Hồi hướng phước đức
Ảnh minh họa
Hỏi: Sau khi tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền hay làm phước, phóng sinh v.v… tôi thường hồi hướng phước đức cho bản thân, gia đình và khắp pháp giới chúng sinh. Gần đây tôi nghe một số người nói: Tu tập hay làm các việc công đức thiện nguyện xong nên hồi hướng phước đức ấy cho người cùng tất cả chúng sinh, không nên hồi hướng cho riêng mình thì mới thật sự được phước. Nói như vậy có đúng không?
(NGUYÊN SA, sanguyen… @gmail.com)
Bạn Nguyên Sa thân mến!
Tôn chỉ của tu tập theo đạo Phật là lợi mình (tự lợi) và lợi người (lợi tha). Thế nên, sau khi tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền hay làm phước, phóng sinh v.v… bạn hồi hướng phước đức cho bản thân, gia đình và khắp pháp giới chúng sinh, nguyện cầu mọi sự tốt lành là đúng với Chánh pháp.
Đối với ý kiến – chỉ nên hồi hướng phước đức cho người và chúng sinh mà không hồi hướng cho riêng mình, như thế mới thật sự được phước – cũng có lý lẽ riêng. Trước hết, khi ta tu tập hay làm việc phước thiện với tâm thành thì tự thân đã thành tựu phước đức, dù có hồi hướng cho mình hay không. Điều này thuận hợp với quy luật vận hành của nhân quả – nghiệp báo.
Tuy nhiên, việc hồi hướng phước đức cho bản thân không đơn thuần chỉ là hồi hướng mong cầu phước báo mà còn là hồi hướng phát nguyện tiến tu. Ví dụ, nguyện nhờ công đức phước báo tu tập này mà con được nghiệp chướng tiêu trừ, thân khỏe tâm an, tinh tấn tu hành, về sau thành tựu giải thoát. Nguyện nhờ công đức phước báo tu tập này mong cho Phật pháp hưng thịnh, Tăng-già hòa hợp, tứ chúng đồng tu, hết thảy đều thành Chánh giác. Như vậy, hồi hướng mong cầu phước báo cho bản thân thì có thể tùy duyên, có cũng được mà không cũng chẳng sao nhưng hồi hướng phát nguyện tiến tu cho bản thân và hết thảy thì rất cần.
Mặt khác, việc không hồi hướng phước đức cho riêng mình có ý nghĩa góp phần xả bỏ cái tôi cá nhân, buông bỏ chấp thủ tự ngã. Mọi sự tu tập thiện pháp đều hồi hướng về Vô thượng Bồ-đề, giác ngộ và giải thoát nên cần xa lìa tự ngã. Tuy bản thân vẫn được tự lợi nhưng không có ý niệm cho riêng mình, thuận theo nhân quả mà vẫn xả ly buông bỏ để luôn tự tại, thong dong; như thế phước đức mới vô lượng.