Học tu chánh niệm

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1258 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

 Là tu sĩ, chúng tôi đặt nặng giá trị của việc chánh niệm về những điều bình thường, như là rửa bình bát khất thực, may y áo, hay chăm sóc các bậc trưởng lão – tất cả những việc rất tầm thường. Nhưng nhìn chung lại những điều này làm cho cuộc sống có sự quan tâm lẫn nhau.

 

Đó là một sự rèn luyện khá đơn giản, nhưng với thời gian, nó có tác dụng sâu sắc lên con người. Giữ chánh niệm liên tục về các hoạt động hàng ngày khuyến khích sự hiện diện, sự tỉnh thức, và sự có mặt với cách mọi thứ đang là, để giữ cho tâm không lang thang đi vào quá khứ hoặc tương lai.

Ở cả hai cấp độ bên trong và bên ngoài, việc rèn luyện này rất quan trọng, vì đó là điều sẽ giúp bạn có thể hy vọng đạt được khả năng làm tốt mọi việc. Có lần sư muốn đóng các trang ghi chú của mình thành một tập sách nhỏ, bằng cách sử dụng một phương pháp đóng sách rất đơn giản, nhưng lâu rồi sư không sử dụng tới. Sư đóng bốn cuốn sách nhỏ, mỗi cuốn khoảng hai mươi trang.

Tập sách đầu tiên sư đóng không được tốt lắm, nhưng tập thứ hai khá hơn. Đến tập thứ tư, sư cảm thấy khá hài lòng với kết quả. Chúng ta cũng học mọi thứ theo cách này. Khi chúng ta làm điều gì đó một cách chánh niệm và thực sự có mặt với cách mọi thứ đang diễn ra, chúng ta sẽ biết cần làm gì để kết quả được tốt hơn. Nói cách khác, chúng ta tham gia vào một quá trình học hỏi đơn giản chỉ bằng cách chú ý kỹ đến những việc tầm thường chúng ta vẫn làm hàng ngày.

Tất nhiên, các nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho thế giới nội tâm của chúng ta – mặc dù sự thay đổi trong lĩnh vực này phức tạp hơn. Phải mất rất nhiều kiên nhẫn và quyết tâm để biến một tâm trí lo lắng kinh niên thành một tâm trí yên bình. Cách thực hành chánh niệm này khó khăn hơn nhiều so với việc đóng vài trang sách rời dính vào nhau, nhưng phương thức hoạt động cũng tương tự. Nếu đóng sách, bạn cần phải biết văn bản nằm ở mỗi trang, số thứ tự của các trang, v.v…

Tương tự, khi bạn cố gắng chuyển đổi thế giới nội tâm của mình, rõ ràng là bạn cần phải nhận thức được những gì đang xảy ra ở đó. Nhưng chúng ta thường xuyên bỏ quên việc đưa ý thức vào nội dung của cuộc sống nội tâm của ta. Khi học cách biết thế giới nội tâm, chúng ta có thể bắt đầu với việc thực hành đặt tên cho mọi thứ.

Thí dụ, nếu sư đang tham gia vào một công việc thể chất và muốn nó kết thúc nhanh, sư thầm đặt tên cho trạng thái tâm đó bằng chữ “vội”. Việc dán nhãn các trạng thái tinh thần này là một bài tập rất đơn giản, nhưng nó giúp ta ý thức được đời sống nội tâm của mình. Ngay khi ta vừa dán nhãn cho một trạng thái tâm cụ thể, nó đã trở nên cụ thể hơn.

Nếu ta không bao giờ ý thức được sự thất vọng, bồn chồn, sợ hãi hoặc bất cứ điều gì ta đang cảm nhận, thì ta không bao giờ có thể làm gì với nó. Và nếu ta không bao giờ làm gì với nó, thì nó không bao giờ có thể thực sự chấm dứt; nó chỉ mưng mủ. Tuy nhiên, những người rất trí tuệ đôi khi có thể bị cuốn vào việc phải tìm thật đúng tên cho một trạng thái tâm nhất định.

