Học cách thỉnh chuông
Ta chỉ nên thỉnh chuông khi tâm ta có đủ bình an và lắng dịu, bởi vì tiếng chuông có khả năng phản ánh được trạng thái của tâm. Khi ta có bình an và lắng dịu thì ta mới có thể giúp cho người khác cũng làm được như vậy. Chúng ta đọc một bài kệ trước khi thỉnh chuông.
Thở vào, ta đọc thầm:
Ba nghiệp lắng thanh tịnh.
Ba nghiệp là thân, miệng và ý. Câu này nghĩa là chúng ta có sự tập trung trong giây phút hiện tại. Khi thở ra, ta đọc thầm:
Gửi lòng theo tiếng chuông.
Câu này nghĩa là ta gửi tình thương đến với mọi người, mọi loài trên thế giới. Hơi thở vào tiếp theo, ta đọc thầm:
Nguyện người nghe tỉnh thức.
Tỉnh thức tức là chánh niệm, là không còn sống trong quên lãng. Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt, giúp chúng ta quay về với giây phút hiện tại, quay về trong tỉnh thức. Hơi thở tiếp theo, ta đọc thầm:
Vượt thoát nẻo đau buồn.
Khi thỉnh chuông, nếu các em quên đọc kệ cũng không sao, nhưng cố gắng nhớ làm điều đó thì rất hay.
Chúng ta có thể dạy các em một bài kệ khác:
Thở vào, tâm tĩnh lặng.
Thở ra, miệng mỉm cười.
Nếu ta sử dụng bài kệ ngắn thì đọc hai lần. Nên cho các em thở vào, thở ra ít nhất là hai lần trước khi nâng chuông lên. Nếu có thời gian thì cho các em tự sáng tác bài kệ thỉnh chuông và nghe chuông để các em áp dụng dễ dàng hơn.
Vừa theo dõi hơi thở vừa đọc thầm bài kệ sẽ giúp cho thân và tâm chúng ta hợp nhất. Với sự chú tâm, chúng ta cầu chúc cho những ai nghe được tiếng chuông này có thể quay về với hơi thở và mỉm cười để thoát ra khỏi những buồn giận, khổ đau và lo lắng của họ. Thở vào, thở ra hai lần với bài kệ, các em có đủ phẩm chất để làm một vị thỉnh chuông giỏi, dù các em chỉ mới 6 hay 7 tuổi.
Chúng ta dùng từ “thỉnh chuông” chứ không dùng từ “đánh chuông” hay “gõ chuông”, vì ta tôn trọng chiếc chuông, ta biết là tiếng chuông có thể giúp ích cho rất nhiều người. Bây giờ, chúng ta chắp hai tay lại; thân và tâm hợp nhất, ta xá chuông để bày tỏ sự cung kính đối với chuông. Chúng ta đặt chuông trong lòng bàn tay duỗi thẳng, nâng tay lên ngang bình diện trái tim. Với tay còn lại, ta nhấc dùi chuông lên và nhấp chuông để báo cho mọi người biết là sắp có một tiếng chuông vang lên, để mọi người có thời gian dừng lại, chuẩn bị thân tâm để thưởng thức trọn vẹn tiếng chuông mà không bị bất ngờ. Sau khi nhấp chuông, ta thở vào, thở ra một lần trước khi thỉnh chuông. Tiếng chuông phải tròn đầy và rõ ràng. Nếu chúng ta lỡ thỉnh một tiếng chuông quá yếu thì ta nên thỉnh lại một tiếng chuông khác mạnh hơn. Chúng ta thưởng thức ba hơi thở vào, ra. Sau đó, đặt chuông xuống và xá.
Khi các em đã biết thỉnh chuông, chúng ta yêu cầu các em thỉnh chuông khi bắt đầu và kết thúc buổi sinh hoạt. Ta nhắc các em bình tâm và nhớ thở vào, thở ra hai lần trước khi thỉnh chuông. Khuyến khích các em nên có một cái chuông tại nhà. Mỗi khi không khí trong gia đình căng thẳng, bất hòa, giận hờn nhau, các em có thể thỉnh chuông để nhắc ba mẹ trở về với hơi thở. Nhiều em đã thực hành như vậy tại nhà.
Trích từ “Trồng một nụ cười”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh