Học cách hiểu thất bại

Học cách hiểu thất bại thế nào là một kỹ năng rất cần trong cuộc sống

Học cách hiểu thất bại thế nào là một kỹ năng rất cần trong cuộc sống

Thông thường có hai cách để chúng ta đối phó. Một là, chúng ta đổ lỗi cho người khác, như là chủ của mình, người cộng sự với mình, hay bất cứ ai khác. Hai là, chúng ta cảm thấy mình quá tệ và tự cho mình là kẻ thất bại.

 

Chúng ta thường nghĩ rằng thất bại là cái xảy đến cho mình từ bên ngoài.

Học cách hiểu thất bại thế nào là một kỹ năng ít được nói đến, nhưng lại rất cần trong cuộc sống. Samuel Beckett có lần nói rằng: “Cố gắng một lần nữa. Thất bại một lần nữa. Thất bại khá hơn nữa” (Try again. Fail again. Fail better). Câu nói này sẽ giúp các bạn nhiều hơn bất cứ thứ gì khác trong1 năm sau, 10 năm sau, 20 năm sau, hay đến khi nào bạn vẫn còn sống.

Người ta nhấn mạnh nhiều đến sự thành công. Chúng ta, ai cũng muốn thành công, đặc biệt nếu mình xem thành công là cái gì đó xảy ra theo đúng ý muốn của mình. Thông thường, chúng ta ít chuẩn bị cho thất bại. Vậy, học cách thất bại làm sao?

Chúng ta thường nghĩ rằng thất bại là cái xảy đến cho mình từ bên ngoài: Chúng ta không có một mối quan hệ tốt, hay đã có một mối quan hệ mà kết cuộc thật đau thương; chúng ta không thể kiếm được việc làm hay bị đuổi việc; hay trong bất cứ hoàn cảnh nào mà sự việc xảy ra không đúng như ý muốn.

Thông thường có hai cách để chúng ta đối phó. Một là, chúng ta đổ lỗi cho người khác, như là chủ của mình, người cộng sự với mình, hay bất cứ ai khác. Hai là, chúng ta cảm thấy mình quá tệ và tự cho mình là kẻ thất bại.

Chính vì điều nầy nên chúng ta cần nhiều sự giúp đỡ: cảm thấy rằng trong con người mình vốn có một cái gì đó không được ổn, rằng mối quan hệ, công việc làm, hay bất cứ thứ gì mình làm đều không thành tựu, như là đã bỏ lỡ cơ hội, làm sai một cái gì đó, và đủ thứ điều đau lòng khác, là do mình vốn có biệt danh là kẻ thất bại. Một cách để tự giúp mình là bắt đầu tự hỏi lòng khi gặp thất bại – chuyện gì đang thực sự xảy ra cho mình.

Ni sư Pema Chodron trong một talk show với Oprah Winfrey về Phật pháp ứng dụng trong đời sống hiện đại ở phương Tây
Ni sư Pema Chodron trong một talk show với Oprah Winfrey về Phật pháp ứng dụng trong đời sống hiện đại ở phương Tây

Có người đưa cho tôi một trích đoạn của kịch bản Ulyses, do James Joyce sáng tác, và trong đó ông ta viết rằng thất bại có thể đưa đến sự khám phá. Ông ta, thực ra, không dùng chữ thất bại (failure) mà là chữ lầm lỗi (errors). Và ông ta nói rằng: “Lầm lỗi có thể là những cánh cổng đưa đến sự khám phá”. Thật khó mà phân biệt một bên là thất bại, còn một bên là một sự kiện nào đó đã xảy ra và nó đã thay đổi hướng đi của cuộc đời bạn. Nói cách khác, thất bại có thể là cánh cổng đưa đến sự sáng tạo, đưa đến việc học hỏi một điều gì mới lạ, hay đưa đến có một cách nhìn mới mẻ.

Tôi sẽ dùng đời sống của chính bản thân để làm ví dụ. Thời gian tệ hại nhất trong cuộc đời tôi là khi tôi cảm thấy mình là một kẻ thất bại tồi tệ nhất, và điều này liên quan đến việc hôn nhân lần thứ hai của tôi bị thất bại. Tôi đã chưa bao giờ trải qua một kinh nghiệm hụt hẩng, xúc phạm, và đau thương như vậy. Và tôi thật sự cảm thấy mình dở tệ!