Thí dụ, họ có thể tự hỏi, “Đây là nghi hay đây là sự không chắc chắn?”. Nhưng vấn đề không phải là chấp vào việc mô tả hoàn hảo, mà chỉ đơn giản là làm cho ta ý thức về mọi thứ. Trở nên có ý thức về thế giới nội tâm là một phần quan trọng trong việc thực hành ý thức. Đã bao lần chúng ta cảm thấy thất vọng về điều gì đó, và rồi vẫn tiếp tục cảm thấy thất vọng mà không thực sự có sự thức tỉnh nào với điều đó? Thức tỉnh với điều gì đó có nghĩa là tự nhủ, “Đây là sự thất vọng; cảm giác thất vọng là như thế này đây”.

Nhờ vậy, chúng ta sẽ nhận thức đầy đủ về cảm giác thất vọng nơi thân. Chúng ta có thể trở nên ý thức hơn về trạng thái tâm khó chịu bằng cách bỏ qua những tình tiết thêu dệt liên quan đến nó, và thay vào đó cảm nhận trạng thái tâm biểu hiện bằng sự căng thẳng nơi thân như thế nào. Bằng cách này, chúng ta trở nên khách quan hơn, và ít dính mắc hơn, với các trạng thái tâm.

Mặc dù phiền não vẫn còn đó, nhưng quan điểm khách quan này cho phép chúng ta sử dụng sự nỗ lực theo hướng chuyển hóa trạng thái tâm bất thiện đó thành một trạng thái lành mạnh hơn, thay vì chạy theo nó một cách thiếu cân nhắc. Nếu chúng ta không đặt bất kỳ nỗ lực nào vào việc trở nên ý thức hơn về đời sống nội tâm, chúng ta có thể bị cuốn vào một loạt các phản ứng đối với một trạng thái tâm cụ thể nào đó, kể cả việc tự trách vì đã cảm giác theo cách này ngay từ lúc đầu.

Cuộc sống là một loại tương tác giữa những gì chúng ta cảm nhận và cách chúng ta phản ứng. Cuộc sống đến với chúng ta thông qua các giác quan, thông qua ký ức, và sau đó là các phản ứng với điều này, điều nọ. Nếu ta không nhận thức được quá trình tự nhiên này, thì ta chỉ là nạn nhân của thói quen hay hoàn cảnh. Không có tự do trong đó. Nhưng nếu có sự hiện diện của tâm để biết rằng, thí dụ, “Đây là sự không chắc chắn; cảm giác không chắc chắn là như thế này”, thì điều này mang lại cho trí tuệ trong tâm ta một cơ hội để hoạt động một cách khéo léo.

Vì vậy, khi chúng ta có một hoàn cảnh sống mang lại sự lo âu hay sợ hãi, điều quan trọng là thực hành với tâm trạng đó. Chúng ta có thể mang lại nhận thức cho tình huống đó – cho dù đó là sức khỏe, công việc làm hay bất cứ điều gì khiến bạn lo âu. Về mặt xã hội, chúng ta cố gắng hết sức để đối phó với tình huống đầy thách thức này.

Nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn vào bên trong với các phản ứng của mình trước cảm giác không chắc chắn, rồi học cách rèn luyện với chúng. Điều này đúng với bất kỳ tâm trạng hay cảm xúc tiêu cực nào phát sinh: thay vì đắm mình trong đó, chúng ta sử dụng chúng để củng cố sự hiểu biết của mình về chúng, từ đó làm phát sinh trí tuệ để thực hành buông bỏ chúng.

Chúng ta cũng học mọi thứ theo cách này. Khi chúng ta làm điều gì đó một cách chánh niệm, và thực sự có mặt với cách mọi thứ đang diễn ra, chúng ta sẽ biết cần làm gì để kết quả được tốt hơn. Nói cách khác, chúng ta tham gia vào một quá trình học hỏi đơn giản chỉ bằng cách chú ý kỹ đến những việc tầm thường chúng ta vẫn làm hàng ngày.

