Hồi ký về song thân của tôi
Tôi sinh ra tại Trạm xá Phú Cát trên đường Chi Lăng, bên dòng Hương Giang thơ mộng khởi nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ chảy ngang Đại Nội Huế rồi xuôi về cửa biển Thuận An.
Tôi sinh thật là 4.3.1973, tức nhằm ngày 30 tháng Giêng năm Quý Sửu nhưng trên CCCD hiện tại là ngày 12.10.1973 do hồi đó Ba tôi về phép trễ đến bảy tháng. Nói theo triết học Tây phương thì tôi nằm trong cung hoàng đạo Song Ngư. Còn nói theo triết học phương Đông thì tôi sinh tại cung Thân cư thê.
Ba tôi mất ngày 9.2.1975 tại Hoài Nhơn – Bình Định thuộc Sư đoàn 22 của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Mẹ tôi nhận tiền tử tuất của ba tôi xong thì hai miền Nam Bắc thống nhất (30.4.1975). Sau đó hai năm, khi đang mua đồ xe đạp cũ từ nông thôn dọc bờ biển Thừa Thiên Huế đem về thành phố Huế bán kiếm lời thì Mẹ bị mất cắp hết số tiền này luôn.
Sau khi Ba tôi mất, Mẹ tôi xin phép ôn Nội về nhà Ngoại ở nên tuổi thơ tôi trải dài trên đường Bạch Đằng. Làng ngoại tôi ở tên là Thế Lại do một vị Đại tướng tên Hồ Long khai khẩn sau khi nhận Thánh chỉ của vua Trần Nghệ Tông (1370 – 1372) vào tiếp quản vùng Hóa Châu. Tại đây tôi đã vui đùa và bị té ngã chấn thương phần sau ót (gáy) lúc tôi khoảng sáu tuổi. Sau đó tôi bị sốt co giật và nhờ chú Bửu dùng xe máy chở tôi đến Bệnh viện Trung ương Huế kịp thời nên tôi mới được cứu sống. Đó cũng là di chứng ảnh hưởng đến trí tuệ yếu kém của tôi sau này. Bằng chứng là tôi đã lưu ban một năm ở Trung học Phổ thông và thi đến lần thứ ba mới đậu Đại học.
Mẹ tôi buôn bán đồ xe đạp cũ được mười năm (1975 – 1985) thì chuyển sang buôn áo quần cũ từ thành phố Hồ Chí Minh về Huế bán kiếm lời. Cuộc sống vốn vất vả nên tuổi thanh xuân Mẹ qua nhanh nhường chỗ cho nhiều nếp nhăn hằn lên khuôn mặt già nua theo dòng thế sự. Sức khỏe Mẹ giảm dần theo năm tháng tỷ lệ thuận với nhiều biến động xô bồ của cuộc sống thường nhật.
Từ 2013 khi đang bước vào độ tuổi ‘Tứ thập bất hoạt’, tôi tiếp tục nghĩ về bệnh tật – về Ba tôi mất sớm (1942 – 1975) sợ rằng Người đang ở Uổng tử thành nên tôi quyết tâm dựa vào tha lực cứu độ của Ngài Dược Sư ở Đông phương. Thực tế, tôi đã vì thân phụ mà đóng hai triệu đồng vào lễ Trai đàn – Bạt độ trong ba ngày 9 – 10 – 11 tháng 6 Âm lịch năm nay (Quý Mão) tại Nguyễn Đình tộc làng Phước Yên bên dòng sông Bồ xứ Quảng Điền của Thừa Thiên mà tôi thuộc thế hệ thứ 12, phái Sáu.
Là trưởng tử của Như lai như hàng Tăng – Ni.
Là kế tử của Như lai như hàng Cư sĩ.
Là út tử của Như lai như tôi (Phật tử).
Là ngoại tử Như lai như hàng chúng nhân vẫn còn chưa đủ tin vào Tôn giáo khiến họ ngập ngừng chưa muốn quy thuận.