Tôi đã phải mất 3 năm để thay đổi từ việc muốn trở về một đời sống ổn định trước khi đổ vỡ, đến việc tự nguyện làm lại cuộc đời mới. Nhưng khi tôi làm được điều này, thì kết quả là tôi cảm nhận sâu sắc mình đang thực sự sống an vui. Rốt cuộc nhờ vậy mà tôi trở thành một tác giả có sách bán chạy nhất!

Đôi khi bạn bị tan nát cõi lòng và tuyệt vọng vì những kỳ vọng bị thất bại, và có lúc bạn thấy mình muốn phát điên vì giận. Nhưng trong lúc ấy, thay vì làm theo thói quen, coi mình là kẻ thất bại, hay là người tồi tệ, hay nghĩ rằng có cái gì đó sai lạc trong bản thân, con người mình, bạn có thể tò mò tìm hiểu xem cái gì đang xảy ra. Nên nhớ rằng bạn chưa bao giờ biết, rồi thì mọi chuyện sẽ đi về đâu. Tò mò về chuyện xảy ra bên ngoài, cách chúng ảnh hưởng đến bạn, để ý xem mình nói năng ra làm sao, và trong thâm tâm mình quyết định thế nào là chìa khóa giải mã.

Nếu bạn có quá nhiều những lời này trong lòng “mình tệ quá, mình thật là khủng khiếp,” thì bạn nên để ý và cố làm chúng dịu xuống. Thay vì vậy, nên tự nói với mình rằng, “Mình đang cảm thấy ra sao đây? Có lẽ những chuyện xảy ra không phải do mình là kẻ hay thất bại, hay có lẽ mình đang quá đau khổ”.

Đây là điều con người đã từng trải nghiệm qua từ thời sơ khai. Nếu bạn muốn mình là một con người hoàn toàn, nếu bạn muốn sống thật và ôm trọn cuộc sống trong tâm mình, thì thất bại là một cơ hội để bạn tìm hiểu và lắng nghe thêm về con người mình. Đừng để dính vào chuyện đổ lỗi cho người khác, và cũng đừng dây dưa vào chuyện đổ lỗi lên chính mình.

Chuyện như thế này: Tôi từng nằm trong tình cảnh cảm thấy mình là kẻ thất bại đã nhiều lần, và tôi đã ứng xử giống như bao nhiêu người khác khi tôi bị thất bại. Tôi đóng kín mình lại, chẳng thèm bận tâm tìm hiểu coi chuyện gì đã xảy ra cho mình và bất cứ thứ gì khác. Trong tình cảnh đó có thể mang đến nhiều phản ứng tệ hại – tệ hại vì chúng ta không dám cảm nhận sự thất bại đó, vì chúng ta muốn trốn tránh, vì chúng ta muốn mình tê cứng, không còn cảm giác. Từ tình cảnh đó có thể mang đến sự tranh cãi, phản ứng mạnh và bạo động. Từ tình huống đó có thể mang đến rất nhiều điều tệ hại.

Tôi mang trong người nhiều thói quen phản xạ để giúp mình thoát khỏi tình cảnh đó. Rồi năm tháng trôi qua (và thiền định đóng một vai trò lớn trong chuyện này), tôi bắt đầu tò mò và quen dần với cái tình trạng thất bại – một cảm giác đau buốt tận tâm can vì mình đã làm hỏng, làm thất bại, hay làm nhầm một cái gì đó, hay làm người khác đau khổ.

Và vì vậy, tôi có thể nói với bạn rằng chính từ hoàn cảnh đó mà những đức tính tốt nhất của mình, như là sự can đảm, lòng từ bi, và khả năng giúp người và chăm lo cho họ, được thể hiện. Chính nơi này những cuộc đối thoại thật tình với người khác xảy ra vì mình không còn khách sáo, mình có thể đã vượt qua những chuyện đổ thừa, và cảm nhận niềm tổn thương, đau khổ một cách chân thật. Chính từ chỗ này mà con người thật của mình xuất hiện. Và cũng chính từ chỗ đó, khi mình không còn che đậy hay cố tình muốn tình cảnh đó biến mất, đức tính tốt nhất của chúng ta mới được dịp thăng hoa.

Pema Chodron (Thiện Ý chuyển ngữ, theo How To Fail – Advice for leaning into the unknown, Tricycle Blog, May 11, 2015)

Về tác giả: Pema Chodron là một Ni sư, tác giả, và giáo thọ trong dòng phái Phật giáo Shambhala. Ni sư hiện cư trú và giảng dạy tại tu viện Gambo Abbey, một tu viện trên hòn đảo Cape Breton thuộc tiểu bang Nova Scotia, nước Canada.