.
Thỉnh thoảng gặp nội vẫn hay nhắc lại những bữa ăn sáng mà trước nội hay dắt đi. Bánh canh chợ cây dừa, bún riêu Cây Dầu Đôi, bánh canh Bình Minh, cháo lòng Cây Me…nội cười, khi nào con với Hùng (bạn Bin) đến thưởng thức, nói nội chuyển tiền cho ăn để “nhớ lại một thời” và Hùng được thưởng thức món ăn Nam Bộ. Nội đài thọ bữa ăn đó.
Bé Ti vừa nhận được phần thưởng cuối năm học vừa rồi chiếc điện thoại cầm tay mừng rơn. Cũng chẳng được bao lâu, giờ chán rồi, đang ước ao cái IPhone 12-13. So với mọi người các cháu còn thiếu nhiều thứ lắm. Nhưng trong hoàn cảnh mất cha, ông nội với lương hưu ít ỏi cố gắng cùng các bác, bác Hai vừa phụng dưỡng bà nội vừa lo Ti, ông nội lo Bin, nuôi dạy các cháu. Cha mất đúng trọn một năm học từ khi bắt đầu nhập học mà kết quả học tập của các cháu lại vượt lên hơn, không hề ảnh hưởng gì, Ti là học sinh xuất sắc. Bin cũng hứa với ông nội sẽ tăng tốc vào năm học tới.
Thỉnh thoảng nội về, nhìn lên bàn thờ ba các con. Dường như nó cười mãn nguyện lắm. Ước ao vươn tới đời sống đầy đủ hơn không có gì đáng trách. Nhưng như ông nội vẫn dạy Bin khi những ngày hè phụ việc quán cafe. “Khi tiêu đồng tiền mình làm ra, con sẽ cảm nhận đầy đủ nhất vật chất với tinh thần”.
“…Một khi con người cứ bước tới, bất chấp, bằng sự hiếu thắng, bằng sự nông nổi, bằng những hằn thù vô cớ. Nói chung, cách mà nội thường nói: Con người dùng toàn bộ thời gian cho sinh kế và thụ hưởng quên mất tư duy (rèn luyện chánh tư duy), không biết tha thứ, không biết yêu thương, không tự điều chỉnh mình hay nói chữ một chút đó là luôn luôn phản tỉnh, thì dễ dẫn đến trầm cảm, đến thần kinh. Nặng hoặc nhẹ thôi, không thể khác…”
Một trong những lý do dẫn đến hiện trạng mà WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) cảnh báo về chứng trầm cảm trong toàn nhân loại đã đến mức 75% (Công bố khoảng năm 1990 thì phải). Giờ thì chưa biết đã tăng đến mức nào nhưng cứ đi đường, cọ quẹt phát là nhảy xuống xắn tay áo, và những cái chết đột tử ngoài sức tưởng tượng.
Tất nhiên, nội không mong các con cháu mình tiếp tục rơi vào trạng thái vừa nói: trầm cảm. Và cũng chính vì vậy mà truyền đạt đến các cháu cách sống mạnh mẽ hơn, hồn nhiên hơn, trách nhiệm hơn, hiểu biết hơn và luôn thường trực sự phản tỉnh để đời sống không chỉ kiếm tiền và tiêu tiền, mà còn rất nhiều thứ thật hay, thật đẹp, thật giá trị…mà ta bỏ qua. Ví dụ như những tâm hồn cao thượng.
Ông nội đã gửi đến các cháu, nhưng giờ các cháu quá nhiều thông tin, quá nhiều thú tiêu khiển giải trí nên lãng quên. Thời ông nội còn đi học, mê sách, phải lén ông cố chứ không được như các cháu đâu. Cầm trên tay bất cứ sách gì ngoài sách giáo khoa coi chừng no đòn.
Thời các cháu mọi thứ vật chất đều không mang giá trị tinh thần. Do đó, cái mới được nâng niu sẽ bị quên lãng không lâu sau đó. Thông tin thời sự cách đây vài hôm, chiếc xe sang loại vài chục tỉ đâm bẹp dúm trên xa lộ. May mà con người thoát được, không nguy hiểm tánh mạng. Thử tưởng tượng, bác Hai hay bác Ba mà có chiếc xe đó sẽ ôm nó mà ngủ, phải không?
Thực tế lại không phải vậy! Nếu các bác có điều kiện như thế lại sẽ coi chả là gì cả sau một thời gian sử dụng. Giống như chiếc điện thoại của Ti vậy. Vật chất phải đi kèm tinh thần là vậy. Đời sông không chỉ kiếm tiền và tiêu tiền, các cháu ạ.
Kỳ Nam