Học “Bát Nhã” thì học đến chỗ nào?

Cuối cùng học Bát Nhã là phải học đến chỗ quên Bát Nhã, phải nhớ điều đó! Học Bát Nhã nhưng phải nhớ đến chỗ quên Bát Nhã, không còn thấy Bát Nhã để học, đó mới là thật học Bát Nhã.

Chứ còn có Bát Nhã để học thì còn chưa thấy Bát Nhã, vì còn có Bát Nhã để học là còn có chỗ để cho mình hướng về đó, tức là khái niệm về Bát Nhã thôi!

Bởi vì chính mình là Bát Nhã rồi thì còn có Bát Nhã nào để học nữa.

Do đó Tâm Kinh Bát Nhã gọi là: “vô trí diệc vô đắc”, không trí cũng không đắc, đến chỗ đó là không còn Bát Nhã để học nữa.

Có Tăng hỏi Tôn Giả Nghiêm Dương: Phật là gì?

Quý vị hiểu Phật là gì?

Phật là giác phải không?

Hay là Đức Phật Thích Ca sanh ra ở Ấn Độ?

Nghiêm Dương đáp:

– Cục đất.

Hỏi:

– Pháp là gì?

Sư đáp:

– Đất lăn

Hỏi:

– Tăng là gì?

Sư đáp:

– Ăn cơm, ăn cháo

Thì quý vị hiểu sao?

Nhưng chính chỗ không hiểu đó, là Phật, Pháp, Tăng sống.

Phật Pháp Tăng chân thật là chỗ đó! 

Còn mình hiểu được, đó là Tam Bảo trong chữ nghĩa.

Ứng dụng “trí tuệ Bát Nhã” để tu

18893101_440397289674384_3885022931428002548_n

Ở đây Sư muốn chỉ thẳng Tam Bảo thật là ngay chính mình, quên chỗ hiểu biết bên ngoài thì mới thấy được Phật Pháp Tăng sống, Phật Pháp Tăng chân thật, còn cứ lo giải thích để cho hiểu: Phật là giác, Pháp là pháp của Phật nói ra, là chánh pháp, còn Tăng là thanh tịnh.

Nói một hơi rồi không biết Phật Pháp Tăng ở chỗ nào hết.

Ở đây là muốn chỉ Phật Pháp Tăng chân thật nơi chính mình, còn giải thích được để cho mình hiểu, dù mình có hiểu cách mấy đi chăng nữa, chỉ là hiểu bóng dáng vậy thôi !

Nghĩa là hiểu qua khái niệm, mà mình chưa thật sự đối diện giáp mặt Phật Pháp Tăng chơn thật.

Đây là Sư muốn đưa mình trực tiếp vào Tam Bảo sống chân thật của chính mình.

Khi mình đã có ánh sáng Bát Nhã đó rồi, thì nhìn trở lại mới thấy tất cả đều là Bát Nhã, đâu đâu cũng đều Bát Nhã, cũng có Bát Nhã.

Lúc đó thì mình đọc sách mình cũng thấy Bát Nhã ở trong đó, rồi đi ra làm việc, cuốc đất cũng thấy có Bát Nhã ở trong đó.

Bởi vì lúc nào cũng là sáng suốt thì lúc nào cũng là Bát Nhã.

Cho nên có câu: “Uất uất hoàng hoa vô phi Bát Nhã”.

Nghĩa là:

Hoa vàng rực rỡ thảy đều là Bát Nhã hết.

Thấy hoa cũng thấy Bát Nhã trong đó.

Thấy hoa sao là thấy Bát Nhã trong đó?

Thấy cành hoa đó, nhưng cành hoa thấy nó như cành hoa, chứ không có lầm ở trong đó, thì lúc đó Bát Nhã hiện tiền.

Thấy cành hoa cũng là Bát Nhã hiện trong đó, thì quý vị thấy còn cái gì vui hơn ở trong đời này!

Thấy chỗ nào cũng là Bát Nhã hết, đi đâu cũng gặp Bát Nhã, được như vậy đó mới gọi là sống có ánh sáng, sống có mở mắt, còn bây giờ tuy mở mắt mà giống như là nhắm mắt.

Thế thì, muốn được vậy bây giờ phải bắt đầu từ đâu đây? Đó mới là điều quan trọng.

Phải bắt đầu từ thấy rõ lẽ thật ngay thân tâm của chính mình đây.

Tức là phải luôn luôn chiếu kiến ngũ uẩn giai không, hằng thấy năm uẩn này đều là không, không có gì để bám hết.

Đó là chổ bắt đầu của mình. Đó là chỗ ánh sáng Bát Nhã của mình phải sống, phải thấy, nó chỉ xuất hiện ngay chỗ đó thôi.

Có ai ngay đây chịu bắt đầu chưa?

Chỉ một bài Tâm Kinh Bát Nhã thôi, mà học để hiểu sâu và thực hành thì thấy không phải là dễ dàng.

Nhưng thường thường mình cứ học cho qua, học trên chữ nghĩa, nên mình không thấy hay, rồi cho rằng bài Tâm Kinh Bát Nhã có gì đâu mà hay, có gì đâu mà quan trọng?

Nhưng học kỹ như vậy mình mới thấy trong đó rất là sâu xa, rất là vi diệu, không thể nghĩ bàn!

Vậy thì bây giờ trong đây ai có thể tóm tắt bài kinh Bát Nhã ngay tại đây chăng?

Nói cho đơn giản, ngay đây là có bài kinh Bát Nhã trong này rồi khỏi cần phải tìm học đâu nữa.

Tức là hiện tại Đạo Tràng quý vị đang có mặt đây, Đạo Tràng do đâu mà có?

Cái gì là Đạo Tràng Quán Thế Âm này, chỉ ra xem?

Thì quý vị thấy Bát Nhã liền.

Nói Đạo Tràng Quán Thế Âm mà không chỉ nổi ra cái gì là Đạo Tràng Quán Thế Âm hết.

Chẳng qua là do một số Phật tử tập trung lại đây, có chỗ để sinh hoạt, có quý Thầy hướng dẫn, cộng chung tất cả mấy cái đó lại tạm gọi là Đạo Tràng Quán Thế Âm thôi, nếu tách rời ra bảo chỉ, không chỉ ra được, thì ngay đó là Bát Nhã chứ còn gì nữa!

Bát Nhã là ngay chỗ đó thôi.

Để kết thúc lại, chúc tất cả quý vị đều mở sáng Bát Nhã! Muốn vậy phải luôn luôn thuộc lòng bài kinh này.

Thuộc lòng không phải đọc tới đọc lui hoài, mà phải theo ý nghĩa đúng như Tâm Kinh này.

Tức là thường thấy như vậy, thường soi sáng như vậy, đó là thuộc lòng Bát Nhã, đó là mở mắt Bát Nhã.

Bấy nhiêu đó quý vị ứng dụng hết đời chắc cũng chưa xong. Mong rằng ánh sáng Bát Nhã hằng chiếu luôn không gián đoạn.

Trích trong:  Tâm Kinh Bát Nhã Qua Cái Nhìn Cảu Nhà Thiền.

HT. Thích Thông Phương