Một khi bạn đã ý thức được những gì đang xảy ra trong thế giới nội tâm của mình bằng cách đặt tên hoặc thừa nhận nó. Thí dụ ta nói, “Đây là sự thất vọng; cảm giác thất vọng là như thế này”, rồi bạn có thể chọn cách phản ứng với điều đó. Sự lựa chọn là cách bạn rèn luyện tâm trí. Thí dụ, bạn có thể quyết tâm không làm theo một số tâm trạng tiêu cực xuất hiện. Điều này rất quan trọng, bởi vì nếu bạn theo đuổi tâm trạng tiêu cực đó mà không có nhận thức, bạn có thể suy nghĩ theo những cách gây ra đau khổ không cần thiết cho bạn và cho người.

Khi chúng ta quan sát hành động của mình và kết quả của chúng, ta có thể nhanh chóng thấy rằng tốt hơn là không nên đi theo cốt truyện mà tâm phản ứng trình bày. Thay vào đó, tốt hơn là đưa vào tâm trí những suy nghĩ sẽ tạo ra kết quả tốt. Thí dụ, tôi có thể cảm thấy lo lắng về tương lai. Mặc dù tôi đã làm mọi thứ có thể để lên kế hoạch cho một kết quả tích cực, tâm tôi muốn tiếp tục hướng tới tương lai để cố gắng đoán biết điều gì sẽ xảy ra. Đó là do nỗi sợ hãi thúc đẩy, tâm tôi muốn cố gắng giải quyết vấn đề của tương lai chưa biết.

Vì vậy, tôi tự nhủ, “Cảm giác sợ hãi là như thế này đây. Đừng làm theo suy nghĩ đó”. Tất nhiên, tôi phải tập làm điều đó hàng trăm lần… Nhưng dù mọi thứ diễn ra chậm chạp như thế nào, những thay đổi nhỏ nhặt mà nhận thức mang lại có tác dụng tích lũy sâu sắc đối với ý thức của con người. Đó là vì toàn bộ hướng suy nghĩ của chúng ta – vốn hướng tới nỗi sợ hãi và ảo tưởng – không còn được khuyến khích nữa. Chúng ta đã quay lại và đang đi theo hướng khác.

Một phương hướng mà ta chọn thường gắn kết với sự phát triển của những tập khí mới và tích cực của tâm thức. Khi ngồi thiền, chỉ cần nghĩ về tất cả những phẩm chất lành mạnh mà bạn đang trau dồi. Bạn chắc chắn đang phát triển khả năng ý thức về chuyển động bên trong. Và khi ngồi thiền bị khó khăn, là bạn đang học cách thừa nhận rằng bạn không muốn có mặt ở đó. Bất cứ điều gì đang xảy ra, bạn đang nuôi dưỡng sức mạnh đáng yêu này để tỉnh táo với kinh nghiệm của buổi thiền.

Điều này không có nghĩa là bạn đánh giá chất lượng của việc ngồi dựa trên việc bạn có định tâm mạnh hay không. Thay vào đó, chỉ có phẩm chất của ý thức đầy đủ về bất cứ điều gì đang có mặt trong thời gian thiền định. Sự nhận thức đầy đủ về bất cứ điều gì đang phát sinh trong thế giới nội tâm là những gì chúng ta muốn mở rộng vào cuộc sống hàng ngày. Nhưng nhớ để làm điều này là việc khó. Khi một cảm giác tiêu cực như cáu kỉnh xuất hiện, có thể là một thách thức để ta thực sự có thể tỉnh táo với sự kích thích đó.