Tựu trung làm người con thực hành hiếu nguyện trọn vẹn với Song thân, chúng ta buộc phải bước vào chân trời Bát nhã vốn thuần thiện, vô nhiễm bằng Giới – Định – Tuệ. Nương theo quả vị Bất thối chuyển và Vô sanh pháp nhẫn của hai Ngài A Di Đà và Dược Sư, chúng ta miên tấn – dần tiến đạt đến tâm – hình thoát tục mà vẫn không rời thế tục bởi Phật pháp vốn bất ly Thế gian pháp. Trên lộ trình đầy gian nan mà vinh quang của Lục độ ba la mật, chúng ta buộc hành trì pháp môn Niệm Phật (A Di Đà và Dược Sư) đạt mức Tam muội. Nói cách khác, trong từng ba hơi thở dành cho bản thân chúng ta phải lồng ghép danh hiệu hai Ngài cùng với các thần chú sau:
Nam mô Vô lượng quang A Di Đà Phật – Ba (Mẹ)
Nam mô Tiêu tai Diên thọ Dược Sư Phật – Mẹ (Ba)
Om Vajra Pa Ni Hum*
(Dành cho hơi thở đầu)
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô Dược Sư Phật
Nam-mô bạt dà phạt đế
Bệ sát xả
Lụ rô thích lưu ly
Bát lặt bà
Hắt ra xà dã
Đát tha yết đa da
A ra hắt đế
Tam miệu tam bột đà da.
Ðát điệt tha.
Án
Bệ sát thệ
Bệ sát thệ
Bệ sát xã
Tam một yết đế tá ha **
(Dành cho hơi thở thứ hai)
Nam mô Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ tát ma ha tát (3 lần: Giới- Định- Tuệ)
Om Pra Ma Ni Da Ni Soha*** (3 lần: Tín – Nguyện – Hạnh)
(Dành cho hơi thở thứ ba)
Làm đạt như thế tức là chúng ta hòa nhập được vào hỷ lộ của Thánh chúng nhằm hàng phục được ma oán của Tam độc. Rằng tham mà không lạm để viên lộc, sân mà không hận để viên thọ, si mà không mê để viên phúc.
Cuối cùng, để “Bến đỗ bình yên” vĩnh cửu trong mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội chúng ta buộc phải rời khỏi vùng an toàn giả tạm của bản ngã – cố chấp. Từ đây ta vượt qua dòng sông nhẫn nhục vốn tích chứa ba luồng sóng ngầm của Tam độc: Tham – Sân – Si bằng con thuyền Bát nhã chất đầy Vô ngã – Vị tha. Bằng nén Tâm hương thanh tịnh, kính nguyện cầu mười phương chư Phật cho chúng ta Thất bảo của quý Ngài. Đó là: Tín – Tinh tấn – Tàm – Quý – Trí tuệ – Đa văn và Chánh niệm như hành trang bất ly thân để tấm thân Tứ đại giả hợp này đưa được Song thân cập bờ Giác ngộ ngay trong hiện kiếp.
Thế lại – Huế, mùa Vu lan Quý Mão 2023 (PL: 2567).
Chú giải:
* Kim Cang Thủ thần chú.
** Dược Sư thần chú.
*** Địa Tạng Vương thần chú.
Ba thần chú trên là lý thuyết căn bản của Mật thừa giúp hiệu quả hóa pháp môn niệm Phật. Cụ thể, chúng giúp hành giả trầm tĩnh xử lý rốt ráo ma chướng, tỉnh trí phòng trừ tà vạy ngõ hầu trú vững trong bến đỗ bình yên trên bước đường tự tu – tự độ – độ tha ít nhất là dành cho Song thân mình.
*Phật tử Nguyễn Đình Mỹ là tác giả đạt giải Nhất cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi”
Nguyễn Đình Mỹ