Vào những lúc đó, ta chỉ cần tin tưởng vào sự thực hành này bởi vì tác ý của ta tốt. Bạn chỉ cần phát triển niềm tin vào ý thức đó đầy đủ. Bạn không cần phải thoát khỏi tâm trạng hay cảm xúc tiêu cực đó, cũng không phải ghét bản thân vì có nó; nhưng bạn phải tỉnh táo với nó – với tất cả. Khi ở lại với một cảm xúc tiêu cực như cáu kỉnh, chúng ta bắt đầu thấy sự chấm dứt của các năng lượng tiêu cực, ngã mạn này. Tại sao? Vì chúng ta không bám chấp vào cảm giác khó chịu đó. Chúng ta không phản ứng lại với nó. Chúng ta chỉ nhìn nó như nó là.

Khi ý thức về các biến động của cuộc sống nội tâm trở nên nhất quán hơn, bạn sẽ thấy rằng chánh ngữ bắt đầu hoạt động bởi vì giờ bạn tỉnh táo với những xung động mà nếu không như thế, sẽ đưa bạn đến lời nói sai. Với tà ngữ, ta sẽ muốn nói lời lăng mạ, chia rẽ, vu khống, lan truyền tin đồn và nói dối. Trái ngược với điều này là chánh ngữ, là lời nói đúng, hài hòa, nhẹ nhàng, trung thực và đáng để ghi nhớ….

Chúng tôi cố gắng tối giản các nhu cầu về cuộc sống trong tu viện. Quán tưởng về mức sống tối thiểu của người tu sĩ khá hữu ích, vì nếu không tâm có thể trở nên tham lam đối với những “thứ cần có thêm” mà ta nghĩ sẽ làm cho ta hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Ta quên mất rằng ta thực sự cần rất ít để sống một cách tốt đẹp.

Do đó, khi tâm bắt đầu muốn sự vật khác với bản chất của chúng, quán tưởng đến bốn điều kiện cần thiết này nơi tu viện có thể là một sự rèn luyện hữu hiệu. Trong đời sống tu viện, chúng tôi được huân tập thói quen quán tưởng những điều rất đơn giản vào những thời điểm khác nhau. Chẳng hạn, trước bữa ăn chính, chúng tôi tụng: Khi quán tưởng rõ ràng, tôi sử dụng thức ăn được bố thí này không phải để hưởng thụ, để vui đùa, để vỗ béo, để làm đẹp, mà chỉ để duy trì và nuôi dưỡng cơ thể này, để giữ cho nó khỏe mạnh, để giúp đỡ đời sống thánh thiện. Nghĩ như vậy, cơn đói sẽ được xoa dịu và tôi không ăn quá độ, để tôi có thể tiếp tục sống không lỗi lầm và thoải mái. Tụng điều đơn giản này mỗi ngày có thể so sánh với việc có một tấm gương để soi thái độ của người tu sĩ đối với thực phẩm….

Ở tu viện, chúng tôi cũng được huấn luyện để quan tâm đến các bậc trưởng lão. Thí dụ, một Sa-di tập sự sẽ được chỉ định chăm sóc một nhà sư cao hạ hơn. Sự quán chiếu được dùng trong phương cách huấn luyện này là, “Tôi có thể giúp đỡ người này như thế nào? Làm sao tôi biết họ có ổn hay không?”. Đây là một cách đào tạo tuyệt vời cho các Sa-di. Phải quan tâm đến nhu cầu của người khác ngoài bản thân bạn, ngày này qua ngày khác có thể làm thay đổi tâm trí bạn.

Nói chung, đó là những gì mà ta cần rèn luyện trong đời sống ở tu viện hay tại gia: làm những điều nhỏ nhặt nhưng với thời gian có thể thay đổi chúng ta sâu sắc. Dĩ nhiên, trong quá trình sống, chúng ta có thể trải nghiệm những hiểu biết sâu sắc và các sự kiện làm thay đổi đời ta. Tuy nhiên, việc chú tâm vào từng khoảnh khắc trong pháp tu của mình là những bước căn bản thiện lành, tạo nền tảng cho những điều lớn lao hơn như tự do, hạnh phúc và hòa bình….

Ajahn Viradhammo

(Diệu Liên Lý Thu Linh, lược dịch từ Learning to Bookbind, Learning to Practice, 6-2024